Nhà máy thủy điện cổ dưới tán thông xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khuất sau những tán rừng thông xanh bạt ngàn của xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), phóng viên đã tìm đến và được khám phá về nhà máy thủy điện Ankroet - thủy điện cổ nhất Việt Nam với những giá trị văn hóa, lịch sử.


76 năm giữa đại ngàn

Từ trung tâm TP.Đà Lạt, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt theo đường ĐT 722 hướng vào hồ Suối Vàng với mong muốn tìm đến nhà máy thủy điện Ankoret. Đại diện Công ty Điện lực Lâm Đồng giới thiệu, đây là nhà máy thủy điện cổ nhất của Việt Nam. Nhà máy thủy điện Ankoret được người Pháp tiến hành khởi công xây dựng từ tháng 10/1942, đến năm 1945 thì hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động phát điện nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại Đà Lạt.

Con đường ĐT 722 uốn lượn dưới những tán rừng thông xanh ngắt dẫn chúng tôi đến ngã ba rẽ vào con đường nhỏ để đến được nhà máy thủy điện Ankoret. Đầu con đường nhỏ này có bảng chỉ hướng về nhà máy cách 2.500m. Tiếp tục hành trình theo chỉ dẫn, trước mắt chúng tôi khung cảnh không giống như trong tưởng tượng là một nhà máy với những cỗ máy phát điện "cỡ bự", máy móc lỉnh kỉnh… Toàn bộ nhà máy chỉ gói gọn trong hai dãy nhà như những căn biệt thự nghỉ dưỡng.

 

Hiện nay, hệ thống máy trong nhà máy được thay thế đã giúp cho công nhân và người vận hành được đảm bảo an toàn khi lao động. Ảnh: P.V
Hiện nay, hệ thống máy trong nhà máy được thay thế đã giúp cho công nhân và người vận hành được đảm bảo an toàn khi lao động. Ảnh: P.V
Trong năm 2004, nhà máy thủy điện Ankroet đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây còn được biết đến là nhà máy thủy điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.

Được ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc - Quản đốc nhà máy hướng dẫn tham quan, chúng tôi được giới thiệu thêm nhiều về thủy điện đã 76 năm tuổi. Theo thiết kế ban đầu, nhà máy có công suất 600kW gồm 2 tổ máy có tour bin hiệu BELL phát hiệu CEM-LEHA VRE do Mỹ sản xuất.

Chỉ cho phóng viên những thiết bị nguyên thủy được trưng bày trong khuôn viên nhà máy, ông Phúc chia sẻ: "Ban đầu, đập tràn của thủy điện được xây dựng có chiều dài 97m, cao 10m, dung tích hồ chứa 1,3 triệu m3 nước. Thủy khẩu và đường hầm bê tông xuyên núi dài 536m hình móng ngựa, đường kính 1,65m, có giếng áp thủy cuối hầm cao 44m, đường kính 4m. Ngoài ra, một đường ống thủy lực bằng thép dài 182m, rộng 1,3m được dẫn xuống nhà máy. Tuy nhiên, sau đó, đập thủy điện Ankroet được tiến hành cải tạo, nâng cấp với quy mô đập tràn dài 161m, cao 25m được xây dựng bằng đá chẻ dài 40m, cao 20m, dung tích hồ chứa lúc này đã tăng lên 20 triệu m3 nước".

Ngoài nâng cấp về kết cấu của đập tràn, công suất của 2 tổ máy 1.250kW-6,6kV được lắp đặt thêm nâng tổng công suất của nhà máy lên 3,1mW. Đến năm 2004, tổ máy đầu tiên của nhà máy được đưa ra khỏi vị trí, thay thế bằng những tổ máy phát điện mới do Trung Quốc sản xuất có công suất phát điện lớn hơn mang tính tự động hóa cao.

 

 Khuôn viên nhà máy thủy điện Ankoret nhìn từ xa giống như một căn biệt thự nghỉ dưỡng giữa rừng thông xanh. Ảnh: P.V
Khuôn viên nhà máy thủy điện Ankoret nhìn từ xa giống như một căn biệt thự nghỉ dưỡng giữa rừng thông xanh. Ảnh: P.V


Ông Phúc cũng cho biết, những năm 1945, để có thể hoàn thành được nhà máy này trong điều kiện thiếu máy móc, chủ yếu bằng chân tay, đã có hàng ngàn phu xây dựng được điều động từ mọi miền của đất nước về xây dựng. Ngoài đói rét, nặng nhọc, bệnh tật đã khiến nhiều người nằm lại trên mảnh đất Lạc Dương này, chính vì vậy, một bia tưởng niệm để ghi nhớ công ơn cũng như an ủi phần nào linh hồn những người đã khuất đã được xây dựng trong khuôn viên nhà máy.

Thủy điện đầu tiên Việt Nam

Cũng trong năm 2004, nhà máy thủy điện Ankroet đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây còn được biết đến là nhà máy thủy điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.

Hiện nay, một trong 2 tổ máy nguyên thủy đã được đưa ra Hà Nội để trưng bày tại nhà truyền thống của tập đoàn điện lực. Tổ máy còn lại đang được trưng bày tại khuôn viên của nhà máy để giới thiệu với du khách đến tham quan về lịch sử của nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam.

 

Đập tràn của nhà máy thủy điện Ankoret dài 161m, cao 25m được xây dựng bằng đá chẻ dài 40m, cao 20m tại huyện Lạc Dương. Ảnh: P.V
Đập tràn của nhà máy thủy điện Ankoret dài 161m, cao 25m được xây dựng bằng đá chẻ dài 40m, cao 20m tại huyện Lạc Dương. Ảnh: P.V


Quản đốc nhà máy cho biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm nhà máy thủy điện lâu đời nhất Việt Nam, năm 2015, hệ thống điều khiển của nhà máy thủy điện Ankroet đã chính thức thay thế, công nghệ mới được đưa vào sử dụng. Theo đó, nhà máy đã được chuyển hệ thống điều khiển từ bán tự động sang công nghệ tự động hiện đại, công nghệ mới này đã giúp giảm sức lao động và nâng cao độ an toàn cho người điều khiển thiết bị tại nhà máy.

"Hiện nay, tuy không chính thức đưa nhà máy vào dịch vụ du lịch nhưng hàng năm vẫn có hàng ngàn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh cũng như tìm hiểu về lịch sử lâu dài của nhà máy. Hơn nữa, Ankoret không còn giữ được vai trò cung cấp điện như trước kia bởi hàng loạt các nhà máy có công suất cao hơn trong cả nước. Chính vì vậy, chúng tôi đang có ý định trong tương lai sẽ phát triển nơi này thành một điểm tham quan cho du khách gần xa"- ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc chia sẻ.

Rời nhà máy thủy điện, khuất sau những rặng thông xanh chúng tôi vẫn mong muốn tìm hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của nhà máy. Số phận của những người phu phen khi tham gia xây dựng nên nhà máy chỉ bằng chân tay…

 

Theo VĂN LONG (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm