(GLO)- Dù đã triển khai được hơn 1 tháng nhưng việc cấp, đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu Pet vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là thiết bị chưa đồng bộ và chi phí vật liệu khá cao.
Tại Phòng Quản lý Phương tiện và Người lái Sở Giao thông-Vận tải, chúng tôi thấy chiếc máy in giấy phép lái xe (GPLX) hoạt động quá tải. Theo ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái thì chiếc máy in này phải hoạt động hết công suất để kịp tiến độ trả GPLX.
Tiếp nhận và trả hồ sơ cấp, đổi GPLX. Ảnh: L.L |
Hầu như ngày nào máy cũng hoạt động đến 8, 9 giờ đêm (kể cả ngày nghỉ). Nguyên nhân là do các thiết bị phục vụ công tác in GPLX mới vẫn chưa được lắp đặt hoàn chỉnh, thiết bị đang sử dụng chủ yếu là đi mượn, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của phần mềm. Hơn nữa, đây là công nghệ mới nên trong quá trình vận hành thường gặp sự cố như lỗi chương trình phần mềm, lỗi thao tác…
Giải thích lý do chậm lắp đặt thiết bị, ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái cho biết: Thiết bị vẫn đang chờ làm thủ tục. Hiện công tác mời thầu, chấm thầu đã hoàn tất, chỉ chờ tỉnh phê duyệt nữa là xong.
Trước mắt, đơn vị huy động toàn hộ lực lượng để giải quyết việc cấp, đổi GPLX mới cho nhân dân theo đúng kỳ hạn, không để bị tồn đọng (theo quy định của Bộ Giao thông-Vận tải là 5 ngày). Đến nay, Sở đã thực hiện cấp đổi được 1.300 GPLX và cấp mới được 200 GPLX (cả mô tô và ô tô).
Ngoài lý do thiết bị chưa đồng bộ thì giá thành để in ra một GPLX quá cao. Tính trung bình chi phí mua sắm các vật liệu in là 65.000 đồng/phôi. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí để in hoàn chỉnh một GPLX mới cao hơn nhiều vì các chi phí khác chưa tính như tiền điện, tiền hao mòn, sửa chữa máy… và nhất là sự hao hụt trong quá trình in. Điều này khiến không chỉ Gia Lai mà nhiều tỉnh, thành khác cũng kêu lỗ trong khi lệ phí cấp, đổi GPLX mới theo quy định hiện nay là 135.000 đồng/cái. “Theo nhà sản xuất thì một cuộn màng ép có thể sử dụng in được 600 phôi, tuy nhiên thực tế khi sử dụng chỉ được 400-500 phôi, còn lại là bị lỗi không sử dụng được”-ông Đoàn Đức Mạnh cho biết.
Ngược lại với những khó khăn trên thì việc sử dụng GPLX mới lại là một thuận tiện đối với người dân. Anh Hùng (TP. Pleiku) cho biết: GPLX mới được thiết kế nhỏ nhắn và làm bằng vật liệu nhựa dẻo rất bền, các mặt đều có màng ép nên không bị trầy xước, bị ướt hay nhòe chữ như GPLX cũ. Đặc biệt, hình in trên GPLX (không phải dán như trước kia) nên nếu lỡ bị mất cũng không sợ ai lợi dụng thay hình làm giả. Đây cũng chính là những tính năng ưu việt của GPLX sử dụng vật liệu Pet vì có khả năng loại bỏ được việc làm giả đến 100%.
“Không chỉ có tem chống giả được gắn trên GPLX mà rất nhiều đặc điểm khác được mã hóa để lực lượng chức năng có thể kiểm tra GPLX giả một cách dễ dàng như số sê ri hay các thông tin về họ tên, ngày tháng cấp và hạn sử dụng, hạng GPLX… được in ẩn trên hình của chủ thẻ. Những thông tin này chỉ có thể hiện lên khi sử dụng một thiết bị soi đặc biệt của lực lượng chức năng hoặc chỉ hiện lên trên trang web thông tin giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam”- ông Mạnh cho biết thêm.
Lê Lan