Những cam kết này thể hiện rõ mô hình hợp tác công tư (PPP), do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Ipsard, thuộc Bộ NN&PTNT) và Cty CP Tập đoàn Thái Hòa ký kết mới đây.
Theo thỏa thuận, Ipsard và Tập đoàn Thái Hòa sẽ xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và Hợp tác xã kiểu mới tại các vùng trồng cà phê tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Thái Hòa cho biết, trong mô hình hợp tác này, doanh nghiệp sẽ đứng ra bảo trợ cho nông dân, xem nông dân là một thành viên, hợp tác xã là cánh tay nối dài của doanh nghiệp.
Ông An cho hay, ở mô hình này, các hộ nông dân đã có sẵn diện tích cây cà phê Arabica (cà phê chè), nhưng năng suất chưa cao, kỹ thuật chăm sóc chưa tốt, tiêu thụ không ổn định... và doanh nghiệp đứng ra giúp họ khắc phục hạn chế đó. “Lâu nay, năng suất trung bình của nông đân chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, nhưng chúng tôi đưa tư vấn vào có thể nâng lên 2,5-3 tấn/ha. Đầu vụ, doanh nghiệp đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (giảm giá, hoặc hỗ trợ một phần), hướng dẫn kỹ thuật và đứng ra thu mua cà phê vào cuối vụ. Có nguồn hàng ổn định, chỉ dẫn địa lý tốt, xuất khẩu với giá cao, có lợi rất lớn với nông dân” - ông An nói.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Thái Hòa, cây cà phê trong mô hình PPP được bảo hiểm cả về giá và bảo hiểm về thiệt hại vườn cây (hạn hán, sương giá, sâu bệnh...). Với bảo hiểm về giá, nông dân chỉ cần giao hàng ổn định, không mất chi phí; tập đoàn bảo hiểm trực tiếp cho nông dân, đảm bảo khi tham gia chuỗi cung ứng cà phê trên, nông dân có lợi nhuận có thể 35% trở lên.
Còn bảo hiểm về hạn hán, sương giá, bệnh tật... do cơ quan bảo hiểm tính toán, và Thái Hòa sẽ hỗ trợ nông dân 50-70% chi phí đó. Dự kiến, Tập đoàn Thái Hòa chi 8 triệu đồng/năm/ha cà phê, bao gồm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho nông dân.