Nguyễn Thị Thanh Xuân: Hành trình trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ không ngừng học hỏi và sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã vươn lên làm giàu bằng nghề trồng và chế biến cà phê. Bà là người duy nhất ở Gia Lai được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.
 

Năm 1993, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân rời quê Nghệ An vào Gia Lai làm công nhân tại công trường xây dựng Thủy điện Ia Ly. Sau đó, bà quyết định xin nghỉ rồi mua đất tại thị trấn Ia Ly để làm vườn. Ban đầu, vợ chồng bà trồng 2 ha cà phê. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn cà phê phát triển nhanh. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch, giá cà phê lại xuống thấp, cuộc sống gia đình trở nên bấp bênh. Không nản chí, vợ chồng bà tiếp tục đầu tư trồng cà phê theo hướng bền vững. Nhờ đó, vườn cà phê ít bị sâu bệnh, năng suất ổn định ở mức gần 4 tấn nhân/ha.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Ngọc Thu
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Ngọc Thu


Không dừng lại ở đó, vợ chồng bà Xuân đã học hỏi cách rang xay cà phê, rồi mở cơ sở chế biến cà phê bột mang thương hiệu Xuân Dương. Sản phẩm cà phê Xuân Dương sau đó đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu. Năm 2019, cà phê Xuân Dương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và năm 2020 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bà Xuân cho hay: “Khi đã tạo được thương hiệu và có đầu ra ổn định, tôi tiếp tục mở rộng thị trường bằng cách mở quán chuyên bán, giới thiệu sản phẩm cà phê Xuân Dương. Đến nay, tôi đã mở được 2 quán tại Đà Nẵng và Gia Lai; đồng thời đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định…. Cà phê Xuân Dương được khách hàng đón nhận nhiệt tình”. Cũng theo bà Xuân, gia đình bà hiện có 5 ha cà phê sản xuất theo hướng bền vững và một cơ sở chế biến cà phê bột. Tổng thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí đạt hơn 1,6 tỷ đồng/năm..

2-Chị Xuân đã vận động 15 hộ nông dân tại thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah hình thành tổ liên kết sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế
Bà Xuân (bìa phải) đã vận động 15 hộ nông dân tại thị trấn Ia Ly hình thành tổ liên kết sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế. Ảnh: Ngọc Thu


Từ thành công của gia đình, bà Xuân đã có nhiều hoạt động chia sẻ với các hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương như  hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, tạo việc làm. Hiện tại, gia đình bà Xuân tạo việc làm cho khoảng 15 lao động thời vụ. Chị Nguyễn Thị Phượng (tổ 3, thị trấn Ia Ly) cho biết: “Bà Xuân rất thân thiện, nhiệt tình khi chia sẻ kinh nghiệm về cách khởi nghiệp của mình. Ai thiếu vốn vay, bà ấy đều sẵn sàng giúp. Có những người khó khăn, bà Xuân cũng hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, bà con dân làng ai cũng khâm phục và quý mến bà”.

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-đánh giá: “Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân là một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Từ thành công của mô hình sản xuất cà phê sạch, chị Xuân đã tạo sự lan tỏa tích cực trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương và tạo được chuỗi liên kết giá trị nông sản. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và vươn lên làm giàu chính đáng, chị Xuân là nông dân tiêu biểu của tỉnh, xứng với danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng”.

 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.