Nhói lòng nạn trẻ em đuối nước ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 11 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của nhiều người mà đa phần là trẻ em. 
 
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông tìm kiếm một trẻ em bị đuối nước ở Thành phố Gia Nghĩa. Ảnh: Phan Tuấn
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông tìm kiếm một trẻ em bị đuối nước ở Thành phố Gia Nghĩa. Ảnh: Phan Tuấn
Nỗi lo trẻ em đuối nước
Mới đây, vào ngày 2.9.2021, tại xã Đắk Nia, Thành phố Gia Nghĩa, một vụ đuối nước khiến một bé gái 8 tuổi bị tử vong. Nạn nhân là cháu Đ.T.M.T (SN 2013, thường trú tại thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia).
Theo bố mẹ nạn nhân, sáng 2.9.2021, trong lúc đi chơi cùng em gái qua đập tràn thuộc hồ thủy lợi bon Phai Kol Pru Đăng,  cháu không may bị trượt chân xuống hồ. Do hồ nước quá sâu nên T đã bị đuối nước. Thấy chị bị đuối nước, em gái hô hoán, người dân tới đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông nhưng cháu T không qua khỏi.
Trước đó, ngày 21.7.2021, trong lúc đi chơi cùng bạn bè, bé gái Đ.T.T.U (SN 2015, ở bon Phai Kol Pru Đăng, ở xã Đắk Nia, Thành phố Gia Nghĩa) đã không may trượt chân rơi xuống hồ, bị đuối nước thương tâm.
Theo người dân địa phương, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, một số cháu nhỏ ở bon Phai Kol Pru Đăng có đi chơi qua hồ Đắk Nia. Khi tới đây, bé D.T.T.U cũng không may ngã xuống hồ nước. Sau đó, các bé còn lại đã chạy về nhà gọi người thân ra cứu giúp nhưng sự việc đã quá muộn.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ đuối nước, trong đó nhiều vụ nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi.
Cần dạy kỹ năng cho trẻ
Đắk Nông là địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, suối, thác nước lại thêm các đập, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông trường, hộ gia đình trồng công nghiệp ở khắp nơi. Đặc điểm chung của các hồ, đập đa số đều sâu. Mặt khác, một số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn, nên nguy cơ đuối nước cho trẻ em rất cao…
Trung tá Phạm Thành Nam - Phó Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - cho biết, phòng tránh đuối nước cho trẻ em không chỉ là việc của mỗi gia đình mà đòi hỏi sự chung sức của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, để phòng tránh đuối nước, các bậc phụ huynh, nhà trường cần chú ý đến việc dạy bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ em. Các em cần trang bị cho mình kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và cách nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.
Khi trẻ có kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào. Hơn thế nữa, các em cần được trang bị thêm những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước như thông báo cho mọi người xung quanh được biết. Nếu không có phao cứu sinh, các em có thể ném các vật nổi cho nạn nhân như gậy, dây để hỗ trợ.
Trung tá Phạm Thành Nam cũng cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu và đề nghị các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa mưa bão. Theo đó, các khu dân cư cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm