NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Chiến sĩ áo trắng nơi đầu sóng ngọn gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những đóng góp của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã và đang giúp Bệnh xá đảo Song Tử Tây luôn là điểm sáng về y tế của huyện đảo Trường Sa.

Từ năm 2006, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được nhận nhiệm vụ bảo đảm y tế cho xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, từ năm 1991, bệnh viện đã làm nhiệm vụ này trên hai đảo Sinh Tồn và Nam Yết cũng thuộc Trường Sa.

Tình quân dân cá nước

Lần đầu nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, trung tá - bác sĩ Nguyễn Cao Vinh, Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không khỏi hồi hộp. Chưa lần nào được đặt chân tới Trường Sa, chưa kịp trải qua nỗi nhớ nhà thì những gian nan của hành trình ra đảo đã ập đến sau khi anh bước chân lên tàu, lênh đênh trên biển mấy ngày liền.

"Khi tàu chạy được mấy hải lý, tôi đã có cảm giác nôn nao, chóng mặt rồi. Các thầy thuốc quân y trong đoàn không ai không bị say sóng. Chúng tôi không ăn được, mệt mỏi, gần như nằm im một chỗ… Dù trước đó đã được nghe kể và mường tượng những khó khăn trên đảo nhưng khi đến nơi, chúng tôi mới thấu hết những gian nan của cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió" - bác sĩ Vinh nhớ lại.

Phút rảnh rỗi của bác sĩ Nguyễn Cao Vinh cùng chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây

Phút rảnh rỗi của bác sĩ Nguyễn Cao Vinh cùng chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây

Cũng từ đó, bác sĩ Vinh và đồng nghiệp càng thương mến người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nhanh chóng hòa vào nhịp sống "đảo ấm tình người, người ấm tình nhau".

"Dù lúc đầu chưa quen với cuộc sống nơi xa và nhớ nhà nhưng trước tình cảm của mọi người trên đảo, nhất là của bệnh nhân - hầu hết là người dân trên đảo và ngư dân đánh bắt xa bờ, chúng tôi càng thêm gắn bó" - bác sĩ Vinh bày tỏ.

Trở về Hà Nội cuối năm 2022, bác sĩ Vinh tiếp tục công việc tại Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhớ da diết những tình cảm trên đảo, bác sĩ Vinh thầm cảm ơn "cuộc sống chậm" trong 1 năm ở nơi bốn bề là biển cả đã cho anh thêm trải nghiệm và tìm ra chân lý sống đúng nghĩa cho mình.

Tiếp nối công việc của đồng nghiệp - những thầy thuốc mang quân hàm xanh, thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, ra đảo Song Tử Tây nhận nhiệm vụ. Với anh, đây là cơ hội được sống với những cảm xúc đặc biệt, ấm áp tình cảm đồng chí, đồng bào và thêm tự hào về Tổ quốc thiêng liêng. Ra đảo tháng 7-2022, bác sĩ Trường nhận nhiệm vụ Bệnh xá Trưởng đảo Song Tử Tây và không khỏi có những lo lắng vào thời gian đầu.

"Trước đây, làm việc ở bệnh viện còn có các thầy và đồng nghiệp hỗ trợ cùng trang thiết bị đầy đủ nên tôi rất yên tâm. Trên đảo khó khăn nhiều mặt, nhất là cơ sở vật chất, lại xa nhà, xa gia đình nên hơi lo. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Tình cảm anh em thân thiết đã giúp tôi vững tâm vượt qua những khó khăn" - bác sĩ Trường tâm sự.

Vượt qua những lằn ranh sinh tử

Thời gian làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không chỉ đầy ắp tình quân dân cá nước mà còn có những câu chuyện cảm động khi vượt qua được lằn ranh sinh tử trong những ca cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển.

Một năm công tác tại Song Tử Tây, cùng đồng nghiệp thực hiện gần chục ca cấp cứu, phẫu thuật cho người sống trên đảo và ngư dân, bác sĩ Nguyễn Cao Vinh không thể nào quên những lần phải độc lập đưa ra quyết định trong những tình huống cứu người khẩn cấp.

"Tôi nhớ nhất là ca đột quỵ do xuất huyết não. Bệnh nhân là ngư dân Nguyễn Nhỏ, 50 tuổi, quê Quảng Nam. Từ ngoài khơi được đưa vào tới đảo thì ông đã bị liệt nửa người. Nếu chậm trễ thêm chút nữa thôi, ông sẽ khó qua khỏi. Sau 2 ngày can thiệp y tế và theo dõi tích cực, chúng tôi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và quyết định chở bệnh nhân về bờ điều trị. Tôi và một điều dưỡng đã lênh đênh trên biển 3 ngày cùng bệnh nhân trong hành trình giành lại sự sống. Hiện nay, ông Nhỏ đã khỏe, đi được xe máy" - bác sĩ Vinh kể.

Ngư dân Nguyễn Nhỏ bị xuất huyết não, được bác sĩ Nguyễn Cao Vinh cùng một điều đưỡng đưa vào đất liền điều trị và đã qua cơn nguy kịch.

Ngư dân Nguyễn Nhỏ bị xuất huyết não, được bác sĩ Nguyễn Cao Vinh cùng một điều đưỡng đưa vào đất liền điều trị và đã qua cơn nguy kịch.

Với bác sĩ Nguyễn Văn Trường, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe để ngư dân vươn khơi bám biển là một nhiệm vụ thầm lặng nhưng cao cả. Anh cùng đồng nghiệp đã cấp cứu phẫu thuật nhiều trường hợp viêm ruột thừa, các vết thương do tai nạn, nhất là điều trị những ngư dân bị giảm áp do lặn sâu dưới biển.

Những khi rảnh rỗi, nhìn xa xăm về phía đất liền, bác sĩ Nguyễn Văn Trường và đồng đội càng cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống bình yên. "Tại đảo Song Tử Tây - Tổ quốc nhìn từ phía biển, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của nhiệm vụ thiêng liêng: Bảo vệ đảo - cột mốc uy nghiêm - hồn thiêng non nước" - bác sĩ Trường thổ lộ.

PGS-TS Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết Song Tử Tây rộng khoảng 12 ha, là đảo lớn thứ 6 trong quần đảo Trường Sa. Mỗi năm, các y - bác sĩ bệnh viện này khám và điều trị khoảng 700 lượt bệnh nhân tại Bệnh xá Song Tử Tây, từng đỡ đẻ thành công 2 công dân sinh ra tại đảo. "Những đóng góp của các thầy thuốc đã và đang giúp bệnh xá này luôn là điểm sáng về y tế của huyện đảo Trường Sa" - PGS Song nhìn nhận.

Theo đại tá - bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Trọng Như, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các thầy thuốc làm việc tại đảo Song Tử Tây luôn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Các y - bác sĩ trên đảo đã nêu cao tình đồng đội, yêu thương, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Thanh âm biển đảo vọng mãi trong tim

Sau một năm công tác tại đảo Song Tử Tây rồi trở về đất liền với cuộc sống nhộn nhịp thường nhật, nhiều y - bác sĩ tâm sự trong tim vẫn vọng mãi tiếng thì thầm, đôi lúc gào thét của sóng biển; tiếng lao xao, gầm gào của gió; tiếng ê a học bài của con trẻ; tiếng hát và cả nỗi niềm mong nhớ đất liền của người lính đảo.

Cảm nhận, nghe thấu những thanh âm của dặm dài nỗi nhớ đã khiến họ thêm yêu thương con người và quý trọng cuộc sống, từ đó thực hiện được những điều thiện lành, làm dày thêm y đức trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người của mình.

Nhiều ca bệnh nặng được cứu chữa

Mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Tây bị tai nạn lao động khi đang làm việc trên tàu cá. Bàn tay phải của anh bị máy xay đá cuốn vào, làm dập nát, gãy xương và đứt gân duỗi một số ngón tay. Anh được các ngư dân trên tàu cá sơ cứu, cầm máu và đưa vào đảo Song Tử Tây. Kíp quân y Bệnh xá Song Tử Tây đã nhanh chóng phẫu thuật, cắt lọc, khâu vết thương, cố định cẳng bàn tay cho anh.

Một ca bệnh nặng khác là ngư dân Mai Xuân Lãnh, hơn 60 tuổi, bị áp xe ruột thừa. Ông được chủ tàu cá đưa vào bệnh xá đảo sau 13 ngày liên tục đau bụng. Thăm khám, siêu âm, phát hiện bệnh nhân có khối bất thường ở hố chậu phải, các bác sĩ đã chỉ định dùng kháng sinh mạnh đường tĩnh mạch và chọc hút bớt ổ áp xe ruột thừa, trả lại sức khỏe cho ông Lãnh.

Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã cấp cứu điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Trần Văn Phụng bị tắc ruột cùng triệu chứng viêm phổi do COVID-19; bệnh nhân Bùi Tấn Thanh bị giảm áp cấp tính mức độ nặng sau khi lặn sâu 45 m trong 30 phút... Đặc biệt, tháng 5-2022, bệnh xá đã cấp cứu thành công cho ngư dân đột quỵ não, rối loạn ý thức, liệt nửa người, xuất huyết não trên nền bệnh tăng huyết áp, tăng mỡ máu...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…