(GLO)- “Nghệ thuật là cái đẹp không thôi thì chỉ thức dậy một cái đẹp. Còn nghệ thuật mà trong đó cái đẹp kết hợp với tư tưởng thì sẽ thức dậy một tư tưởng khác và Trần Vinh đã làm được điều đó. Anh như một đạo diễn sắp xếp những tác phẩm đơn lẻ tạo nên một không gian nghệ thuật đầy ý đồ với những thông điệp lớn”-đó là nhận xét của nhà thơ Văn Công Hùng-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Trưởng ban Giám khảo Hội thi Sinh vật cảnh Gia Lai 2012- khi nhận xét về không gian “Hồn gỗ” của tác giả Trần Vinh-337 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku.
Thông điệp của đại ngàn
Trần Vinh say sưa thuyết trình về tác phẩm của mình với khách thưởng lãm. Ảnh: L.L |
Dù đã quen biết khá lâu, cũng biết về nỗi đam mê gỗ của Trần Vinh, nhưng mãi đến triển lãm Sinh vật cảnh Gia Lai 2012 tôi mới thú vị, bất ngờ và kể cả sự thán phục đối với anh. Trước, tôi chỉ nghĩ: “Đó là thú chơi hợm hĩnh, thú chơi phá rừng” nên chẳng quan tâm là mấy. Giờ thì hiểu và càng trân trọng hơn bởi những khúc gỗ trong bộ sưu tập của Trần Vinh 100% là gỗ lũa-một loại gỗ bị bỏ quên, có thể là tàn tích của thiên tai, cũng có thể là nạn nhân của lâm tặc, lâu ngày bị mối mọt, bị bào mòn bởi thời gian… được anh mang về cọ rửa, khử trùng, nâng niu, gìn giữ, nhờ người tạo tác theo ý tưởng của mình. Và ý nghĩa hơn khi những khúc gỗ vô tri này được anh thổi hồn thành những tác phẩm nghệ thuật, sống động, không chỉ đẹp lộng lẫy, chúng còn mang đến những thông điệp lớn về cuộc sống, về môi trường...
Trần Vinh tâm sự: “Trước đây mỗi lần đến chùa, thấy rất nhiều người cứ sờ lên đầu khúc gỗ rồi lại vuốt lên đầu mình một cách thành kính, có người đến lạy, dù đó chỉ là một khúc gỗ rất nhỏ... Từ đó, mình nghĩ, trong gỗ có hồn, và linh hồn này vô cùng lớn. Linh hồn vô hình nhưng lại có sức cảm hóa phi thường đối với con người”. Và cũng từ đó, niềm đam mê gỗ lũa bắt đầu nhen nhóm trong lòng chàng trai trẻ, quyết tâm thực hiện cho được một bộ sưu tập với mong muốn giữ lại hồn của gỗ, giữ lại một chút thiêng liêng của đại ngàn. “Lâu nay con người đã đánh mất linh hồn của gỗ, họ chỉ tìm thấy trong gỗ giá trị thương mại, kinh doanh… “Hồn gỗ” chính là tiếng kêu cứu của đại ngàn”-Trần Vinh trải lòng.
Đam mê và thành công
Với niềm đam mê cháy bỏng, Trần Vinh đã lặn lội từ Tây Nguyên đến tận làng mộc Đông Giao (Hải Dương), lên đền thờ ông tổ nghề mộc để thắp một nén hương thành kính tâm niệm: “Hãy thả hết hồn vào gỗ, để gỗ trở thành linh hồn của mình”. Chính vì thế, anh đã không ngại vất vả cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với những người thợ mộc, tìm hiểu cuộc sống của họ từ cái ăn cái ở cho đến phong tục tập quán.
Vì theo Trần Vinh, có hiểu sâu xa con người thợ mộc thì mới hiểu được nội tâm của bức tượng do họ tạc ra. Và muốn có những tác phẩm như ý thì phải tìm được những người thợ giỏi có thể truyền lại ý tưởng nghề nghiệp của mình. Nếu là thợ sắc sảo về thú thì chọn để tạc thú, còn thợ sắc sảo về người thì chọn để tạc người… Tóm lại, để có một tác phẩm là cả một quá trình công phu. Từ những mảnh gỗ lũa sần sùi, được cọ rửa, xử lý hóa chất, nhìn ngắm, phác họa ý tưởng, rồi việc tìm thợ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, có hồn là việc làm không dễ. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc và cả niềm đam mê, sáng tạo. “Mình chưa bao giờ đặt nặng là gỗ quý nhóm I hay nhóm II nhưng để tìm được một mảnh gỗ lũa đẹp khó lắm, nhất là vài ba năm gần đây-mốt chơi gỗ ở Gia Lai đang là điểm “nóng” trên toàn quốc”-tác giả Trần Vinh nói.
Lạc vào không gian “Hồn gỗ” của Trần Vinh, người xem như bị “thôi miên”, khám phá hết thú vị này đến thú vị khác, hết ngỡ ngàng lại sung sướng trước bàn tay điêu khắc tuyệt diệu của thiên nhiên, thêm vài nét phụ họa, chấm phá từ bàn tay con người. Theo Trần Vinh, hầu hết các tác phẩm của anh có tới 70% là tự nhiên, con người chỉ chiếm 30% và những tác phẩm này chỉ để chiêm ngưỡng, không bán hay kinh doanh.
Tiếng nhạc du dương khiến người xem càng chìm đắm trong không gian “Hồn gỗ”, người và gỗ như hòa quyện, cùng lắng đọng, chiêm nghiệm với nhiều cung bậc tình cảm đan xen… Giận dữ, buồn tủi cho thân phận mẹ già bị con cái bạc đãi, cô đơn dưới mái nhà tranh xiêu vẹo nhưng vẫn cầu nguyện cho con, hay sự xót xa cho những bào thai bị chính cha mẹ ruột của mình từ chối… Lại thăng hoa, lạc quan yêu đời với tác phẩm “Cười” thể hiện muôn kiểu cười của đức Phật Di Lặc. Lòng nhẹ tênh khi lạc vào không gian Phật pháp, ngắm nhìn những bức “Tu tâm, Thoát tục”… Không chỉ tạo hiệu ứng âm thanh (nhạc không lời), tác giả còn bố trí ánh đèn tạo nên một không gian đầy màu sắc huyền bí…
Đặc biệt hơn, bên mỗi tác phẩm tác giả đều có vài dòng thơ-linh hồn của gỗ, trong đó có nhiều bài thơ do chính tác giả sáng tác. “Điều mình xúc động nhất là khi nhà văn-dịch giả nổi tiếng Nhật Chiêu ghé thăm, ông đã tặng hai câu thơ mình rất tâm đắc, đó là: “Trái tim ta nhỏ mang lên đại ngàn/Trái tim ta nhỏ chưa từng mênh mang”. Hai câu thơ này mình đã khắc ngay bên cổng của không gian “Hồn gỗ” như nhắc nhở bản thân luôn luôn gìn giữ “một chút thiêng liêng của đại ngàn” để truyền lại tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương con người cho thế hệ mai sau”- Trần Vinh chia sẻ.
Chính sự nổi trội hơn hẳn trong “muôn trùng cái đẹp” nên tại triển lãm Sinh vật cảnh Gia Lai 2012 không gian “Hồn gỗ” của Trần Vinh đã vinh dự được Ban Tổ chức triển lãm trao giải nhất. Không chỉ làm đẹp cho đời qua những tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật, Trần Vinh còn được nhiều người biết đến với vai trò là một chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, chuyên gia làm tóc và một thợ kết hoa tài tình. Có lẽ với Trần Vinh, niềm đam mê làm đẹp là bất tận, khao khát mang cái đẹp đến cho đời như chính lẽ sống của mình.
Lê Lan