Những con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày còn bé, tôi vẫn hay ra ngoài ngõ chỉ để ngắm nhìn những con đường. Những con đường ngày đó dốc nhiều, ngoằn ngoèo, đỏ rực đất bazan cháy nắng nối từ triền đồi này sang triền đồi khác rồi dần mất dấu trong màu xanh cây cỏ, trong màu vàng đối nghịch của rực rỡ cúc quỳ, lòng luôn tự hỏi những con đường quá dài này sẽ đi về đâu?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những con đường không trả lời mà cứ mải miết trườn đi, mở rộng ra, lại phân nhánh rẽ liên tục, không ngừng, không nghỉ, chỉ cần có dấu chân người qua lại thì đường sẽ tự mở lối. Nhìn xa về phía trước, vẫn thấy hun hút đường xa, đâu là đích đến, đâu là điểm dừng? Ngày bé tôi đã có ước muốn bỏ nhà đi theo những con đường để biết nó sẽ dẫn về đâu, nhưng chưa bao giờ dám bước ra quá xa con đường rợp bóng mát những cây mít già của cái xóm nhỏ. Thế nên những con đường luôn là nỗi nhớ, luôn là nỗi tò mò.

Đến khi lớn hơn, nỗi nhớ về những con đường bị biến thể khác hơn một chút, tôi loay hoay với những ngã rẽ, luôn băn khoăn tự hỏi những ngã rẽ rồi sẽ dẫn về đâu? Nên chọn một con đường như thế nào để đi cho xứng tầm tuổi trẻ, một con đường chông gai, một con đường trải đầy hoa hồng, con đường gập ghềnh sỏi đá với nắng cháy, hay con đường bằng phẳng với những bóng cây râm mát, hoặc tự mình chệch bước một chút tạo riêng cho bản thân một độc đạo... Để rồi đôi khi, nếu mà trượt té hay và vấp ở ngã rẽ này, tôi lại mường tượng ra ở ngã rẽ kia tôi sẽ không ngã, mà lại gặp điều gì đó vui vẻ hơn, may mắn hơn. Bạn thường nói tôi là kẻ đứng núi này trông núi nọ, cứ tiếc hoài con đường mình không đi.

Rồi đến lúc thực hiện được những ước nguyện của mình lúc nhỏ, rong ruổi trên những con đường xa, say sưa khám phá những điều mới mẻ, những vùng đất xa lạ, những con đường trải nhựa thênh thang thì lại hoài nhớ về những con đường nhỏ hẹp ngày bé. Những con đường ngoằn ngoèo dốc nối dốc, dốc tiếp dốc, những con đường đỏ rực bụi cứ như dải lụa thẫm màu uốn lượn trong gió, hai bên đường vàng rực cúc quỳ như cả ngàn mặt trời bé nhỏ. Những con đường đó vẫn chưa kịp đi hết, vẫn chưa truy đến tận cùng mà đã hăm hở bỏ đó để đi tìm những con đường mới, nên đôi lúc tự thấy mình bạc bẽo. Nhưng tuổi trẻ mà, chỉ chạnh lòng đôi chút vậy, rồi lại đi, cứ đi tiếp thôi, lúc vui, vui tràn, đôi chân cứ bước, cứ tìm những con đường, cứ theo những con đường mà đi. Để rồi có những lúc đang rong ruổi bỗng thấy mỏi mệt, tự truy vấn mục đích của đời người là đâu, sao đi mãi mà chẳng thấy đích tới, sao đi mãi mà chẳng có lối ra trong mê cung? Đường nào cũng có ngã rẽ, chọn ngả này thì tiếc ngả kia, mà đường thì cứ nối đường trải dài ra mãi, chân bước ngả này mà cứ bận lòng không thôi về ngả chưa bước.

Tôi biết, tôi không thích đời giông bão, nhưng cũng không muốn cuộc đời quá bình lặng. Thế nên tôi cứ đi tìm, đi tìm gì đôi khi chính tôi cũng không biết, để rồi khi bóng chiều đổ dài trên bóng mình đơn độc trên con đường thênh thang dọc bước, tôi mới nhận ra. Điều tôi mong mỏi trên con đường dài ấy là có một bóng người đang chờ đợi tôi. Phải, chỉ cần có một người đợi mong tôi ở cuối con đường, thì dù cho có khó khăn, có mỏi mệt đến đâu, tôi cũng sẽ đi, sẽ đi đến cùng. Và vì trái đất là một vòng tròn rộng lớn, nên những con đường sẽ lại dẫn tôi về nơi tôi đã bước đi, thế nên, đợi tôi nhé những con đường đất đỏ. Tôi sẽ về, vì nỗi nhớ tuổi thơ, vì những con đường đã bắt đầu ở đó và vì những người vẫn ở đó chờ tôi...

 Lê Thị Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.