Nhọc nhằn đường đến trường của trẻ vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến Trường tiểu học Vừ A Dính (H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào những ngày mùa mưa, mới thấu hết được cảnh khổ và nghị lực đến trường của học sinh vùng cao.

Con đường lầy lội các em phải vượt qua để đến trường
Con đường lầy lội các em phải vượt qua để đến trường



Chuyến trải nghiệm thực tế của chúng tôi bắt đầu sau khi nghe thầy Nguyễn Xuân Trường, Hiệu phó Trường tiểu học Vừ A Dính, kể về ngôi trường tiểu học có số học sinh (HS) đông nhất tỉnh, với 99% là dân tộc thiểu số. Mỗi ngày gần 40 km đường rừng lội bộ cả đi lẫn về, nhưng HS vẫn đến trường đều đặn, mỗi năm số HS nghỉ học giữa chừng cũng rất thấp.

Cung đường “mạo hiểm”

 

"Con dậy từ 2 giờ sáng nấu cơm rồi đùm mang theo lên trường ăn. Có hôm bố mẹ đi rẫy, em kế cũng đi học thì con địu luôn em nhỏ 2 tuổi đến trường"-Giàng Thị Chá (12 tuổi)

Trước khi đưa chúng tôi vào bản, thầy Trường phải “mặc áo giáp” cho xe. Áo giáp ở đây là các đoạn dây xích quấn quanh 2 bánh xe để chống trơn trượt. “Không mặc áo giáp này thì không đi được đâu”, vừa gắn xích vào bánh xe, thầy Trường vừa nói.

Và rồi những gì trước mắt đã khiến tôi hãi hùng, những con đường đất đỏ lầy lội vì mưa, cộng với xe máy cày của người dân cày nát con đường như ruộng sắp gieo. Rồi dốc nối dốc, những dốc cao gần như dựng đứng, ngồi trên yên xe của thầy hiệu phó, nắm chặt tay vào thành sau mà cảm giác như đang chơi trò mạo hiểm.

Đi khoảng nửa chặng đường, chúng tôi phải bỏ xe lội bộ. Trời mùa nắng sẽ giảm được phần lầy lội, nhưng đoạn đường gần 20 km dốc nối dốc, vượt được con dốc này chưa kịp thở thì con dốc khác hiện ngay trước mặt. Và cả những con suối nước chảy xiết. Từng đó thôi cùng đủ để ngưỡng mộ nghị lực đến trường phi thường của các em nhỏ nơi đây.

Đùm cơm, địu em đến trường

Sau mấy lần ngã chỏng vó nằm trên đất đỏ lầy lội, rồi trượt lăn xuống suối vì đường quá dốc và trơn, chúng tôi cũng đến được nơi các em đang ở. Đấy là những bản làng tách biệt, các hộ gia đình sống thành từng cụm.

Tại cụm 10 (xã Đắk R’Măng), chúng tôi gặp chị em Giàng Thị Chá (12 tuổi) vừa lên rừng bẻ măng về. Nhà Chá có 5 anh chị em thì 4 người đang đi học, sau Chá còn 2 em nhỏ. Tôi hỏi: “Bình thường em đi học bằng gì?”, Chá gãy gọn: “Dạ đi bộ”.

Chá nói: “Con dậy từ 2 giờ sáng nấu cơm rồi đùm mang theo lên trường ăn. Có hôm bố mẹ đi rẫy, em kế cũng đi học thì con địu luôn em nhỏ 2 tuổi đến trường”.

Vượt tiếp gần 5 km đường rừng nữa, chúng tôi đến nhà cụm trưởng cụm 8, lúc này chỉ có Giàng Seo Chùa (15 tuổi, con trai thứ của cụm trưởng) và em gái Chùa (11 tuổi) ở nhà. Cũng giống chị em Chá, nếu trời mưa thì anh em Chùa dậy chuẩn bị cơm nước và đi học lúc 2 giờ 30 sáng, còn trời nắng thì 3 giờ. Cực nhọc vậy nhưng Chùa nói: “Ngày nào cũng đi học dù nắng hay mưa. Đi thì mỏi chân và mệt thật, nhưng đi học rất thích”.

 

 Giàng Thị Chá thường tranh thủ chỉ cho em học
Giàng Thị Chá thường tranh thủ chỉ cho em học



Mong muốn thay đổi quê hương

Từ cụm 8 sang cụm 9, lúc này đã đuối sức, chúng tôi quá giang xe máy cày của anh Cư A Sấu (cụm 9) đang đi rẫy về. Gia đình anh Sấu có 5 đứa con, ngoài bé nhỏ mới được mấy tháng tuổi thì 4 đứa còn lại anh đều cho đi học. “Cho tụi nhỏ đi học để biết chữ. Chứ không biết chữ như ba mẹ nó thì khổ lắm”, anh Sấu nói.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Giàng A Sếnh có con trai thứ Giàng A Tỉnh đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.


 

Sau một buổi đi học, các em lên rừng bẻ măng, đi rẫy cùng gia đình
Sau một buổi đi học, các em lên rừng bẻ măng, đi rẫy cùng gia đình



“Để học được đến hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, các bạn khác nỗ lực 1 thì học sinh miền núi tụi mình phải nỗ lực 10, thậm chí 20 hay hơn thế nữa. Nhớ lại những ngày dậy đi học từ 2 - 3 giờ sáng, trưa học xong lội bộ về đến nhà cũng 2 giờ chiều, chưa kịp nằm nghỉ thì đi lên rẫy lao động. Nhưng càng khổ, tụi mình càng có động lực nhiều hơn”, Tỉnh chia sẻ.


Tỉnh cho biết lúc đầu cũng như bao đứa trẻ miền núi khác, dù vượt hàng chục cây số để đến trường, nhưng ước mơ cũng chỉ là học để biết chữ. Càng học, càng đi ra, Tỉnh càng nhận thấy người đồng bào quê mình quá nhiều thiếu thốn. “Mình quyết định học nông học vì muốn thay đổi quê hương của mình, muốn mang kỹ thuật về giúp bà con canh tác nông nghiệp đạt năng suất và thu nhiều lợi nhuận hơn”, Tỉnh tâm huyết.

Học sinh miền núi đi học không cần vận động

Theo thầy Nguyễn Xuân Trường, cách đây khoảng 10 năm, phải đến từng bản làng vận động. Nhưng những năm về sau, các em đi học rất chăm chỉ, thậm chí số lượng ngày càng tăng lên mà không cần phải vận động. Hiện tại, học sinh của trường đến từ 3 xã là Đắk Som, Đắk R’Măng và Đắk P’Lao.

“Chỉ mong có thể mở được phân hiệu của trường gần nơi các em ở. Nếu được như thế, đội ngũ giáo viên chúng tôi tình nguyện vào cắm bản để dạy. Chỉ cần giảm bớt được khoảng cách đến trường là giảm bớt phần nào khó khăn cho các em”, thầy Trường gửi gắm.


Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm