Nguy cơ lây lan dịch bạch hầu ở Đắk Lắk vẫn còn rất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời gian tới, khi trung ương cấp cho 2 triệu liều vắc xin uốn ván bạch hầu liệu rằng Đắk Lắk có dập tắt được dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân hay không?
 
Một khu cách ly dịch bạch hầu tại vùng Tây Nguyên. Ảnh BẢO TRUNG
Một khu cách ly dịch bạch hầu tại vùng Tây Nguyên. Ảnh BẢO TRUNG
Đủ ở hiện tại...
Bộ Y tế sẽ cấp 10 triệu liều vắc xin cho các tỉnh vùng Tây Nguyên ứng phó, dập tắt dịch bạch hầu, đưa cuộc sống của người dân trở về hiện trạng như cách đây ít tháng. Tức là sẽ không còn khu cách ly, nhân viên y tế chẳng phải túc trực 24/24 ở các ổ dịch...
Đắk Lắk mới chỉ có 3 ca nhiễm bạch hầu nhưng người đứng đầu ngành y tế tỉnh này vừa xác nhận với Lao Động rằng con số trên vẫn chưa dừng lại ở đó. Các ca nhiễm mới rất có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận trong thời gian tới.
Bởi, người lành mang vi khuẩn bạch hầu vẫn còn đó trong các khu dân cư. Đặc biệt là ở các vùng lõm, một bộ phận người dân chưa được tiêm phòng trước đó nhiều năm rất dễ lây nhiễm dẫn đến bùng phát trên diện rộng.
Tỉnh này dự kiến sẽ được cấp khoảng 2 triệu liều vắc xin phòng bệnh.
Ông Nay Phi La - GĐ Sở Y tế tỉnh nhận định, với lượng vắc xin này Đắk Lắk hoàn toàn có khả năng khống chế được dịch bạch hầu trong thời gian tới, ít nhất là đến hết năm 2020. 
Mới đây, 2 ổ dịch ở huyện Lắk và M'Đrắk đã được ngành y tế tỉnh ráo riết xử lý, đủ các biện pháp phòng chống được triển khai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng y tế đã thuyết phục được bà con đồng bào tiêm chủng phòng bệnh.
Nhiều ngày nay, huyện Lắk vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào mới. Tại huyện M'Đrắk, các em nhỏ những năm trước chưa được tiêm phòng vắc xin cũng đã được cán bộ y tế cấp đủ.
... nhưng thiếu ở tương lai
''2 triệu liều vắc xin này chỉ mang giải pháp tình thế. Tương lai, nếu muốn dịch không bùng phát lại  thì ngành y tế địa phương phải vào cuộc, vận động cho bằng được người dân ở vùng sâu, vùng xa tiêm phòng mở rộng. Cán bộ y tế phải thuyết phục làm sao cho dân hiểu, làm theo nếu không được thì phải tính phương án khác. Tôi khẳng định rằng, nếu người dân không chịu tiêm chủng mà cán bộ y tế ép dân bằng biện pháp hành chính thì sẽ bị xử lý kỷ luật'', ông Phi La nói.
Tại huyện M'Đrắk (Đắk Lắk), một y sĩ người H'Mông (có uy tín với đồng bào trong khu vực) đã kêu gọi dân trong vùng vận động thành công bà con đi tiêm chủng. Trước đó, cán bộ y tế ở huyện đã làm mọi cách nhưng không thể nào lay chuyển được ''ý chí'' bà con nên mới đành mời y sĩ này đứng ra xử lý giúp.
Ngành y tế Đắk Lắk mỗi năm đều tiến hành bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ y tế cơ sở. Cách làm này giúp họ từng bước hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sắp tới, ngành y tế tỉnh này còn trình UBND tỉnh xem xét đề án bổ sung bác sĩ có chuyên môn cho các địa phương để thực hiện tốt hơn việc chăm lo sức khỏe bà con. Nhân lực ngành y phải là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán bà con bản địa; ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm