Nhà thầu ở Đắk Nông gặp khó vì giá vật liệu xây dựng "leo thang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, giá cả nhiều loại vật liệu xây dựng ở tỉnh Đắk Nông đã tăng cao, vượt chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng công bố. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp thi công công trình Nhà nước gặp khó khăn do phải “gánh" thêm chi phí sau khi đã đấu thầu trọn gói. 

Nhiều nhà thầu thi công công trình Nhà nước gặp khó vì chi phí nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều nhà thầu thi công công trình Nhà nước gặp khó vì chi phí nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Phan Tuấn
Qua khảo sát thị trường cho thấy, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như: Cát, gạch, đá, ximăng, thép, tôn... đều đã tăng bình quân từ 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá gạch 4 lỗ (8x18) đang bán khoảng 1.300 đồng/viên, gạch 6 lỗ khoảng 2.000 đồng/viên.
Cát xây khoảng 450.000 đồng/m3, cát tô khoảng 500.000 đồng/m3. Đá chẻ từ 3.000 - 3.400 đồng/viên. Đá xây dựng (đá hộc, đá 1x2 và 4x6) dao động từ 220.000 - 280.000 đồng/m3. Xi măng dao động từ 95.000 - 110.000 đồng/bao... Nhìn chung, mức giá cả các loại vật liệu xây dựng trên thị trường đều vượt mức công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng Đắk Nông. 
Giá cả leo thang, khó khăn nhất phải kể đến những nhà thầu thi công công trình Nhà nước. Bởi dự toán các gói thầu trên giấy và ngoài thực tế có độ chênh lệch nhau khá lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Phi Cường, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Đắk Ngọc, ở thành phố Gia Nghĩa cho biết, hiện nay, giá cả vật liệu xây dựng như sắt thép, cát, gạch, tôn... đều tăng cao, vượt mức công bố giá vật tư, vật liệu mà Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông cho phép để lập, thẩm định, phê duyệt dự toán giá cả các gói thầu trên địa bàn tỉnh. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho doanh nghiệp trúng thầu công trình giảm hiệu suất kinh doanh, thậm chí không có lợi nhuận.
Tương tự, ông Trần Ngọc Ký, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Thắng Đắk Mil cho hay, giá cả vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65% - 70% dự toán công trình. Giá vật liệu xây dựng tăng thì chi phí thi công, xây dựng công trình cũng tăng theo.
"Hợp đồng giữa các chủ đầu tư với nhà thầu thi công công trình Nhà nước chủ yếu là các hợp đồng được ký kết trọn gói. Sau khi trúng thầu, việc thi công công trình có thể kéo dài 1 năm hoặc vài năm tùy theo có quy mô, mức độ khác nhau của dự án. Do đó, khi chi phí vật liệu tăng cao thì nhà thầu là đơn vị chịu nhiều thiệt thòi và sẽ bị đội chi phí thi công lên rất nhiều" - ông Ký phân tích. 
Cũng bàn về vấn đề này, nhiều nhà thầu thi công công trình Nhà nước mong muốn các cấp, các ngành của tỉnh cần sớm vào cuộc, điều chỉnh các quy định, tránh để nhà thầu bị thiệt hại, thua lỗ hoặc thực hiện dự án không hiệu quả... do bị ảnh hưởng bởi giá cả vật liệu leo thang. 
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông, với việc nhiều loại mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao đơn vị đang điều chỉnh bảng giá vật liệu cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với những công trình đã đấu thầu, thi công đơn vị sẽ rà soát, nắm bắt tình hình thực tế để có báo cáo cho các cấp, ngành chức năng vào cuộc xử lý. 
"Trước mắt, các nhà thầu cần tiết kiệm tối đa chi phí thực hiện dự án để bù vào việc vật liệu tăng giá, hạn chế thấp nhất khả năng để xảy ra thua lỗ" - một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết. 
Theo PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.