Người "tiếp lửa" cho học sinh nghèo vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Thành Đại Phú ở TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Trần Hữu Khôi (SN 1982) vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê nhà Kbang. Những năm qua, anh đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Kbang để các em tiếp tục được đến trường.

Anh Trần Hữu Khôi (ảnh do nhân vật cung cấp).
Anh Trần Hữu Khôi (ảnh do nhân vật cung cấp).

Không thể diễn tả hết niềm vui mà em Huỳnh Xuân Thảo (lớp 12A5, Trường THPT Lương Thế Vinh, thị trấn Kbang, huyện Kbang) khi nhận được sự giúp đỡ của anh Khôi với số tiền 6 triệu đồng mỗi năm. Đây là số tiền không lớn để có thể trang trải hết chi phí học tập nhưng với Thảo nó là một món quà đầy ý nghĩa. Thảo là con út trong một gia đình có 9 anh chị em, mọi gánh nặng đặt lên vai người mẹ khi cha em mất sớm. Người mẹ tảo tần của em ngày ngày đi lượm ve chai, chắt bóp từng đồng bạc lẻ để Thảo không phải dang dở con đường học hành như các anh chị. Thảo xúc động bày tỏ: “Năm ngoái, khi em học lớp 11 thì bất ngờ nhận được sự giúp đỡ của anh Khôi. Nhà trường cho em biết, anh Khôi sẽ hỗ trợ em mỗi tháng 500 ngàn đồng cho đến khi em học xong đại học. Thực sự mới đầu em không dám tin nhưng hơn một năm nay, tháng nào em cũng nhận được số tiền này. Em rất biết ơn và trân trọng sự giúp đỡ của anh ấy”.

Cùng chung niềm vui được anh Khôi tiếp sức đến trường là em Đinh Thị La (lớp 12B, Trường THPT Anh Hùng Núp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). La tâm sự: “Em chưa hề biết mặt anh Khôi mà chỉ nhận được sự giúp đỡ của anh ấy thông qua nhà trường. Em rất mong được gặp anh để cảm ơn. Ngày trước, em không dám mơ đến việc đi học đại học nhưng giờ có anh Khôi hỗ trợ, em sẽ cố gắng học thật tốt, thi đậu đại học”. Ngoài Thảo và La còn có 4 học sinh (2 em ở Trường THPT Lương Thế Vinh và 2 em ở Trường THPT Kông Lơng Khơng) có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ của anh Khôi. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp sức cho các em đến khi tốt nghiệp đại học, anh Khôi còn hứa sẽ sắp xếp công việc phù hợp cho những bạn có nhu cầu lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Anh Trần Hữu Khôi là cựu học sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Kbang). Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn tại thôn 2, xã Đak Hlơ (huyện Kbang). Để được đến trường, anh đã phải rất cố gắng vừa học vừa phụ giúp bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh vào TP. Hồ Chí Minh vừa học vừa làm rất nhiều nghề. Tự mình lăn lộn kiếm sống giúp anh có nhiều kinh nghiệm. Sau đó, cơ duyên đã giúp anh tiếp cận được lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các mặt hàng dân dụng. Từ việc quản lý một xí nghiệp nhỏ, đến nay, anh đã là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thành Đại Phú với hàng trăm nhân viên. Anh tâm sự: “Tôi chọn giúp các em học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh vì là trường cũ, còn Trường THPT Anh Hùng Núp là nơi học tập hiện tại của con em trong xã Đak Hlơ, quê hương tôi. Tôi hướng tới những em có nghị lực vươn lên, biết vượt qua khó khăn để đến trường, thành tích học tập năm sau tốt hơn năm trước. Khi thấy những học sinh nghèo hiếu học, tôi thấy hình ảnh tôi ở đó nên tôi muốn giúp để các em bớt khó khăn, có thêm động lực để đi xa hơn, có tương lai tốt đẹp hơn”.

Anh Khôi cho biết thêm, sắp tới, anh cùng một số bạn bè tại TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập “Quỹ khuyến học huyện Kbang” với số tiền 100 triệu đồng mỗi năm để giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học của huyện Kbang.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Huyện Krông Búk là một trong 5 đơn vị hành chính hình thành sớm nhất của tỉnh, trong suốt chiều dài lịch sử với 3 tên gọi: Buôn Hồ (thời kháng chiến chống Pháp), H4 (thời kháng chiến chống Mỹ) và Krông Búk (khi đất nước thống nhất).

Xuân trên đỉnh đèo

Xuân trên đỉnh đèo

Măng Đen rực lên một màu hồng êm dịu từ muôn vạn cánh hoa bé nhỏ. Có khi chỉ là một cội mai anh đào già, cành tỏa rộng khuất sau hàng thông, có khi là cả một hàng mai anh đào non đang e ấp mở những cánh hoa bé nhỏ cạnh đường đi.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.