Tình trạng hàng trăm hộ trồng mía vùng Đông Nam Gia Lai tự ý phá bỏ hợp đồng bán mía đã ký với nhà máy để bán ra bên ngoài đã đẩy Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đến nguy cơ thiếu mía nguyên liệu trầm trọng.
Phá bỏ hợp đồng...
Vụ ép 2009-2010, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai có khoảng 3.900 ha, tập trung ở các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Với năng suất mía đạt 59 tấn/ha, theo tính toán có thể đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chạy ổn định công suất 2.000 tấn mía cây/ngày suốt vụ ép này.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Thông qua Hội nghị khách hàng đầu vụ ép, Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai và người trồng mía đã ký hợp đồng đầu tư và cam kết bán mía nguyên liệu cho nhà máy, thống nhất lịch chặt mía cho từng hộ dân trên toàn vùng nguyên liệu. Thời điểm hiện tại, giá mía thu mua tại ruộng là 750.000 đồng/tấn, chi phí và phương tiện vận chuyển do nhà máy chịu trách nhiệm. Giá mua này đảm bảo cho người trồng mía có lãi ít nhất 20 triệu đồng/ha. Thế nhưng có một nghịch lý là mặc dù vụ ép của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đang bước vào giai đoạn sản xuất chính nhưng mía nguyên liệu lại đang ùn ùn ngược chiều bán ra ngoài tỉnh.
Đi trên quốc lộ 25 những ngày áp Tết, dễ dàng bắt gặp từng đoàn xe chở mía nối đuôi nhau hướng về phía tỉnh Kon Tum. Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai, trong hơn 2 tháng bước vào vụ ép, đã có ít nhất 569 xe mía tương đương khối lượng 17.000 tấn mía cây của hàng trăm hộ dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy đã chở đi bán cho nhà máy đường Kon Tum. Theo đó, số tiền trên 795 triệu đồng mà Công ty đã ứng đầu tư cho nông dân từ đầu vụ (với định mức 10 triệu đồng/ha mía chăm sóc và 15 triệu đồng/ha mía trồng mới), khó có khả năng thu hồi, vì các hộ nhận đầu tư đã tự ý bán mía ra ngoài tỉnh. Tình trạng chảy máu nguyên liệu đang đẩy Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho vụ ép 2009-2010 này.
Vì sao nông dân quay lưng lại với nhà máy?
Ông Lại Văn Phóng ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) có 4 ha mía đã chặt bán hết, cho biết: “Do thời tiết hanh khô, tình trạng mía bị cháy diễn ra nhiều nơi làm thiệt hại cho chủ mía mà lịch chặt mía của Công ty xếp tận tháng 3 nên gia đình không thể đợi được. Sốt ruột, tôi đành phải tự chặt mía và kêu xe ngoài chở đi nhập cho nhà máy khác...”.
Tâm lý sợ mía cháy là có thật vì từ đầu vụ đến nay, vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đã xảy ra hàng trăm vụ cháy thiệt hại trên 170 ha. Vùng bị cháy nhiều nhất là điểm 8, điểm 9, suối Cạn, xã Ia Sol và xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), xã Pờ Tó (huyện Ia Pa). Ông Nguyễn Văn Lừng- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai cho biết: “Do sợ mía cháy nên người trồng mía gây áp lực đòi nhà máy phải cho đốn sớm nếu không sẽ tự đốn mía bán ra bên ngoài. Nhưng lịch trình chặt mía cho từng hộ trong cả vùng nguyên liệu đã được thống nhất từ đầu vụ nên rất khó thay đổi. Công ty chỉ ưu tiên giải quyết cho những trường hợp mía bị cháy được nhập trước với giá cao hơn. Và, nguyên nhân gây bức xúc hơn là do Công ty cổ phần Đường Kon Tum sử dụng cung cách làm ăn chụp giật, tự ý nâng giá mua mía ngoài vùng nguyên liệu của họ lên 950.000 đồng/tấn để lấn sân tranh mua nguồn nguyên liệu của nhà máy chúng tôi; trong khi đó giá mía trong vùng nguyên liệu của họ chỉ ở mức 550.000 đồng/tấn (?). Vì giá mía bán cho Kon Tum cao hơn nên có rất nhiều tiểu thương xúi giục nông dân bán mía ra bên ngoài cho họ thu mua và thậm chí là xúi giục đốt mía, gây ra tình trạng hỗn loạn tranh mua tranh bán”.
Ảnh: Đức Thanh |
Về giải pháp ngăn chặn “chảy máu” nguyên liệu, ông Lừng cho biết: Công ty đã liên tục gửi công văn đề nghị UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cũng như Bộ Công thương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhờ can thiệp ngăn chặn vi phạm của Công ty cổ phần Đường Kon Tum nhưng vẫn chưa có kết quả. Trước mắt, Công ty cố gắng hạn chế tình trạng mía cháy bằng cách gấp rút làm đường ranh cản lửa chia lô mía thành từng khoảng 4-5 ha và ưu tiên mua mía của các hộ bị cháy giá cao; đồng thời cam kết sẽ nâng giá mua mía cho nông dân.
Dẫu vậy, theo chúng tôi, vấn đề cốt lõi chỉ có thể được giải quyết khi giá mía nguyên liệu đầu vào Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai mua ở mức hợp lý, đảm bảo lợi ích sát sườn của người trồng mía thì lúc đó mới hạn chế được nạn “chảy máu” nguyên liệu. Khó có thể ngăn chặn người trồng mía bán ra ngoài nếu như giá của họ đến 950.000 đồng/tấn trong khi giá của nhà máy chỉ 750.000 đồng/tấn.
Đức Phương