Người dân vùng lũ cần gì lúc này?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hình ảnh những người dân vùng lũ lụt ngập nặng ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫy tay cầu cứu “có chi ăn không?” khiến đồng bào cả nước nhói lòng.

Bà Phan Thị Cúc, 63 tuổi, ngụ xã Sơn Thủy, ôm khư khư con chó cỏ sau khi được lực lượng cứu hộ cứu đưa lên cano. Bà Cúc cho biết, bị kẹt trong lũ 3 ngày nay nên không còn đồ ăn, nước uống...
Bà Phan Thị Cúc, 63 tuổi, ngụ xã Sơn Thủy, ôm khư khư con chó cỏ sau khi được lực lượng cứu hộ cứu đưa lên cano. Bà Cúc cho biết, bị kẹt trong lũ 3 ngày nay nên không còn đồ ăn, nước uống..."Con chó này là tôi nuôi từ nhỏ nên tôi xem nó như con, mấy chú cứu tôi đừng bỏ nó", bà Cúc lạnh rung nói lắp bắp - Ảnh: MINH HÒA


Hình ảnh bà cụ ở xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) xin cho mấy cái bánh chưng vì “hai ngày rồi không có chi ăn cả”, khiến người các nơi tiếp tục gói bánh chưng, bánh tét, cơm nắm... và hối hả mang về vùng lũ.

Nhưng hàng cứu trợ mấy ngày qua ùn ùn đổ về Quảng Bình và mắc kẹt lại trên các quốc lộ, vì không thể mang vào vùng bị ngập lụt nặng. Muốn vào các làng xóm bị lũ bao vây, cần phải có phương tiện đặc chủng.

Nước lớn, gió mạnh, chỉ có canô của công an, quân đội mới di chuyển được. Mà canô thì phải dành cho việc cấp bách cứu người trong vùng lũ, không thể đủ để vận chuyển hàng cứu trợ từ nơi xa mang đến. Vì vậy, đã có không ít thức ăn cứu trợ phải nằm chờ và hư hỏng. Cứu tế trong lúc lũ lên khó nhất vẫn là cách đưa thức ăn, nước uống đến nơi cần thiết.

Trước tình hình đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu bằng mọi cách phải đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân ở những chỗ khó khăn, chưa ai đến được, cần thiết thì huy động cả trực thăng. Đó là những nơi vẫn còn bị nước cô lập, lũ vẫn chảy xiết.

Đến nay mưa đã tạnh và nhiều nơi nước đã rút. Chỉ còn một vài "ốc đảo" như vùng rốn lũ An Thủy, Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) và một số khu vực thấp trũng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh còn bị cô lập. Chỉ những nơi này vẫn còn cần thức ăn liền như bánh mì, nước uống đóng chai, vì gạo, củi và bếp núc đã ướt hoặc trôi hết. Còn phần lớn vùng còn lại đã qua khỏi tình trạng nguy cấp.

Các phóng viên đang ở trong vùng lũ cho biết lúc này người dân nơi đó cần nhất là thực phẩm khô, chế biến sẵn (đồ hộp, cá thịt khô), nước uống đóng bình, thuốc men, đồ dùng gia dụng (đã bị trôi) và gạo. Mì gói thì đã quá nhiều và các loại thức ăn liền như bánh chưng, bánh tét, cơm nắm thì chỉ cần lúc còn ngồi trên nước lũ nguy cấp. Thời điểm "nước sôi lửa bỏng" đã qua, lúc này người dân vùng lũ rất cần sự cứu trợ thiết thực và hiệu quả.

Lũ rút, bày ra muôn vàn thứ cần thiết của người dân vùng lũ, trước mắt và cả lâu dài. Đó là phương tiện để họ tái thiết cuộc sống. Hãy giúp cho họ những vật dụng thiết yếu mỗi ngày như cái nồi, cái bếp, sửa lại mái nhà, áo quần, sách vở cho con cái đi học...

Nếu được hãy cho họ tiền mặt để họ tự mua, vì không thể biết ai đang thiếu món gì và hàng hóa cũng không thiếu do thị trường điều tiết rất nhanh đến nơi có nhu cầu.

Muốn biết cụ thể nơi nào, cần cứu trợ gì... cần nắm thông tin từ người dân và chính quyền vùng lũ. Vì thiếu thông tin nên những nơi ít bị thiệt hại lại nhận rất nhiều hàng cứu trợ, trong khi có nơi thiệt hại nặng nhưng không có hoặc rất ít.

 Cần phải chú ý đến cách thức và phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ, phải phù hợp với tình hình nước nôi của từng vùng. Người đi cứu trợ cũng rất cần phải an toàn mới có thể thực hiện được nhiệm vụ "lương tâm giao phó".

Từ lâu nay, cứ sau khi nước lũ rút là một "cơn lũ" của tình người dâng trào. Vì vậy, rất cần một sự điều phối kịp thời, chính xác và tận tâm.

Theo MINH TỰ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.