(GLO)- Sau 4 năm tạm dừng tuyển lao động Việt Nam, vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nước ta và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ nối lại thị trường lao động. Theo đó, trong năm 2016, Việt Nam sẽ có 2.100 chỉ tiêu lao động sang làm việc tại các nhà máy ở Hàn Quốc.
Lao động học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh. Ảnh: Đ.Y |
Trao đổi với P.V, ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tính từ ngày bản ghi nhớ nối lại thị trường lao động có hiệu lực, tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh có trên 200 lao động đến tìm hiểu thông tin, học tiếng Hàn Quốc và đăng ký dự thi tiếng Hàn. Theo quy trình tuyển chọn, người lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc thì phải đạt yêu cầu về tiếng Hàn do Bộ Lao động-Việc làm Hàn Quốc quy định. Theo đó, trong ngày 8 và 9-10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nước ta và Bộ Lao động-Việc làm Hàn Quốc sẽ phối hợp tổ chức thi tiếng Hàn. Nếu lao động dự thi đạt từ 80 đến 200 điểm thì chọn từ cao xuống thấp, đồng thời sẽ được kiểm tra tay nghề do cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức. Lúc ấy, lao động đủ điều kiện sẽ được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hướng dẫn, hỗ trợ làm các thủ tục, giấy tờ liên quan để xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc là một thị trường lao động khá khắt khe trong việc tuyển chọn chất lượng tay nghề người lao động, nhất là yêu cầu về tiếng Hàn. Anh Nguyễn Bá Thọ (SN 1982, trú tại tổ 15, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Năm 2006, tôi sang Hàn Quốc làm việc theo diện lao động phổ thông thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Năm 2009 hết hạn hợp đồng, tôi được phía Công ty gia hạn hợp đồng thêm 3 năm nữa nhưng năm 2010 thì tôi về nước. 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn gửi về cho gia đình được 700 triệu đồng. Thị trường việc làm ở Hàn Quốc rất ổn định, lương trung bình những năm tôi làm việc ở đó từ 15 triệu đồng đến 22 triệu đồng/tháng, an ninh tốt, sinh hoạt rẻ, chi phí thấp. Còn bây giờ, nghe nói lương cao gần gấp đôi. Vì thế, khi biết tin thị trường Hàn Quốc tiếp tục tuyển lao động Việt Nam sang làm việc, tôi đang học lại tiếng Hàn để dự thi. Tôi sẽ cố gắng sang làm việc tại Hàn Quốc một lần nữa để có vốn sau này phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Còn chị Thiều Thị Huệ (SN 1990, trú tại xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cũng đang học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, nói: “Chồng tôi làm công nhân sản xuất giấy tại Hàn Quốc từ năm 2013 đến nay, thu nhập bình quân từ 30 đến 35 triệu đồng/tháng. Vì thế, tôi tham gia học tiếng Hàn Quốc để có cơ hội sang làm việc cùng chồng. Chồng tôi kể rằng, việc làm ở Hàn Quốc rất ổn định, thu nhập cao. Các công ty Hàn Quốc cũng rất thích lao động Việt Nam vì chịu khó, nhiệt tình. Sau 3 năm làm ở công ty, chồng tôi không chuyển nơi làm việc nên được công ty gia hạn thêm 1 năm 10 tháng nữa. Do đó, tôi rất muốn sang làm việc ở Hàn Quốc”.
Ông Lê Hạnh nhấn mạnh thêm: Lao động ở Gia Lai có độ tuổi từ 18 đến 39, không có tiền án tiền sự hoặc không thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh của Việt Nam, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài đều có cơ hội tham gia thị trường lao động Hàn Quốc. Trung bình mỗi năm, Gia Lai có khoảng 100 lao động đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc. Những lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn đều có cơ hội quay trở lại làm việc. Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc. Vì thế, cơ hội đang mở ra cho rất nhiều lao động vì thị trường việc làm ở Hàn Quốc ổn định, thu nhập cao, tác phong công nghiệp cao, rất dễ học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề. Chi phí đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc hiện khá thấp, khoảng từ 25 triệu đồng đến 27 triệu đồng. Môi trường sống, an ninh, văn hóa của người Hàn cũng có nhiều nét tương đồng với người Việt. Bởi thế, thị trường Hàn Quốc hiện nay có sức hút với lao động Gia Lai cao hơn hẳn thị trường lao động ở các nước khác.
Đinh Yến