Nhớ tà áo bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ đôi ba hôm nữa là đến ngày khai trường. Mùa thu vừa gõ cửa. Trời ửng nắng và phố xá dần sáng rỡ lên. Về ngang lối cũ, tôi bắt đầu thấy xôn xao những tà áo bay, trắng cả một góc sân trường. Chợt nghe như có khung trời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời áo trắng lại ùa về, men theo câu hát: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…”. Có những kỷ niệm khiến ta phải ngậm ngùi khi thu đến. Không phải ngẫu nhiên có nhà thơ viết rằng: “Ngày khai trường áo lụa gió thu bay”. Phải chăng, trong tâm hồn mỗi con người, hình bóng của mùa thu, áo dài và những chiều mênh mang gió là một phần để nhớ?

 

 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Đếm ngược thời gian, thấy mình trở lại ngày xưa. Có chút gì đó xao xuyến khi nhìn ngắm những cô nữ sinh cứ thẹn thùng trong chiếc áo dài ôm sát người, hai tà xẻ ra như trôi dọc theo hai miền gió. Ngày đó, áo dài học đường đã được cách tân nhiều lắm: vải thô hay gấm, vạt áo ngắn lên đến gối hay dài chấm đất, thân áo rộng hẹp theo yêu cầu. Mỗi kiểu lại có một nét riêng. Nhưng tôi thích độc một kiểu áo truyền thống cổ kín tay dài, được may bằng vải lụa mềm. Bởi với tôi, tà áo “trữ tình” nhất là khi được nhẹ bay trong gió, chính sự mềm mại ấy sẽ giúp một thiếu nữ trở nên dịu dàng, thanh thoát hơn. Đã mười mấy năm kể từ lần đầu tiên được vận chiếc áo dài lên mình, tôi vẫn vẹn nguyên niềm yêu thích thuở ban sơ. Thay vì gọi trang phục này là “Quốc phục”, tôi thích cái tên “tà áo của quê hương” nhiều hơn, dù trên thực tế chẳng có gì khác nhau về nghĩa.

Cuộc đời tôi gắn liền với áo dài, từ một nữ sinh trung học cho đến khi trở thành cô giáo như bây giờ. Tôi mặc áo dài xuống phố, đi giữa sân trường hay đứng trên bục giảng đều mang một niềm tự hào đến khó tả. Đôi tà áo tung bay phía nào cũng thấy ngọt ngào và mầu nhiệm dù vấn vương bụi phấn. Mùa thu này, sắc áo sẽ lại vương thêm nhiều giọt nắng thương hay lại lỡ làng bởi một cơn mưa bất chợt ngang qua, tôi không cần biết nữa. Chỉ biết, mùa thu đang dần về những ngày tháng 9, dẫu ở đó có niềm vui chung của đất nước hay hoài niệm riêng của mỗi người thì cũng đều thấp thoáng bóng hình của tà áo tung bay. Những con đường tôi đi trong những ngày sắp đến sẽ rộn rã đến vô cùng. Cờ, hoa kiêu hãnh bay trong gió mang niềm hân hoan đến từng con hẻm nhỏ. Biết đâu chừng lại hiện hữu thêm một tà áo trong ngần.

Mùa thu không chỉ có lá vàng mà còn thật nhiều kỷ niệm rụng rơi trên đôi tay. Sẽ có người bồi hồi trong dạ như chính tôi lúc này, khi ngắm nhìn tà áo trắng bay thẫn thờ ngang lối cũ. Cảm ơn mùa thu, bởi trong mùa thu luôn có hoài niệm; và trong vô vàn những kỷ niệm được cất giữ, trân trọng như kho báu thì luôn có một góc đơn sơ mà thiêng liêng dành cho giấc mơ mang tên “tà áo trắng”. Thêm một mùa thu vẳng tiếng ca: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ… Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…”.

 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.