(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai “nóng” tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát trên các dòng sông, suối. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, thế nhưng vẫn không hiệu quả.
Khai thác trái phép tràn lan
Gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hiện tượng khai thác cát vẫn diễn ra công khai và thường xuyên, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Môi trường-Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện vụ khai thác cát trái phép đoạn suối Đak Tờ Ve thuộc làng Kon Sa Lăng-xã Hà Tây (huyện Chư Pah). Không những suối Đak Tờ Ve, trên đoạn sông Ba chảy qua các huyện Mang Yang, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, An Khê đều xuất hiện nhiều cơ sở khai thác cát trái phép hoạt động vừa công khai, vừa lén lút làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương và gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khai thác cát trái phép trên dòng Ayun đoạn qua xã Ia Peng (huyện Phú Thiện). Ảnh: Nguyễn Tú |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “cát tặc” nở rộ nhiều năm qua do vướng nhiều thủ tục pháp lý. Hầu hết các cơ sở khai thác cát trên địa bàn đều không được cấp phép hoạt động.
Ngoài một số doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, còn lại phần lớn vẫn lén lút khai thác trái phép. Hậu quả là tài nguyên bị thất thoát, Nhà nước thất thu ngân sách, nhiều đoạn sông suối bị biến dạng và gây ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu của người dân. Nhằm hạn chế tình trạng khai thác trái phép, UBND tỉnh ra Quyết định số 517/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn Gia Lai và Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Nhưng do lực lượng chính quyền tại các xã, huyện mỏng, khó kiểm soát vì thế các đối tượng khai thác cát trộm vào ban đêm vẫn ngang nhiên hoạt động.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Lực lượng chính quyền tại các xã, huyện mỏng khó kiểm tra, kiểm soát là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, lãng phí. Ảnh: Nguyễn Triều |
Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Gần 3 năm qua, khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát. Hầu hết các điểm khai thác cát trên địa bàn thời gian qua đều là khai thác “lậu”. Chúng tôi đang trông chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-3-2012 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để có cơ sở cấp giấy phép hoạt động khai thác cho doanh nghiệp. Thế nhưng gần 2 năm Nghị định có hiệu lực, việc đấu giá vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thống nhất văn bản chỉ đạo những quy định hướng dẫn cụ thể về cách tính giá sàn và các bước nhảy giá trong đấu giá. Vì vậy, việc cấp phép khai thác khoáng sản cũng bị ngưng lại, mà nhu cầu nguyên-vật liệu xây dựng ngày càng tăng dẫn đến nhiều đơn vị, cá nhân vì lợi ích kinh tế đã lợi dụng cơ hội để thực hiện hành vi khai thác trái phép ở một số nơi”.
Theo ông Bình, thực hiện Nghị định 22/2012/QĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có Quyết định số 517/QĐ-UBND ban hành ngày 1-11-2012 phê duyệt 90 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2015. Trong đó, có 36 khu vực đấu giá khai thác cát. Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai đấu giá vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ. Để giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng thực tế tại địa phương, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện cấp giấy phép cho 2 mỏ cát là Công ty TNHH một thành viên Đại Lợi (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) và Công ty TNHH Trang Đức (xã Ia Pia, huyện Phú Thiện), cùng 5 doanh nghiệp khác đang xem xét cấp giấy phép khai thác tại các điểm mỏ không tham gia đấu giá.
Trước nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, thì vấn nạn khai thác khoáng sản lậu vẫn diễn ra, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản vẫn loay hoay tìm hướng đi đúng luật.
Đoàn Hằng