(GLO)- Những năm trở lại đây, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Ia Pa cũng ngày càng chú trọng đến phát triển chăn nuôi, trong đó chăn nuôi kết hợp với bảo vệ môi trường được huyện đặc biệt chú trọng. Điển hình, năm 2015 huyện đã triển khai thí điểm mô hình “Nuôi heo kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước”, bước đầu đem lại hiệu quả cao và đang được huyện tâp trung triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn huyện trong năm 2016.
Theo ông Siu Kươn-Chuyên viên kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa cho biết: Hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện, người dân chủ yếu nuôi heo theo hình thức thả rong, ít chăm sóc, dễ xảy ra dịch bệnh, thời gian sinh trưởng chậm dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, nhất là tình trạng gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ông Rahlan Vang (bên trái) sử dụng gas để nấu thức ăn cho heo. Ảnh: Q.T |
Nắm bắt được thực trạng trên, năm 2015, trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Nuôi heo kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước” tại xã Chư Mố.
Mô hình được triển khai trên 4 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số với quy mô 20 con heo giống, 4 hầm biogas và 4 nhà vệ sinh dội nước. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 155,7 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 82,9 triệu đồng để hỗ trợ 20 con heo giống, 4 hầm biogas và tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình cũng như các hộ dân lân cận; các hộ dân tham gia mô hình đóng góp 72,8 triệu đồng để làm chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y…
Qua thời gian triển khai, mô hình bước đầu đem lại những tính hiệu tốt, về mặt kinh tế lẫn xã hội.
So với kỹ thuật nuôi heo truyền thống thì nuôi heo theo phương pháp mới giúp heo sinh trưởng và phát triển tốt, lớn nhanh hơn nên lợi nhuận mang lại cao hơn; các hộ dân không những tiết kiệm được tiền mua gas công nghiệp hay công sức, thời gian như khi sử dụng củi để nấu nướng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà còn có điều kiện để phát triển kinh tế vườn tạp, như sử dụng thời gian nhàn rỗi để trồng cây ăn trái, trồng rau màu, tận dụng nguồn phân hữu cơ thải ra từ hầm biogas sau xử lý để bón cho cây trồng… qua đó tăng thu nhập từ bán các sản phẩm nông nghiệp vườn nhà.
Ông Rahlan Vang, thôn Brui 1, xã Chư Mố phấn khởi cho biết: “Nuôi heo theo phương pháp mới này thì heo phát triển nhanh hơn, nhanh lớn hơn, một năm có thể nuôi 2 lứa (trước đây 1 năm chỉ nuôi được một lứa thôi mà heo cũng không lớn bằng) nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên đáng kể. Sau khi nuôi khoảng 5 tháng thì xuất chuồng, trung bình mỗi con nặng gần 70 kg, với giá khoảng 40 ngàn đồng/kg”.
Các hộ dân được cho vay không lãi suất 50% kinh phí làm hầm biogas. Ảnh: Q.T |
Còn ông Ksor Lăi, thôn Ama Đă cho biết: “Sau khi tham gia mô hình thì gia đình tôi không còn phải tốn nhiều thời gian để vào rừng kiếm củi nấu ăn như trước đây nữa, lượng gas từ hầm luôn đảm bảo cho việc nấu nướng hàng ngày của gia đình. Đặc biệt, không còn mùi hôi thối từ chất thải của heo như trước đây, gây ảnh hưởng đến bà còn xung quanh vì tất cả đã được xử lý qua hầm biogas và nước thải ra từ hầm sau khi được xử lý dùng để bón cho cây trồng rất tốt…”.
Mô hình giúp người dân trên địa bàn huyện nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm thay đổi tập quán chăn nuôi heo lạc hậu (thả rong truyền thống), tạo ra giá trị kinh tế cao hơn; tận dụng các chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt để làm nhiện liệu chất đốt, giảm tình trạng phát rừng lấy củi, bảo vệ môi trường; góp phần cải tạo vườn tạp nhờ sử dụng nguồn phân hữu cơ từ chất thải của hầm biogas đã được xử lý- ông Kươn cho biết thêm.
Thành công bước đầu từ mô hình là tiền đề để huyện Ia Pa triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện, năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa đã triển khai nhân rộng mô hình “Nuôi heo kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước” cho 8/9 xã trên địa bàn huyện.
Theo đó, Trạm đã tiến hành cấp không 200 con heo giống cho 40 hộ dân tham gia mô hình, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia và các hộ dân chung nhóm sở thích, đồng thời cho vay không lãi suất 50% chi phí làm hầm biogas. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 1 tỷ đồng, trong đó vốn từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp huyện hỗ trợ trên 554 triệu đồng, phần còn lại do các hộ dân tham gia đối ứng.
Quang Tấn