Người dân xã Ia Rtô mong chờ nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở khu vực đèo Tô Na (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi khi đường ống dẫn nước sạch được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt miễn phí đến tận nhà, giải tỏa cơn khát nước sinh hoạt đeo bám bấy lâu.
Gia đình anh Kpă Thim (buôn Jứ Ma Nai) có giếng đào nhưng nguồn nước nhiễm phèn nên chỉ để tắm giặt. Còn nước dùng để ăn uống, gia đình anh chủ yếu lấy từ sông, suối. Mỗi khi đến mùa hạn, sông suối lùi xa hơn, việc lấy nước sinh hoạt rất vất vả. Chính vì vậy, vợ chồng anh rất phấn khởi khi đơn vị thi công lắp đặt đường ống dẫn nước về buôn. Gia đình anh cũng như các hộ trong buôn còn được Nhà nước hỗ trợ đường ống dẫn nước từ hệ thống ống chính vào tận nhà và lắp đặt đồng hồ nước miễn phí.
Anh Thim phấn khởi nói: “Tôi và người dân trong buôn mong ngóng từng ngày để có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Gia đình tôi cũng chuẩn bị xây bể tích trữ nước dùng sinh hoạt hàng ngày”.
Cùng chung niềm vui, ông Siu Piơch (buôn Jứ Ma Nai) cho hay, từ khi đơn vị thi công lắp đường ống chính và hỗ trợ 15 m ống nhựa để dẫn nước vào tận nhà, ông đều mong sớm có nguồn nước hợp vệ sinh để dùng. Các hộ dân ở đây đều xa suối nên hàng ngày đi gùi nước rất vất vả, bất tiện.
“Được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt hệ thống đường ống nước sinh hoạt, người dân trong buôn rất phấn khởi. Khi có nguồn nước ổn định, hợp vệ sinh để dùng, người dân không còn phải tốn nhiều thời gian, công sức đi lấy nước sông, suối nữa”-ông Piơch cho biết.
Thi công lắp đặt hệ thống đường ống nước sinh hoạt tại buôn Jứ Ma Nai (xã Ia Rtô). Ảnh: NGỌC SANG
Thi công lắp đặt hệ thống đường ống nước sinh hoạt tại buôn Jứ Ma Nai (xã Ia Rtô). Ảnh: Ngọc Sang
Ông Đặng Tấn Hòa-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-thông tin: Từ năm 2004, xã được được Nhà nước đầu tư hệ thống giếng khoan với 2 tháp nước (mỗi tháp có dung tích gần 30 m3) chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho 60% số hộ dân ở các buôn: Phu Ama Nhe 1, 2 và Phu Ama Miơng. Các hộ còn lại sử dụng nước giếng hoặc dùng nước sông, suối.
Theo Chủ tịch UBND Ia Rtô, hiện nay, 448/790 hộ dân trên địa bàn xã đã được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2020 thì 100% hộ dân phải được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nếu dự án nước sạch vệ sinh môi trường do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) là chủ đầu tư đảm bảo tiến độ thi công thì đến cuối năm, tất cả các hộ dân trong xã đều có nước sạch sử dụng. Đây là dự án thành phần của dự án hồ chứa nước Ia Rtô với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng được triển khai xây dựng từ năm 2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Hộ ông Siu Piơch được hỗ trợ 15m ống nhựa dùng để dẫn nước đến tận phía sau nhà. Ảnh: NGỌC SANG
Hộ ông Siu Piơch được hỗ trợ 15 m ống nhựa dùng để dẫn nước đến tận phía sau nhà. Ảnh: Ngọc Sang
“Hiện nay, dự án cấp nước mới đạt 50% tiến độ thi công. Người dân rất phấn khởi, ai nấy đều đồng thuận di dời hàng rào, vật kiến trúc tạo thuận lợi cho việc thi công đường ống dẫn nước. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã đôn đốc chủ đầu tư và các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ giúp xã giải quyết khó khăn về nguồn nước sạch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm”-ông Hòa cho biết.
NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.