Nhà nông trẻ hết lòng vì thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) là 1 trong 57 gương thanh niên nông thôn toàn quốc vừa được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2021. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho thanh niên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn.

Anh Trần Văn Công là 1 trong 57 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của. Ảnh: Phan Lài
Anh Trần Văn Công là 1 trong 57 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của. Ảnh: Phan Lài

Điều làm chúng tôi khâm phục nhà nông trẻ tiêu biểu Trần Văn Công là sự nhạy bén trong công việc và ý chí làm giàu cho mình và cả cho thanh niên địa phương. Anh Công vui mừng cho biết: “Tôi rất vui và vinh dự khi nhận được giải thưởng cao quý này. Dịp này, tôi có điều kiện tiếp cận nhiều cách khởi nghiệp, mô hình hay của thanh niên trong cả nước. Tôi nhận được giải thưởng là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của tất cả thành viên trong HTX”.

Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS được thành lập tháng 6-2018, là nơi tập hợp thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của huyện Chư Pưh, trong đó có cả công chức, viên chức, nông dân, hộ kinh doanh. Mục tiêu hoạt động của HTX là liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Anh Công chia sẻ: “Nếu kinh doanh đơn lẻ, người dân sẽ gặp khó khăn về vốn và đầu ra. Khi tham gia HTX, các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, vay vốn ưu đãi...”.

Hợp tác xã đăng ký 24 ngành nghề, chủ lực là liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng như: tinh dầu sả, tinh bột nghệ, khoai lang Nhật, bơ booth Chư Pưh... Hiện đã có 1 sản phẩm chủ lực của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là trà măng tây FAOS. Qua quá trình sản xuất kinh doanh, anh Công nhận thấy thương hiệu nông sản sạch có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, HTX thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các thành viên. Cùng với đó, HTX áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc, quản lý chế biến và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngoài phát triển kinh tế cho các thành viên, anh Anh Trần Văn Công (bìa trái)-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS còn kết nối, trao tặng sinh kế cho thanh niên trên địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: Phan Lài
Ngoài phát triển kinh tế cho các thành viên, anh Trần Văn Công (bìa trái) còn kết nối, trao tặng sinh kế cho thanh niên trên địa bàn huyện Chư Pưh (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Phan Lài


Kể từ khi thành lập, HTX đã hỗ trợ các thành viên về tiêu thụ sản phẩm, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng và chính gốc. Bên cạnh đó, HTX được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng gian hàng 3D trên nền tảng Techfest247.com tiếp cận với 80 quốc gia để tạo đà phát triển, tìm kiếm đối tác đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp HTX và thanh niên Gia Lai. Trải qua bao khó khăn vất vả, sản phẩm của HTX đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường, tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Anh Nguyễn Nhất Tín (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) cho biết: “Khi trở thành thành viên HTX, tôi được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. 1 ha cà phê của gia đình sản xuất theo quy trình an toàn nên lợi nhuận cũng cao hơn trước nhiều”.

Kết thúc năm 2021, HTX đạt doanh thu 2,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35 thanh niên và lao động địa phương với mức thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, HTX cũng thường xuyên giúp đỡ các bạn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Chia sẻ hướng đi trong thời gian tới, anh Công cho biết: “Hợp tác xã chủ trương tiếp cận và hoàn thiện các sản phẩm khởi nghiệp để tham gia Chương trình OCOP. Tôi mong muốn tỉnh tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp để thanh niên nông thôn tiếp cận; phát huy vai trò liên kết chuỗi bền chặt giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp nhằm xây dựng phát triển sản phẩm khởi nghiệp”.

 

 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.