Nhân hậu với người, bình thản với đời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Điều tôi học được từ cô - PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải - không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là cách sống và cách nhìn cuộc đời.

Cô không muốn chúng tôi gọi mình bằng học hàm, học vị. Cô muốn mọi thứ thật bình dị và chân thành, như chính con người cô. Nhân cách của một người thầy như cô là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với tôi và nhiều thế hệ học trò. Với tôi, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách hay câu chuyện đạo đức nào.

Nhìn người, nhìn đời bằng tấm lòng nhân hậu

Cô giáo mà tôi vô cùng quý mến ấy là PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải (SN 1950) - cựu giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế.

18 năm trước, tôi là sinh viên của cô. Tôi cảm phục vốn kiến thức uyên bác của cô; nhớ mãi giọng nói ấm áp truyền cảm, phong thái vừa khoan thai vừa khí khái mỗi khi cô đứng trên bục giảng. Những tiết dạy văn học Trung Quốc và thi pháp thơ Đường của cô luôn khiến chúng tôi học trong tâm thế là người được hưởng thụ tri thức.

Khi học tiếp lên cao học, tôi đã nhờ cô hướng dẫn nghiên cứu. Mối nhân duyên của cô trò chúng tôi từ đây càng thêm khăng khít. Khi sửa luận văn cho tôi, những đoạn làm không tốt, cô cẩn thận ghi chú với lời lẽ nhẹ nhàng. Cô còn chọn ra những đoạn văn hay rồi viết lời khen ngợi bên cạnh - điều mà hiếm có giáo viên hướng dẫn nào làm. Không chỉ đối với tôi mà với bao thế hệ học trò, một người uyên bác và tài hoa như cô lại luôn hào phóng trong lời khen tặng.

Biết cô học trò nhỏ chưa có việc làm nên ngay sau khi tôi bảo vệ xong luận văn, cô liền giới thiệu cho tôi cộng tác với một tờ báo ở TP HCM. Mặc dù sau này, nghề dạy học đã nên duyên với tôi nhưng suốt hơn 10 năm qua, tôi vẫn viết bài cộng tác với tờ báo ấy. Việc đó không chỉ giúp tôi trang trải thêm cho cuộc sống mà quan trọng hơn, tôi muốn sự kiên trì này sẽ nói thay lòng biết ơn mà mình muốn gửi đến cô.

Tiếp xúc với cô nhiều, tôi càng kính trọng nhân cách của cô. Cô luôn nhìn vào mặt tốt của người khác để đối nhân xử thế. Có lần, tôi đề cập năng lực của một giáo viên trẻ. Sau khi nghe tôi đánh giá không tốt về người này, cô chỉ nói đã từng gặp và thấy đó là một người biết cố gắng, rồi bạn ấy cũng sẽ thành một giáo viên giỏi. Sau câu nói của cô, tôi tự thấy xấu hổ. Thay vì đánh giá một con người bằng cái nhìn toàn diện, tôi đã dùng ánh mắt thiếu thiện chí để nhìn người.

Học trò cũ của cô giờ có người là tổng biên tập của một tờ báo lớn, có người chuyển hướng sang kinh doanh. Họ đang vô cùng bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian đến thăm cô. Còn cô, vẫn luôn dành những gì bình dị nhất của tâm hồn mình để đối đãi với học trò.

Cô như là điểm tựa tinh thần, là nơi trong trẻo mà những lúc xô bồ nhất, khó khăn nhất của cuộc đời, học trò sẽ tìm đến chỉ để nương náu chút bình yên, tìm thấy sự an nhiên trong lòng và học cách tin vào tình người.

Mỗi dịp 20-11, vợ chồng tôi đều đến thăm cô sau cùng. Bởi lúc đó, chúng tôi sẽ không còn phải bận tâm về lịch trình, sẽ được ngồi với cô thật lâu, nhấp từng ngụm trà thơm, cùng cô ôn lại thật nhiều câu chuyện xưa cũ.

 

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải - một nhân cách lớn của bao thế hệ học trò. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải - một nhân cách lớn của bao thế hệ học trò. (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Cuộc sống vốn vô thường, phải bình thản vượt qua

Giữa cuộc sống quá nhiều khó khăn và muộn phiền này, cô truyền cho chúng tôi "bí kíp" để vượt qua, đó là biến "bị" thành "được". Trong những ngày tháng mà nhiều người phải cách ly vì COVID-19, tôi đã học tập tinh thần ấy của cô. Thay vì nghĩ "bị nhốt trong nhà, bị dạy online, bị trầm cảm"..., tôi đã nghĩ đây là lúc mình "được quây quần bên gia đình, được nghỉ ngơi nhiều hơn, được đọc sách, được may vá thêu thùa, được bày biện nấu nướng"... Tóm lại là được làm những điều trước đây mình thích mà chưa có thời gian để làm.

Cô bảo không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng "trong họa có phúc". Chúng ta phải tìm thấy được ánh sáng trong bóng tối, dù đôi khi có chút "AQ" nhưng điều đó sẽ giúp mình vượt qua giông bão một cách bình thản hơn.

Tôi đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc, vì đại dịch mà phải về nước nửa chừng. Sau 3 năm cố gắng "cày bừa", đến năm thứ 4, tôi phải đối mặt với vô vàn thử thách trong quá trình làm luận án: học bổng bị dừng cấp từ khi về nước, đời sống chật vật, căng thẳng trong quá trình viết luận án, áp lực công việc... Tôi đuối sức, muốn dừng lại việc học.

Không ai nói với cô ý định của tôi. Nhưng vì là một người hiểu rõ những khó khăn mà gia đình tôi đang gặp phải, như có thần giao cách cảm, cô đã gọi điện đúng lúc tôi chới với giữa dòng. Cô khuyên tôi: "Người ta nói "Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng". Em đã nỗ lực nhiều như vậy, cố gắng suốt mấy năm trời, cô hy vọng em không bỏ cuộc, công cầm vàng để lội qua sông còn quý hơn vàng em à".

Rồi cô kể cho tôi nghe về "quả ngọt" mà những đồng nghiệp và học trò đã đạt được nhờ tin vào lời khuyên của cô, không bỏ cuộc. Nước mắt tôi rơi khi nghe lời động viên của cô. Tôi thừa nhận quả thực mình đang có ý định từ bỏ nhưng lời khuyên ấy như cú hích khiến tôi tiến về phía trước.

Nhưng rồi khó khăn không buông tha tôi. Tôi bị tai nạn kinh hoàng. Chiếc xe tải như một con quái thú muốn cướp đi sinh mạng tôi. Các bác sĩ cấp cứu đã có lúc nghĩ tôi không thể qua khỏi. Song, bằng một phép mầu nào đó, tôi vẫn sống. Sau 4 tháng nằm một chỗ điều trị, trải qua vô vàn đau đớn, tôi đã có thể đứng dậy bên khung cửa sổ nhìn ra thế giới ngoài kia.

Cô tôi sau 5 năm chống chọi với căn bệnh nan y, tình trạng sức khỏe xuống dốc nghiêm trọng. Vậy mà sau khi nghe tin tôi gặp nạn, cô vẫn quan tâm, lo lắng cho tôi như tấm lòng một người mẹ. Cô nhiều lần gửi cho tôi những thức uống bổ dưỡng, động viên tôi cố gắng vực dậy sức khỏe và tinh thần. Luôn quan tâm đến khó khăn của học trò cũ trong lúc cô cũng đang đối mặt với buồn đau, điều đó thật đáng trân quý biết bao.

Hôm rồi, một người bạn của tôi đến thăm cô. Bạn đưa tấm hình cô đang ngồi ký tặng sách lên Facebook. Tóc cô giờ đã bạc nhiều, dáng cô vẫn hiền từ thân thương như thế. Ai cũng mừng vì thấy cô mạnh khỏe. Người thì gọi cô là sư phụ, người lại gợi nhắc về dáng cô mỗi lúc đạp chiếc xe mini màu mận đến trường. Cô không dùng mạng xã hội nhưng tôi biết cô cảm nhận được tình cảm quý mến mà bao thế hệ học trò đã và đang dành cho mình.

Những bài học có thể sẽ bị lãng quên theo năm tháng nhưng nhân cách mà một người thầy như cô đã lan tỏa đến bao thế hệ học trò sẽ còn mãi. Ngẫm lại, tôi thấy triết lý này rất đúng, rằng mục tiêu cao nhất của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp cho học trò công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải vừa là nhà giáo vừa là dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà thơ với rất nhiều tác phẩm, công trình khoa học giá trị.

- Các tác phẩm dịch tiêu biểu: "Tản văn và truyện ngắn của Giả Bình Ao" (1998), "Văn hóa võ hiệp" (2004), "108 bài thơ tình Trung Hoa" (2006), "Sở Lưu Hương tân truyện" của tác giả Cổ Long (2007), "Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á" (2014), "Ngụ ngôn Hàn Quốc" (2014), "Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á" (2014), "Thi tăng Đông Á" (2017), "Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc" (2017)...

- Sách/công trình nghiên cứu tiêu biểu: "Tư Mã Thiên" (1996), "Văn học Trung Quốc trong trường phổ thông" (1996), "Lý Bạch" (1998), "Văn học châu Á trong trường phổ thông" (2002), "Thi pháp thơ Đường" (2005), "Tuyển tập thơ Trung Quốc" (2005), "Ngẫu cảm" (2015)...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
 

 



Nguyễn Thị Vũ Hoài (Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.