Nhiều ý kiến về phương thức tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Tại đây, nhiều quan điểm được đưa ra nhằm lựa chọn phương thức phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi của học sinh và sự cân đối trong tuyển sinh giữa các trường.

Các đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mộc Trà

Tán thành phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, cả nước có 8 tỉnh thực hiện phương thức xét tuyển; 44 tỉnh, thành phố thực hiện phương thức thi tuyển và 11 tỉnh áp dụng phương thức kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tại Gia Lai, những năm qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện ở bậc THCS; riêng Trường THPT chuyên Hùng Vương thi tuyển theo quy chế của trường chuyên biệt.

Ngành Giáo dục tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh hàng năm theo đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và đảm bảo quyền được học tập của học sinh.

Đại diện Sở GD-ĐT trình bày dự thảo phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Đại diện Sở GD-ĐT trình bày dự thảo phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Tuy nhiên, việc tồn tại phương thức xét tuyển khá lâu đã bộc lộ ngày càng nhiều hạn chế, bất cập; nhất là trong việc phân tuyến tuyển sinh ở những vùng giáp ranh giữa các huyện, thị xã, thành phố và giáp ranh giữa các xã, phường, thị trấn. Việc tuyển sinh có sự mất cân đối giữa các trường THPT ở khu vực trung tâm và khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Thêm vào đó, đa số phụ huynh tìm cách để con em được tuyển vào các trường phổ thông công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyển sinh hàng năm của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu-nhược điểm của các phương thức tuyển sinh trên cả nước, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT dự kiến xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển đối với các trường THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn TP. Pleiku, gồm: Phan Bội Châu, Pleiku, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Chí Thanh; trong đó, điểm thi tuyển là một bộ phận trong tổng điểm xét tuyển.

Riêng Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh sẽ tiếp tục tuyển sinh lớp 10 theo phương thức như năm học 2023-2024.

Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho rằng, việc thi tuyển vào lớp 10 sẽ đảm bảo tính đồng đều trong đánh giá năng lực học tập của học sinh ở các trường THCS. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho rằng, việc thi tuyển vào lớp 10 sẽ đảm bảo tính đồng đều trong đánh giá năng lực học tập của học sinh ở các trường THCS. Ảnh: Mộc Trà

Tán thành với dự thảo của Sở GD-ĐT, thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku-nhìn nhận: “Việc thi tuyển vào lớp 10 sẽ đảm bảo tính đồng đều trong việc đánh giá năng lực học tập của học sinh ở các trường THCS. Kết quả thi tuyển cũng sẽ cung cấp thông tin chính xác hơn về học sinh cho trường THPT tuyển chọn; đồng thời, giúp Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT nắm bắt được chất lượng dạy học bậc THCS cũng như của các trường THCS đang quản lý. Ngoài ra, việc thi tuyển còn tạo động lực cho học sinh THCS thi đua học tập và góp phần vào công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS”.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng cho rằng, việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức thi tuyển sẽ tạo cơ hội cho nhà trường nâng cao chất lượng học sinh đầu vào và góp phần giảm áp lực, khó khăn cho đơn vị trong công tác dạy và học.

“Tuy nhiên, tôi thấy điểm ưu tiên cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trong dự thảo phương án đưa ra còn thấp, có thể xem xét tăng thêm để các em có cơ hội trúng tuyển và học tập tại các trường gần nhà”-thầy Tàu đề xuất.

Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) tán thành thí điểm phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) tán thành thí điểm phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025. Ảnh: Mộc Trà

Cần xây dựng phương án phù hợp

Theo dự thảo, học sinh thi tuyển vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại địa bàn TP. Pleiku sẽ làm 3 bài thi, tương ứng với 3 môn thi do Sở GD-ĐT quy định (dự kiến là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh). Mỗi bài thi được tính theo thang điểm 10; các bài thi phải đạt điểm lớn hơn 1 mới được xét tuyển.

Điểm xét tuyển là tổng điểm (không nhân hệ số) của 3 bài thi x 0,7 + tổng điểm kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học x 0,3 + điểm ưu tiên (nếu có). Mỗi thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau; trong đó, nguyện vọng 1 là bắt buộc, nguyện vọng 2 không bắt buộc. Sau khi thi và có kết quả, học sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình theo lịch chung do Sở GD-ĐT quy định.

Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT dự kiến tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10 đối với các trường THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT dự kiến tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10 đối với các trường THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Liên quan đến nội dung này, cô Nguyễn Thị Ngọc Uyên-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi-nêu quan điểm: “Tôi thống nhất với phương án kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, về quy định điểm xét tuyển, tôi nghĩ rằng nên điều chỉnh tỷ lệ giữa điểm thi và điểm học bạ là 60:40 thay vì 70:30 như dự thảo đưa ra. Bởi lẽ, giai đoạn lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục cơ bản nên chú trọng đánh giá quá trình; đồng thời, cũng là tránh áp lực thi cử cho cả xã hội”.

Theo quy định mới tại Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT, từ năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Hùng Vương sẽ không tuyển sinh 2 lớp không chuyên (khoảng 80 học sinh). Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thu, để giữ quy mô trường lớp như hiện tại, không gây lãng phí nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhà trường đề nghị được giữ quy mô 39 lớp, trong đó, vẫn sẽ tuyển sinh 13 lớp 10 như mọi năm với 465 học sinh (mỗi lớp không quá 35 em).

“Chúng tôi cũng dự kiến 2 phương án mang tính khả thi, đó là tách lớp chuyên Sử-Địa thành 2 lớp chuyên Lịch sử và Địa lý vì hiện tại lớp ghép không phù hợp với quy chế trường chuyên; đồng thời, tăng thêm 1 lớp chuyên Ngữ văn hoặc 1 lớp chuyên Vật lý. Theo 1 trong 2 phương án này, đội ngũ của trường đều có thể đảm nhiệm được”-cô Thu cho hay.

Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương trình bày về dự kiến phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà
Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương trình bày về dự kiến phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà

Ngoài 5 trường thí điểm thi tuyển vào lớp 10, năm học 2024-2025, các trường THPT Dân tộc Nội trú và trường THPT công lập còn lại trong tỉnh sẽ thực hiện phương thức xét tuyển như năm học 2023-2024. Riêng cơ sở giáo dục ngoài công lập có học sinh THPT có thể tự quyết định phương thức tuyển sinh.

Từ năm học 2025-2026, Sở GD-ĐT dự kiến sẽ mở rộng dần phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển vào lớp 10 đối với các địa phương có nhiều trường THPT và nghiên cứu triển khai từng bước phương án chỉ thi tuyển sao cho phù hợp với từng trường.

Về vấn đề này, thầy Trần Công Thường-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) nêu thực trạng: “Khó khăn của nhà trường trong công tác tuyển sinh những năm qua xuất phát từ quy định về địa bàn tuyển sinh, dẫn đến một số học sinh nhà ở gần trường nhưng không được nộp hồ sơ xét tuyển. Vậy nên, nếu năm học tới, các trường THPT trên địa bàn thị xã An Khê vẫn tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển thì đề nghị Sở GD-ĐT xem xét kỹ khi quy định địa bàn tuyển sinh, đáp ứng nguyện vọng của học sinh địa bàn cư trú giáp ranh”.

Ông Phạm Ngọc Hai-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa đề xuất nên lùi thời gian thí điểm phương thức tuyển sinh vào lớp 10 đến năm học 2025-2026 thay vì năm học 2024-2025. Ảnh: Mộc Trà
Ông Phạm Ngọc Hai-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa đề xuất nên lùi thời gian thí điểm phương thức tuyển sinh vào lớp 10 đến năm học 2025-2026 thay vì năm học 2024-2025. Ảnh: Mộc Trà

Còn ông Phạm Ngọc Hai-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa thì cho rằng, sự thay đổi là cần thiết song cần có sự chuẩn bị chu đáo. Vì thế, ông đề xuất nên lùi việc thí điểm phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển sinh vào lớp 10 đến năm học 2025-2026 để các trường THCS cũng như học sinh, phụ huynh có thời gian thay đổi nhận thức và chủ động tiếp cận với phương thức tuyển sinh mới; đồng thời, đây cũng là thời điểm kết thúc lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tất cả các khối lớp.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về phương thức tuyển sinh mới cũng như lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục bậc THCS ở cấp huyện”-ông Hai khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Tuyển sinh vào lớp 10 đối với tỉnh là 1 bài toán quan trọng, cần có những giải pháp để tìm ra lời giải tối ưu trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo. Việc thay đổi phương thức tuyển sinh mới là điều không đơn giản. Trên cơ sở quy chế, cần phải linh hoạt, phù hợp với tình hình chung trên toàn tỉnh và của từng địa phương trong tỉnh. Hơn nữa, việc thay đổi phương thức tuyển sinh phải được tiến hành từng bước, thí điểm trên diện hẹp; sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.

Được biết, trên cơ sở thống nhất quan điểm tại hội nghị, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến đối với phụ huynh học sinh và các cơ quan, đơn vị có liên quan để có cơ sở tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.