(GLO)- Năm 2016, Gia Lai chọn nội dung cải cách hành chính (CCHC) là một trong những khâu đột phá cần tập trung chỉ đạo để phát triển nhanh và bền vững.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa hiện đại” của UBND TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T |
Chọn nội dung này vì thực tế năm 2015, chỉ số CCHC của Gia Lai tăng 10,32 điểm, lên 38 bậc so với năm 2014 và xếp thứ 13/63 tỉnh, thành trong cả nước. Sự tăng điểm, lên bậc này đồng nghĩa với kết quả của công tác CCHC đã tác động tích cực vào hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính các cấp. Các cấp ủy Đảng và chính quyền ở tỉnh ta cũng nhận thức rõ hơn và đồng thuận cao trong việc lựa chọn CCHC là khâu đột phá trong các khâu (CCHC, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới) phải đồng bộ triển khai và chỉ đạo quyết liệt.
Sau gần một năm triển khai thực hiện, công tác CCHC ở Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đất đai, môi trường... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Những sáng kiến hay, cách làm tốt đã góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh. Nhiều sáng kiến qua kiểm nghiệm thực tiễn đã trở thành cơ chế, chính sách quản lý và phục vụ tốt nhân dân tại các địa phương. Trong từng lĩnh vực, các sở, ngành cũng đã phát huy được thế mạnh của mình. Các nội dung CCHC được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát yêu cầu của kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 và các quy định, chỉ đạo có liên quan của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Những kết quả đó đã nâng mức độ hài lòng của người dân trong giao dịch hành chính so với những năm trước.
Để triển khai tốt công tác CCHC trong thời gian đến, theo chỉ đạo chung, cần tổng kết, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện CCHC năm 2016, nhất là những nội dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại cuộc họp về nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh hồi tháng 10 vừa qua. Trọng tâm là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn, kết quả đạt được về công tác CCHC ở tỉnh ta chưa đồng đều, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương và chưa thật sự bền vững. Tỉnh xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng vẫn còn một số lĩnh vực chưa được quan tâm rà soát và đơn giản hóa. Nền công vụ từ tỉnh đến cơ sở chưa thật sự chuyển biến tốt theo hướng phục vụ nhân dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu mong đợi. Chỉ số ISO cấp xã, phường rất thấp. Một số lĩnh vực nhiều nơi chưa thật sự làm tốt, như xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Hiện tượng cấp trên nỗ lực, cấp dưới được chăng hay chớ vẫn xảy ra. Nhiều nơi chậm xây dựng quy chế làm việc, chậm triển khai chấm điểm mức độ hài lòng của người dân, không thực hiện việc xin lỗi người dân khi chậm trễ hoặc để xảy ra những sai sót...
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thiểu thời gian xử lý, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện thật sự có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo thành công trong công tác CCHC của các cấp.
Trong các giải pháp để làm tốt công tác CCHC thời gian tới, thiết nghĩ, tỉnh đã xác định năm 2016 là năm CCHC của tỉnh nên cần nghiên cứu lấy kết quả thực hiện CCHC làm căn cứ đánh giá trình độ, năng lực, sự chấp hành của người đứng đầu và tập thể cán bộ lãnh đạo trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời lấy chỉ số CCHC làm cơ sở để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng ngạch, nâng lương, thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan. Có như vậy, công tác CCHC mới thật sự đi vào cuộc sống và được cán bộ, công chức, viên chức đồng tình, ủng hộ.
Bùi Duy