Người nhà tàu và hành khách đều luyến tiếc những kỷ niệm xưa. Hình ảnh của thập kỷ trước thôi, trên những đoàn tàu này chật ních người và hàng, giờ chỉ hiện về trong ký ức.
Ga Hạ Long từng được thiết kế làm ga khách du lịch, nay xuống cấp, một phần được tận dụng làm chợ đường sắt
“Tôi nhớ tôi thương những chuyến tàu”
Khi đường bộ chưa phát triển, đường sắt là độc tôn, nhưng nay mọi thứ đã khác. Những đoàn tàu lên các tỉnh phía Bắc, như Long Biên (Hà Nội) - Quán Triều (Thái Nguyên), Long Biên - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh), một thời vang bóng. Đây đều là những đoàn tàu kết nối Hà Nội với trung tâm công nghiệp - giáo dục (Thái Nguyên), hàng biên giới (Lạng Sơn), khai thác mỏ (Quảng Ninh). Tuy nhiên, cùng với sự đi xuống của các trung tâm trên, đường bộ phát triển, đường sắt lụi tàn dần.
Trưởng tàu Long Biên - Quán Triều Phạm Văn Thảo nhớ lại 20 năm trước, khi anh mới bước chân vào ngành đường sắt, khi đó khách phải xếp hàng mua vé, đợi tàu, còn giờ tàu xếp hàng đợi người. Anh nhớ, trước đây chất lượng tàu hoả kém lắm, cách phục vụ cũng khác, vì người ta cần mình, nhưng tàu lúc nào cũng đông nghịt. Không đâu xa, chỉ khoảng năm 2010 trở về trước, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên vẫn ngày 2 đoàn tàu khách đi về, chưa kể tàu hàng. Ngày đó còn cả tàu nhanh, tàu chậm. Vào mỗi cuối tuần, lễ, tết, đoàn tàu dài 7-8 toa vẫn kín chỗ.
Thời đó, Thái Nguyên vẫn giữ trung tâm công nghiệp, giáo dục của khu vực phía Bắc. Nhưng rồi Thái Nguyên mất vị thế, đường bộ cao tốc hình thành, xe khách đưa đón tận nhà, hút hết khách đi tàu. Năm 2017, tàu nhanh phải dừng hoạt động vì vắng khách, tàu hàng cũng ít dần, chỉ còn tàu hỗn hợp 3 toa khách và 2 toa hàng. Ấy vậy, khách và hàng cũng vơi dần, tháng 2/2018 tàu dừng hẳn vì thua lỗ.
Trước đây, nhà lưu trú của anh em phục vụ tàu ở ga Quán Triều tấp nập, nay dãy nhà cấp 4 hiu quạnh, mỗi tối còn 3-4 người lưu lại, điều hòa cũng được tháo đi. Dãy nhà lưng chừng đồi, mỗi khi mưa lớn, nước thấm qua tường ngập cả phòng. Anh em tổ tàu phải đào rãnh dưới nhà để gom nước dẫn ra sân. “Trước mẹ mình cũng làm ở đây, thấy đường sắt “ngon” nên khi nghỉ hưu đã đưa con vào thế chân. Khi mình mới vào, ga Quán Triều còn nhiều hàng, tranh thủ làm thêm ở ga thu nhập rất tốt”, chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ quản lý nhà lưu trú của tổ tiếp viên ở ga Quán Triều kể.
Còn trưởng tàu Yên Viên - Hạ Long Ngô Văn Vũ vẫn không quên được những chuyến tàu xưa. Thời điểm đó, tuyến đường sắt này thường khai thác tàu kết hợp hàng và khách, với 2-3 toa khách, 4-5 toa hàng (như than, xi măng, thậm chí 1 toa chở lợn, 1 toa chở gà, 2 toa rau quả). Ngày nào đi làm cũng phải 2 bộ đồng phục, để có cái thay khi đồ bẩn vì lợn, gà. Tuy nhiên, từ 10 năm trở lại đây, khách và hàng cứ giảm dần. Tới tháng 4/2018, không chịu được thua lỗ, đoàn tàu phải dừng khai thác. Tới tháng 9, khi tái vận hành, khách lại giảm thêm 1 nửa so với thời điểm chưa dừng khai thác.
“Chỉ hơn chục năm trước, khi đó đường bộ còn chưa phát triển, giao thương với Trung Quốc lại mạnh, tàu Long Biên (Hà Nội)- Đồng Đăng (Lạng Sơn) hàng chất sát nóc toa, không còn chỗ cho khách ngồi”, bà Nguyễn Thị Trà (79 tuổi, TP Bắc Ninh) một trong những hành khách hiếm hoi trên chuyến tàu hồi tưởng lại. Bà nhớ như in, những năm 1970, để mua được vé tàu đã khó, chen chân được lên tàu còn khó hơn.
Ngày đó, gia đình bà mỗi lần về quê, chồng đỡ vợ và con leo qua cửa sổ để vào toa chiếm chỗ, sau đó chồng mới đi vòng cửa toa lên. Nhưng lên cũng đâu có chỗ, hàng hoá xếp đống lên sát nóc, khách chen chúc đứng, ngồi lên hàng là bị các chủ hàng “xử” ngay. Nay, trước khi đoàn tàu rời Đồng Đăng, lực lượng liên ngành địa phương như Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Công an... vẫn thực hiện 1 lượt kiểm tra tàu để chống buôn lậu. Đó là hình ảnh của quá khứ vẫn lưu lại tới nay, vì nay chẳng còn ai đi buôn hàng biên giới qua đường sắt nữa.
Nguy cơ tai nạn rình rập
Cũng như các tuyến đường sắt khác, các tuyến đi phía Bắc kể trên cũng luôn đối mặt nguy cơ tai nạn từ hệ thống đường ngang chằng chịt, nhà dân san sát bên đường. Chỉ ngồi cùng lái tàu một vài đoạn, chúng tôi nhiều lần thót tim, vì dòng người và xe dường như quên mất có tàu hỏa tồn tại. Có người ra đường sắt dạo chơi, có xe vượt lên bất giác thấy tàu lùi lại.
Gần 11h ngày 23/11, khi đoàn tàu từ Hà Nội mới vào đất Lạng Sơn, vừa qua đoạn cua, bất ngờ phía trước xuất hiện người phụ nữ đang đuổi 2 con trâu bất chấp đoàn tàu lao tới. Lái tàu kéo còi liên tục, dí phanh nhưng trâu chạy trước, người cố đuổi theo sau, nhất quyết không rời đường sắt. Tàu vẫn lao tới, tiếng bánh sắt rít vào đường ray nghe rợn người.
Khi tới đường ngang, trâu vọt ra tránh tàu, đoàn tàu lướt qua và dừng hẳn, chúng tôi vọt xuống, người phụ nữ đã nằm bất động bên đường ray. Cả tổ tàu chạy tới chỗ người phụ nữ khẩn trương, gấp gáp, hồi hộp. Kiểm tra sơ bộ không phát hiện vết thương chảy máu, người phụ nữ nhanh chóng được đưa lên tàu để chở tới ga có bệnh viện gần nhất, tàu tiếp tục lăn bánh. Khoảng 10 phút sau, người phụ nữ tỉnh lại, chị cho biết tên là Hoàng Thị Đang, sinh năm 1963, ở Yên Sơn, Yên Chạch, Lạng Sơn.
Vụ chị Đang chưa yên, bất ngờ tàu lại phanh rít, mọi người nháo nhác ngó ra, một người đàn ông say rượu đang chặn đầu tàu. Tàu dừng, người đàn ông leo lên đầu máy hát hò. Chỉ khi một thanh niên xuất hiện kéo người đàn ông xuống, tàu mới tiếp hành trình.
Trong 3 tuyến chúng tôi đi, tuyến ít tai nạn đường sắt với đường ngang dân sinh tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, do đường gần, lại chạy vào chiếu tối và mờ sáng. Còn tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hạ Long nguy hiểm, tai nạn thường xuyên nhất, do tàu chạy đường xa, lại đi vào giờ cao điểm.
Cũng trên tuyến đường sắt Long Biên - Ðồng Ðăng, mới hôm 26/11, một xe tải ben Howo chở vật liệu xây dựng lùi khi tàu tới đã xảy ra va quệt. Tàu hư hỏng bên hông, còn ô tô bỏ chạy. Trước đó, ngày 19/11, cũng tại Yên Chạch (Lạng Sơn), xe tải ben Howo chở vật liệu xây dựng cố băng đường ngang bị tàu đâm lăn xuống ruộng. Lái tàu và lái xe ben bị thương, xe tải hư hỏng, tàu hỏng đầu máy và toa phát điện. Trước đó nữa, ngày 30/10, đoàn tàu này cũng đâm phải xe bồn trộn bê tông cố vượt đường ngang khi tàu tới, lái tàu gãy chân, tàu hỏng đầu máy. |
(Còn nữa)
Lê Hữu Việt (TP)