Người gieo nụ cười

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chị Nguyễn Thị Liệu-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nụ cười Pleiku-Gia Lai (hẻm 113 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku) quyết định không lập gia đình để toàn tâm với ý hướng can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ và những đứa trẻ thiệt thòi khác. 
Từ tình yêu thương con trẻ
Chị Nguyễn Thị Liệu tốt nghiệp khoa Tâm lý Giáo dục (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) năm 2007; sau đó học thêm lớp Tâm lý học trị liệu do Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh liên kết với Trường Ecole de Psychologues Praticiens (EPP-Pháp) mở trong 2 năm (2016-2018).
Từng làm việc tại các trường dạy trẻ tự kỷ ở TP. Hồ Chí Minh, một lần lên Gia Lai, chị nhận thấy khoảng trống lớn ở mảng giáo dục đặc biệt này. “Nếu các bé tự kỷ ở đây gặp được người có chuyên môn hoặc được can thiệp sớm thì có thể phát triển bình thường”-chị nghĩ. Đến giờ, cô gái quê Quảng Trị vẫn nhớ như in ngày mình quay lại đây để theo đuổi công việc: ngày 2-5-2013.
Với mong muốn giúp trẻ tự kỷ được can thiệp, hỗ trợ một cách đầy đủ nhất, khi nhận được những cuộc điện thoại của phụ huynh, chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Liệu đều trực tiếp đến tận nơi dù là ở các huyện, xã xa xôi trong tỉnh. Chị dành 1-2 giờ để tư vấn miễn phí cho phụ huynh; những trẻ ở huyện có thể được giảm 50% phí can thiệp.
Sau một thời gian nhận can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ tại nhà, năm 2016, chị quyết định mở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nụ cười Pleiku-Gia Lai. Đầu năm 2020, Trung tâm được nâng cấp với diện tích sàn 660 m2. Cùng với phòng tâm vận động, gym, điều hòa giác quan, bán trú, Trung tâm còn có 8 phòng trị liệu cá nhân. Hiện có 60 trẻ đang được trị liệu, cả số học bán trú và số can thiệp theo giờ; trong đó trẻ tự kỷ chiếm trên 80%, còn lại là trẻ tăng động giảm chú ý, chậm phát triển.
Chị Nguyễn Thị Liệu tham gia trò chơi cùng trẻ. Ảnh: Phương Duyên
Chị Nguyễn Thị Liệu tham gia trò chơi cùng trẻ. Ảnh: Phương Duyên
Cùng góp sức với chị có 15 giáo viên hợp đồng và 5 giáo viên thử việc. Ai cũng nhẫn nại tập cho trẻ từng vận động nhỏ, chỉ dạy trẻ từng chút một để phát triển tư duy. “Tôi luôn nói với các cô rằng, ngoài chuyên môn giỏi hãy thể hiện tình yêu thương trẻ từ ánh mắt đến cử chỉ. Yêu thương thật sự là đồng cảm với những khó khăn mà trẻ gặp phải, đồng cảm với gia đình trẻ và chia sẻ bằng hành động, dù cho gia đình họ là ai, giàu hay nghèo”-chị Liệu chuyện trò.   
Nói về tên của Trung tâm, chị Nguyễn Thị Liệu lý giải:“Nụ cười là khởi đầu cho mọi việc, từ giao tiếp cho đến cởi mở để tiếp nhận một thông tin mới, một phương pháp mới. Khi phụ huynh trao cho mình nụ cười cũng là trao cho mình bổn phận. Và khi thấy trẻ có tiến triển tốt sau khi được can thiệp, nụ cười của phụ huynh chính là niềm hạnh phúc lớn nhất mà mình có được”.

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan (thị xã Ayun Pa) không giấu niềm hạnh phúc khi chỉ cho chúng tôi thấy đứa cháu nội đã biết thưa chào, trả lời các câu hỏi sau 3 tháng can thiệp tại đây. Bà kể, đến 3 tuổi mà cháu chỉ nói tiếng một. Mẹ cháu mới sinh được 3 tháng, ba thì đi làm ăn xa nên bà và 7 gia đình cùng cảnh ngộ ở Ayun Pa rủ nhau lên đây thuê trọ để can thiệp cho con em.

“Tôi mừng lắm! Cháu phát triển tốt, nay đã nói nhiều, nhảy múa hát ca, hỏi biết thưa gửi. Tôi cũng rất cảm kích vì cô Liệu yêu thương và tận tình giúp đỡ. Các giáo viên khác cũng vậy. Cả 7 gia đình ai nấy đều rất hài lòng”-bà Lan xúc động.    

Anh N.T.H. (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng trải lòng: Con trai anh được đưa đến can thiệp tại Trung tâm từ lúc 17 tháng tuổi. Trước đó, thấy con phát triển không bình thường, vợ chồng anh đưa con đi TP. Hồ Chí Minh khám. Sau đó, được bác sĩ giới thiệu về gặp chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Liệu.
“Nay cháu đã được 4 tuổi, tiến bộ rõ rệt, có thể nói là đã thành công đến 80-90%. Thậm chí cháu còn có thể “tranh luận” với ba mẹ về một đề tài nào đó. Cháu cũng hòa nhập tốt với các bạn ở lớp mẫu giáo. Trước kia, cháu chỉ ăn những gì mẹ nấu mang đến thì giờ đã tiếp nhận đa dạng thức ăn ở trường”-anh H. chia sẻ.
“Mong vơi bớt gánh nặng xã hội”
Nói thêm về động lực để theo đuổi công việc đặc biệt này, chị Liệu khẳng định: “Nếu không tích cực can thiệp cho trẻ tự kỷ thì sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của gia đình, tạo gánh nặng xã hội trong 10, 20 năm tới. Do vậy, tôi luôn làm bằng tất cả nghị lực”. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã can thiệp cho khoảng 200 trường hợp.
Đáng chú ý, mỗi tháng, Trung tâm còn tổ chức 1 lớp truyền thông miễn phí cho phụ huynh để cùng phối hợp trị liệu. “Có những trẻ tiến triển rất tốt. Đó là nhờ phụ huynh hiểu biết, can thiệp đúng thời điểm, phối hợp tốt; trẻ được sống trong bầu không khí gia đình yêu thương. Cộng thêm sự can thiệp đúng liệu trình và xuyên suốt, lâu dài thì sẽ mang lại hiệu quả”-chị Liệu đúc kết.
Bằng tình yêu thương thật sự, các giáo viên tại Trung tâm đã giúp nhiều trẻ tự kỷ tiến bộ rõ rệt. Ảnh: Phương Duyên
Bằng tình yêu thương thật sự, các giáo viên tại Trung tâm đã giúp nhiều trẻ tự kỷ tiến bộ rõ rệt. Ảnh: Phương Duyên
Bên cạnh đó, tuần nào chị Liệu cũng tổ chức 1 khóa tập huấn dành cho giáo viên. 3 năm làm việc, chị Trần Thị Kim Hoàng chân tình bộc bạch: “Mỗi tuần, chúng tôi đều được chị Liệu bổ sung những kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ. Chị tận tình chỉ bảo từng chút một, cũng tham gia tắm rửa, vệ sinh cho các bé mà không nề hà gì. Ai sơ suất, chị chỉ gọi riêng trao đổi, nhắc nhở khéo léo. Vì vậy, giáo viên ở đây đều gắn bó với công việc”.
Không chỉ can thiệp cho trẻ tự kỷ, chuyên gia tâm lý này còn thường xuyên tư vấn cho những trẻ bị sang chấn tâm lý do mất người thân, lạm dụng tình dục. Với chị, đáng nhớ nhất là lần tư vấn cho 1 trẻ ở TP. Pleiku chứng kiến cha mẹ gặp tai nạn qua đời ngay trước mắt mình. Sốc nặng, bé không nói gì trong suốt một thời gian dài. Chị đến và cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi một góc và lấy đồ chơi ra chơi. Bé thấy vậy dần dà cũng đến chơi cùng. Nhiều ngày trôi qua, bé bắt đầu mở lời. Sau 6 tháng, bé đã chấp nhận nỗi đau và hòa nhập với môi trường xung quanh.
Cũng vì muốn hạn chế gánh nặng cho xã hội nên chị Liệu luôn đau đáu với vấn đề hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Ví như mở tiệm bánh và cà phê để tạo việc làm cho các bé; hoặc mở cơ sở mỹ nghệ để các bé tham gia bán hàng. Chị cũng đã tính đến chuyện liên hệ với các cơ sở sản xuất có thể tiếp nhận đối tượng lao động đặc biệt này để thực hiện những công đoạn đơn giản như đóng nắp chai, dán nhãn…
“Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự chung sức của phụ huynh và cộng đồng, giúp mở ra hướng đi hiệu quả cho trẻ tự kỷ”-chị Liệu trăn trở.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.