Nguyên chủ tịch xã tình nguyện giữ rừng giáng hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghe tin ông Rơ Mah Le-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đảm nhận nhiệm vụ gác rừng giáng hương ở làng Grôn, tôi vội ngược biên giới gặp ông. Gặp, trước hết là để chia sẻ niềm vui bởi nguyện vọng sau khi nghỉ hưu xin làm bảo vệ rừng giáng hương-khu rừng 32 năm trước ông vận động dân làng giữ lại đã trở thành hiện thực.
Tôi hăm hở phóng xe máy ngược hướng huyện biên giới Đức Cơ mà quên mất mình không nhớ rõ đường vào quần thể rừng giáng hương quý hiếm ngót nghét 1.000 cây ở xã Ia Kriêng. Vậy nhưng, không mất nhiều thời gian để tôi tìm được rừng hương này. Người dân Ia Kriêng biết rất rõ vị trí rừng giáng hương để chỉ đường cho khách tham quan. Một thanh niên người Jrai còn nhiệt tình chạy xe máy hơn 3 km dẫn đường. 
Như lời hẹn, ông Rơ Mah Le đứng chờ tôi ở một khoảnh rừng. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người đàn ông Jrai tuổi 64. “Ngày 1-6-2019, tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Một thời gian sau thì tôi nhận được thông báo vào đây bảo vệ rừng hương theo hợp đồng với UBND xã. Ngay khi còn đương nhiệm, tôi đã nhiều lần đề cập đến nguyện vọng này. Hiện tôi cùng các anh Rơ Mah Kem, Nguyễn Hữu Mạnh thay phiên nhau giữ rừng, mỗi người 2-3 ngày/tuần. Tiền công gác rừng không đáng là bao nhưng được tiếp tục gắn bó với rừng hương quý hiếm này là tôi mừng rồi”-ông Le hồ hởi nói.
Ông Rơ Mah Le (bìa phải) kể chuyện phát hiện, bảo vệ rừng giáng hương hiếm hoi ở tỉnh. Ảnh: Thiên Di
Ông Rơ Mah Le (bìa phải) kể chuyện phát hiện, bảo vệ rừng giáng hương hiếm hoi ở tỉnh. Ảnh: Thiên Di
Không phải bỗng dưng mà ông Rơ Mah Le lại nặng tình với rừng giáng hương này. Là bởi, năm 1990, trong một lần đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, ông phát hiện khu vực khoảng 4 ha mọc chi chít cây giáng hương, trong khi một đơn vị khai hoang đang san ủi mặt bằng để chuyển đổi trồng cao su gần đó. Ý nghĩ bảo tồn rừng giáng hương này cho con cháu đời sau hiện lên trong tâm trí ông. Vì thế, ông Le về tổ chức họp lãnh đạo xã bàn phương án bảo tồn rừng giáng hương đặc hữu. “Khi nghe tôi đề xuất phương án giữ lại rừng giáng hương, anh em cán bộ xã hưởng ứng nhiệt tình. Ngay sau đó, tôi cùng với lực lượng Công an xã, địa chính, phụ nữ đi xe đạp vào đây rồi phát dọn cây cối xung quanh, cắm bảng thông báo rừng giáng hương thuộc sự quản lý của UBND xã. Tiếp đó, tôi vận động dân làng Grôn nhận canh gác, bảo vệ. Nhờ đó mà khu rừng được giữ nguyên vẹn cho đến nay”-ông Le kể.
Tôi theo chân ông đi sâu vào rừng để chiêm ngưỡng những cây giáng hương quý hiếm. Hơn 30 năm qua, dưới sự bảo bọc của những con người biết trân quý tài nguyên thiên nhiên, rễ giáng hương bám sâu vào lòng đất hút dưỡng chất mà sinh sôi. Không ít cây giáng hương có đường kính gốc 70-80 cm. Nhiều cây cao vài chục mét, quanh thân quấn đầy dây leo. Cũng có nhiều cây gỗ cao lớn khác mọc cùng với giáng hương. Chim muông chuyền cành líu lo gọi bầy. Với những người yêu thích du lịch sinh thái, chiêm ngắm rừng giáng hương là một trải nghiệm thú vị.
Sau nghỉ hưu, ông Le về làm bảo vệ cho rừng giáng hương của xã. Ảnh: Thiên Di
Sau khi nghỉ hưu, ông Rơ Mah Le về làm bảo vệ rừng giáng hương. Ảnh: Thiên Di
Ông Nguyễn Hữu Mạnh chia sẻ: “Để có rừng giáng hương đẹp như hôm nay phải kể đến công đầu của ông Rơ Mah Le. Bà con làng Grôn rất tự hào mỗi khi nói về rừng giáng hương. Chúng tôi thấy vui vì đã bảo vệ được rừng giáng hương quý và tự hào hơn khi tặng 20 cây để di thực về trồng ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Nhiều đoàn khách thập phương đến vãn cảnh cũng không tiếc lời ngợi khen trước vẻ đẹp hiếm thấy của khu rừng. Cách đây mấy tháng, gia đình tôi còn chọn nơi này để tổ chức đám cưới cho con. Khách đến dự đám thích vô cùng”. 
Rừng giáng hương đẹp. Tuy nhiên, cây càng lớn, nỗi lo càng tăng lên. Trong cuộc trò chuyện với tôi, nét ưu tư ánh lên trong đôi mắt người giữ rừng cần mẫn. “Trên thị trường, gỗ giáng hương có giá rất cao. Chúng tôi canh cánh nỗi lo khu rừng bị xâm hại. Vì vậy, anh em bảo nhau thường xuyên túc trực canh gác. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư kinh phí để khoan giếng, mắc điện, sửa nhà hoặc xây tường bao quanh để bảo vệ rừng giáng hương được tốt hơn”-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thịnh-Chủ tịch UBND xã Kriêng-cho biết: Ông Rơ Mah Le rất tâm huyết với khu rừng giáng hương của xã. Chính ông là người phát hiện, kêu gọi dân làng Grôn trông coi, bảo vệ rừng suốt mấy chục năm qua. Do đó, khi biết ông có nguyện vọng được canh gác, bảo vệ rừng giáng hương lúc nghỉ hưu, chúng tôi rất mừng. Hiện xã cũng đã xây dựng phương án mở rộng khu rừng để bảo tồn giống gen gỗ giáng hương quý hiếm. Đồng thời, UBND xã cũng đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí đào giếng, kéo điện để phục vụ công tác bảo vệ rừng.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.