Người phụ nữ vượt khó thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dẫu gặp phải nhiều biến cố trong cuộc sống, song chị Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1980, trú thôn Phú Hòa, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) vẫn rắn rỏi vượt qua tất cả, trở thành tấm gương vượt khó thoát nghèo tiêu biểu ở địa phương.
Là người gốc Huế, sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh nhưng mảnh đất Ia Blang (huyện Chư Sê) mới thật sự là quê hương thứ 2 của chị Hương kể từ ngày cùng gia đình chuyển về đây sinh sống vào năm 1986. Năm 1998, chị lấy chồng và được cha mẹ cho ra riêng với 3 sào đất làm vốn sinh nhai. Hết trỉa bắp, trồng đậu phộng đến hồ tiêu, đôi vợ chồng trẻ ngày qua ngày cố gắng làm lụng phát triển kinh tế. Thế nhưng khó khăn vẫn đeo bám gia đình nhỏ, nhất là khi 4 đứa con lần lượt ra đời.
 Chị Nguyễn Thị Lan Hương chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Ảnh: M.T
Chị Nguyễn Thị Lan Hương chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Ảnh: M.T
Khi thấy hồ tiêu lên giá, chị Hương bàn với chồng tập trung đầu tư cho loại cây trồng được ví là “vàng đen” này. Giai đoạn 2010-2013, bên cạnh số tiền tích góp được, vợ chồng chị đánh liều vay thêm ngân hàng lẫn người quen 200 triệu đồng để “rót” vào vườn hồ tiêu hàng ngàn trụ, kỳ vọng về một cuộc sống ổn định hơn trong tương lai. Ngờ đâu, chỉ một thời gian ngắn, vườn hồ tiêu mắc bệnh rồi chết sạch, bao nhiêu công sức, của cải như trôi sông đổ biển. “Lúc ấy, vợ chồng tôi hụt hẫng lắm bởi tài sản có bao nhiêu đều mất sạch, lại còn thêm gánh nặng nợ nần. Không biết làm gì để có tiền trả nợ, rồi còn lo cho con cái học hành”-chị Hương tâm sự.
Rồi cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, mối quan hệ gia đình chị trở nên căng thẳng hơn. Chồng chị bất đắc chí nên chuyện gì cũng có thể khiến anh bực tức; thậm chí anh còn có xu hướng bạo hành vợ thường xuyên. Không ít lần chị Hương phải cầu cứu đến tổ chức Hội Phụ nữ ở thôn, xã. “Suốt 2 năm trời, tôi chẳng hiểu sao anh ấy thay tính đổi nết, rất hay giận dỗi, đánh đập vợ con. Cũng may có sự can thiệp, hòa giải và động viên kịp thời từ phía Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blang, chi hội Phụ nữ và Ban Nhân dân thôn Phú Hòa, vợ chồng tôi mới tháo gỡ được những nút thắt trong lòng và thuận hòa trở lại như trước”-chị Hương nhắc lại về khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần của mình.
Những năm tiếp sau đó, vợ chồng chị quyết định đầu tư trồng cà phê, đồng thời chăm chỉ làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Bất kể chỗ nào mướn người đào hố, dựng trụ tiêu, làm cỏ, tỉa cành cà phê… là vợ chồng chị đều xông xáo nhận việc. Ngoài ra, chị Hương còn thử nghiệm chăn nuôi nhưng một lần nữa lại gặp thất bại. Bỏ ra hơn 30 triệu đồng mua bò với giá cao, sau đó chị đành bấm bụng bán lỗ vì giá bò trên thị trường sụt giảm tới gần 50%. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục chuyển sang nuôi dê. Cuối năm 2017, chị mua 4 con dê giống về nuôi thử. 5 tháng sau đó, dê bắt đầu sinh sản, mỗi lứa 1-2 con. Nhận thấy loài vật này dễ nuôi, nguồn thức ăn cũng không khó tìm nên qua sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blang, chị Hương đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025” để đầu tư làm chuồng trại và mua thêm 8 con dê giống nữa về nuôi.
Ngoài tận dụng lá cây sẵn có, chị còn trồng thêm cỏ để duy trì nguồn thức ăn xanh cho dê. Thích nghi tốt với khí hậu, cộng với được chăm sóc bài bản nên dê sinh sản khá nhanh. Hiện đàn dê của chị có khoảng 30 con. Với giá bán 132.000 đồng/kg dê thịt, 140.000-160.000 đồng/kg dê giống, mỗi năm, gia đình chị thu về hơn 100 triệu đồng. Cùng với đó, vợ chồng chị còn nuôi 5 con bò lai, heo rừng để tăng thêm thu nhập; trồng 3 ha cà phê, 400 trụ hồ tiêu, 5 sào chanh dây và nhận chăm sóc thuê 8 sào chanh dây trồng xen với hồ tiêu… Mỗi năm trừ chi phí, chị thu về tầm 200-300 triệu đồng. Năm 2018, gia đình chị từ hộ cận nghèo lâu năm đã chính thức thoát nghèo và còn xây dựng được ngôi nhà khang trang.
“Chị Hương là một trong những hội viên vượt khó thoát nghèo tiêu biểu của xã. Chị còn tích cực, nhiệt tình tham gia những hoạt động phong trào do Hội Phụ nữ các cấp tổ chức; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các hội viên, phụ nữ trong chi hội. Mới đây, chị Hương cũng vừa hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách bán nợ 3 con dê giống để giúp chị này có điều kiện thoát nghèo”-bà Võ Thị Hồng Gấm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blang nhận xét.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.