Nhọc nhằn đời câu mực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biển tối sầm, chiếc thuyền câu như cái lá chao đảo, vật vã trên sóng. Những ngư dân mắt thâm quầng, suốt đêm kiên nhẫn ngồi bên mạn thuyền ôm cần câu, săn mực.
 
Thâu đêm săn mực. Ảnh: K.Hoan
Với ngư dân, câu mực là nghề kiếm sống đầy nhọc nhằn. Sau 14 giờ trằn mình trên sóng biển, thức thâu đêm, mỗi thợ câu mực cũng chỉ thu nhập vài ba trăm ngàn đồng.
Vượt sóng
Hẹn mãi, chủ thuyền Võ Thế Lanh (xã Nghi Thiết, H.Nghi Lộc, Nghệ An) mới bố trí cho tôi ra biển trên chiếc thuyền câu mực. “Phải chọn bữa trời yên, biển lặng, chứ sức chú không chịu nổi sóng đâu”, anh Lanh nói. Gần 4 giờ chiều, nắng vẫn như dội lửa, anh Lanh cùng 3 người bạn câu, tôi và một đồng nghiệp lên thuyền. Họ mang theo 6 chai nước ngọt tăng lực trộn cà phê, 2 cái gô đựng cơm, thức ăn và cùng lỉnh kỉnh đồ câu. Chiếc thuyền từ cảng cá Cửa Lò nhằm hướng đông lao đi. Gió đông thổi mạnh, chiếc thuyền ngược sóng cứ chồm lên, lao xuống, vật vã.
Sau một tiếng rưỡi vượt sóng, anh Lanh ra hiệu cho bạn câu thả neo. “Vị trí ni cách đất liền gần 10 hải lý, tức tầm 18 cây số”, anh Lanh nhìn vào máy đo tọa độ gắn trên nóc thuyền, nói với tôi. Chiếc thuyền bị neo giữ chặt, chao đảo, giãy giụa như con ngựa bất kham khiến tôi thấy nôn nao, mệt lử.
Bốn người trên thuyền bắt đầu tra dây cước vào cần câu. Những chiếc cần câu bằng tre, dài chừng sải tay. Mồi nhử làm bằng nhựa, được các ngư dân trang trí bằng những sợi dây dù quấn quanh để tạo ra các màu sắc bắt mắt. Ngay phía dưới cái mồi nhử này là một chùm lưỡi câu. Mực thấy ánh sáng của đèn sẽ kéo đến, các mồi nhử này trôi trong nước, chúng tưởng là mồi nên bám sát lại và bị dính câu.
Sau chừng 15 phút thả câu, “cần thủ” Nguyễn Văn Bình kéo lên một con mực ván gần bằng nắm tay. Chú mực này không được “chào đón” như mực ống, vì độ ngon kém xa. Nó bị ném xoạch vào cái xô nước biển, phun mực đen sì và sẽ trở thành bữa ăn khuya của chúng tôi.
 
Mực được đưa lên bán khi thuyền cập cảng
Đêm trắng
Bóng đêm phủ xuống mặt biển. Lanh giật máy nổ, bật đèn. 5 chiếc đèn cao áp gắn bên mạn thuyền sáng lòa, rọi xuống mặt nước. Đêm câu mực chính thức bắt đầu. 4 người ngồi hai bên mạn thuyền, buông câu. Những cánh tay cầm cần câu liên tục đưa lên, thả xuống để kéo mồi nhử chuyển động trong nước. Tiếng máy phát điện nổ phành phạch. Một con mực dính câu của Lanh. Anh kéo lên và đó chỉ là con mực sim, bằng ngón tay cái. Cũng như con mực ván, con mực sim bị ném vào cái xô nhựa để làm bữa ăn khuya. Dăm phút sau, cần câu của “ngư thủ” Bình cũng cong oằn. Nhưng kéo lên thì đó chỉ là một con cá nóc.
Mực câu ngày càng khó, mà không đi thì nhớ biển và cũng chẳng có tiền để đong gạo
Chủ thuyền Võ Thế Lanh
Anh Lanh nói, giờ vàng để câu mực là từ lúc trời tối hẳn cho đến tầm 23 giờ. Hơn 7 giờ tối, “cần thủ” Mạnh ở mạn thuyền bên kia kéo lên một chú mực ống bằng ngón chân cái. Đây mới thực sự là loài được chào đón. Loại này sống khỏe và bán được giá nhất vì độ ngon thượng hạng. Con mực sau khi kéo lên, lập tức được thả xuống nuôi ở khoang thuyền.
Gần 21 giờ, sau gần 2 giờ thả câu, nhìn khoang thuyền mới chỉ độ vài chục con mực, Lanh móc điện thoại gọi cho bạn câu ở thuyền khác, hỏi thăm. “Chúng nó được hơn 2 kg rồi. Thôi, nhổ neo, chuyển vị trí!”, anh Lanh giục bạn câu. Chiếc thuyền trườn trên sóng, đi qua nhiều thuyền câu khác cũng đang chong đèn sáng trưng. Độ vài chục phút sau, anh Lanh ra hiệu cho đồng nghiệp thả neo. Địa điểm mới này được kỳ vọng hơn, nhưng cũng phải tầm vài chục phút sau khi thả câu, “cần thủ” Bình mới giật được con mực đầu tiên lên. Đó là con mực ống. Và cứ sau khoảng dăm bảy phút, có khi cả chục phút, thêm từng con mực ống được ném vào khoang thuyền.
23 giờ. Gió đổi hướng. Thuyền vẫn chao đảo, lắc lư. Anh Lanh thu câu, tắt đèn câu, chuẩn bị bữa ăn tối. Một nồi mì tôm nấu với mực ván và một tô mực sim luộc cộng với thịt lợn kho mang sẵn trong cái gô cơm được dọn ra. Đói, nên bữa ăn thật ngon.
Đêm cuối tháng, mảnh trăng yếu ớt không đủ chiếu sáng. Biển tối sầm. Xa xa, ánh đèn của hàng chục thuyền câu khác vẫn chong, lấp lóa như bầu trời sao. Trên thuyền, các ngư dân vẫn bám mạn, ôm cần kiên trì giật câu. Họ không hề nghỉ, dù đôi mắt thâm quầng.
 
Chuẩn bị ra biển
Không đi thì nhớ biển
45 tuổi, nhưng nom Lanh như đã quá 50 tuổi. 15 tuổi anh đã theo cha lên thuyền ra biển.
18 tuổi anh đi lính, 2 năm làm lính hải quân ở Cam Ranh rồi xuất ngũ, về quê. 33 tuổi mới cưới vợ. Chiếc thuyền này anh mới mua lại của một người khác, gần 200 triệu đồng. Nó là nồi cơm của cả nhà 6 miệng ăn, gồm vợ chồng anh và 4 đứa con đang tuổi đi học. “Cũng phải liều vay tiền mà mua, chứ đi cái thuyền nhỏ trước đây nguy hiểm lắm. Mấy hôm nay biển yên còn đỡ, chứ gặp giông lốc bất ngờ thì sống chết chỉ trong gang tấc”, anh nói. Chiếc thuyền này cũng là “cần câu” kiếm sống nuôi gia đình của 3 bạn câu khác ở cùng làng. Từ hàng trăm năm nay, người dân ven biển Nghi Thiết này chủ yếu sống bằng nghề biển và đóng tàu, thuyền. Nhưng nghề đánh bắt gần bờ cũng oải dần vì nguồn hải sản ngày càng cạn hiếm. Đi biển giờ chủ yếu là trung niên và người già. Thanh niên thích ra nước ngoài lao động hơn ra biển.
Chỉ tay về đôi tàu cá công suất lớn đang dàn hàng ngang chạy, anh Lanh nói, đó là tàu hành nghề giã cào và nó là nguyên nhân khiến nguồn hải sản cạn kiệt nhanh. “Địa bàn đánh bắt của tàu lớn này là ngoài khơi, nhưng họ chỉ quẩn quanh ở ven bờ đánh giã cào, cào bắt hết mọi thứ, kể cả lưới của người khác thả xuống. Nhưng loại này cũng chưa ác bằng tàu dùng xung điện để đánh bắt. Nó đi qua, hải sản bị diệt hết”, anh Lanh nói.
Trước đây, chiếc thuyền của anh Lanh vừa đánh lưới vừa câu mực, thu nhập cũng khá ổn. Nhưng dăm năm trở lại đây, vào mùa câu mực từ tháng 3 đến tháng 8, anh bỏ lưới chỉ câu mực. Mực ở vùng biển Cửa Lò này ngon nức tiếng nên giá bán cao. Tuy nhiên, ở vùng gần bờ, mực ngày càng ít dần. “Mực câu ngày càng khó, mà không đi thì nhớ biển và cũng chẳng có tiền để đong gạo”, anh Lanh thở dài.
Người bạn câu Nguyễn Văn Bình năm nay 54 tuổi và đã có gần 40 năm đi biển, nhiều năm “đi bạn” tận trong Kiên Giang.
4 năm lại đây, anh về quê, chuyển sang câu mực gần bờ. Nhưng nghề mực cũng chỉ đủ trang trải qua ngày cho 4 miệng ăn trong nhà.
5 giờ sáng, chiếc thuyền nhổ neo, trở về. Hơn 1 giờ sau, chúng tôi về tới cảng cá. Thành quả
14 giờ lênh đênh trên biển của 4 ngư dân là hơn 6 kg mực, phần lớn còn sống, bán được 2,1 triệu đồng. Trừ 700.000 đồng tiền dầu chạy thuyền, còn lại được chia đều cho 5 phần (chủ thuyền được 2 phần), mỗi người gần 300.000 đồng. “Ít hơn hôm qua chút, nhưng cũng khá hơn nhiều bữa”, chủ thuyền Lanh nói.
Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển. Những ngư dân ở bến cá lục tục lên bờ, về nhà. Buổi sáng, với họ là giấc ngủ đêm. Chiều đến, họ lại lên thuyền ra biển…

Đại úy Phạm Văn Thanh, Trạm trưởng Biên phòng cảng Cửa Lò, thừa nhận tình trạng tàu công suất lớn đánh bắt giã cào ở vùng gần bờ và một số tàu đến từ các địa phương khác đánh bắt bằng xung điện khiến nguồn hải sản bị cạn dần. Mặc dù biên phòng và lực lượng kiểm ngư đã bắt giữ nhiều vụ nhưng vẫn không thể ngăn chặn được do các tàu hoạt động vào đêm khuya, khó phát hiện.

Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.