Nhân cách người thầy từ một củ khoai lang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người già thường hay nói nhiều về quá khứ. Những hội viên Hội Cựu giáo chức sống tại Pleiku cũng đầy những kỷ niệm vui buồn trên mảnh đất Gia Lai mà họ đã sống gần cả đời người. Có lần, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của các thầy xoáy lại chuyện thời bao cấp. Nào là chuyện khó khăn ở vùng xa, chỉ vì đói quá mà có những giáo viên bỏ việc, người về quê, người chuyển sang đi buôn...

Nhưng vẫn có nhiều kỷ niệm đẹp, dù cái thời nhà nhà túng thiếu nhưng có thầy cô giáo vẫn sẻ chia bằng cách giúp nhau đôi lon gạo, cho nhau cả mảnh đất ở mà coi như “chuyện thường”. Trong câu chuyện không đầu không cuối ấy, cũng có những chuyện rất nhỏ “không ai biết” đã theo họ đến cả đời…

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Ví như chuyện của một thầy giáo già bây giờ mới kể: Năm ấy, vào cuối vụ thu hoạch khoai lang, cũng là đầu mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa như liều thuốc kích thích khiến cỏ khô cũng bật mầm, những ruộng lang đã thu hoạch phơi trơ đất của vườn nhà ông Hai (phường Hoa Lư, thị xã Pleiku) mấy hôm trước còn khô khốc, sau mưa bỗng những mụt khoai tươi non nhú lên từ lớp đất thật hấp dẫn, non xanh, ai đi qua khó mà cưỡng lại.

Sau giờ làm việc, ông đạp xe qua ruộng, sà xuống hái và lòng tự động viên: Rau hoang! Khi hái đã kha khá, đầy túi định về thì ông phát hiện một dây còn củ. Lần theo thì gặp những củ to đang mọc mầm… Trong ông đầy niềm phấn khởi-được bữa rồi đây, gạo nhà sắp hết, lại là khoai mọc mầm thì còn gì bằng cho mấy đứa trẻ. Ông móc được 3 củ rất to, rồi cho nhanh vào túi. Lòng khấp khởi, thoáng chút lo lo nhỡ chủ nhà hay có ai thấy ông từ ruộng khoai lên thì lại… Ông tự gạt đi và biện lý: Chủ vườn có ở đây đâu mà xin, với lại… Và ông quyết định cứ bỏ vào túi. Nhưng rồi có một tiếng nói sâu thẳm trong ông trỗi dậy can ngăn: “Không được, đây là ruộng khoai của người khác. Dù là sót lại cũng là của người ta. Chưa xin không được tự tiện lấy”. Mặt ông nóng ran, dường như ai đó đã thấy mấy củ khoai trong túi của ông. Sau giây lát đắn đo, ông đặt mấy củ khoai vào chỗ cũ rồi lấp đất lại. Thầy giáo già nói thêm: Sau này gặp lại chủ vườn khoai nọ, dù không nói ra với ông ấy nhưng lòng tôi thấy thanh thản, tự hào với “quyết định” của mình.

Tôi mang chuyện của cựu giáo chức ở tuổi thất thập kể lại với một người bạn vong niên có bề dày trong làng giáo chức, ông này à một tiếng thật to rồi nhận xét: “Đó là nhân cách của những người thầy”. Qua người bạn tôi biết thêm, ông ấy (người không lấy mấy củ khoai “chột nưa” ấy) là một trong những giáo viên được tăng cường từ Bắc vào Gia Lai từ trước năm 1975. Bằng nỗ lực phấn đấu, ông từng được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách như Trưởng phòng Tổ chức ngành, là Hiệu trưởng một số trường… Ở đâu ông cũng bình dị mà sâu sắc, ít nói về mình, luôn được trò yêu, đồng nghiệp quý trọng.

Câu chuyện của cựu giáo chức ấy khiến tôi liên tưởng về một miền ký ức, về Gia Lai ngày ấy nghèo mà có nhiều nghĩa cử, về những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ trong nhân tình thế thái, nhân cách. Người đời bảo: Mọi so sánh đều  khập khiễng, vậy mà vẫn chạnh lòng so sánh chuyện nhiều người có chức có quyền “ăn của dân không chừa thứ gì”, “không chớp mắt”. Và tôi vẫn có một câu hỏi luyến nhớ ngu ngơ: “Bao giờ cho đến… ngày xưa?”.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm