(GLO)- Tháng Tám. Gió heo may về. Trên các con đường làng, đường phố đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa. Từng dòng người như hối hả, hân hoan chào đón lễ Quốc khánh ngày 2-9. Giữa đất trời giao mùa chúng tôi về quê hương bác Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) để chứng kiến sự đổi thay là nhờ làm theo Đảng, theo lời bác Đồng dặn.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã để lại trong lòng nhân dân ta và bạn bè thế giới một tình cảm đặc biệt. Tình cảm đó, xuất phát từ cốt cách của một con người xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, có "tác phong giản dị mà lịch thiệp, lối sống đạm bạc mà văn hóa, rất mực ôn hòa, bình dị"- (Đó là câu nhận xét của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Người còn để lại trong lòng con cháu những câu nói bình thường mà thâm thúy để giữ mãi nguồn gốc, nếp nhà...
"Giữ nguồn nước trong..."
Khách tham quan nhà lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng trên quê hương xã Đức Tân. Ảnh: Trường An |
Trong những chuyến về thăm quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, sau khi thắp nén nhang tưởng niệm ông bà, thân phụ, bác Phạm Văn Đồng bao giờ cũng dành tình cảm đặc biệt để thăm hỏi người thân trong gia đình và bà con chòm xóm. Nhiều lúc bác kể chuyện xưa, nhớ về một thời tổng khởi nghĩa tháng Tám, dành chính quyền. Lúc đó là ngày 14-8-1945, tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ làng Thi Phổ Nhất, xã Đức Tân, rồi như cơn bão táp cách mạng bùng lên ở khắp xã, thôn trong toàn tỉnh, đạp đổ chính quyền phong kiến thực dân, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bác Đồng kể chuyện rồi dạy bảo: Chỉ có Đảng lãnh đạo, toàn dân tộc mới vươn lên giải phóng dân tộc, xây dựng nền độc lập mà thôi!
Trong câu chuyện của bác, nhiều người dân ở xã Đức Tân vẫn nhớ nhiều về truyền thống đấu tranh cách mạng, về giữ gìn cốt cách, nếp nhà. Ông Phạm Văn Hồng (87 tuổi)- là cháu của bác Đồng hiện còn khá minh mẫn, kể lại: "Có một lần về thăm quê, nhìn làng xóm, đồng ruộng quê nhà, chú Đồng bất ngờ hỏi: Giếng nước nhà mình còn dùng được không? Mọi người đều đồng thanh: Vẫn còn dùng tốt ạ! Chú bảo, đưa ra xem, rồi nhìn xuống giếng nước trong xanh, nói: Giếng nước còn khá trong. Nhà mình, bà con chòm xóm của mình hãy giữ sao cho trong, cho sạch như nguồn nước giếng này"... Câu nói ngắn gọn, giản dị mà thật thâm thúy.
Trong 7 người con của ông Hồng giờ đã trưởng thành và công tác ở mỗi nơi khác nhau. Nhưng dù ở đâu và làm gì cũng đều nhớ đến nếp nhà của mình mà sống, làm việc, dạy dỗ con cháu...
Chăm lo cho thế hệ trẻ
Trong những chuyến về thăm quê, bác Đồng nhắc nhở địa phương cùng bà con chòm xóm quan tâm chăm lo cho lớp trẻ, nhất là thế hệ mầm non. Thực hiện lời bác, nhiều năm rồi ngành giáo dục huyện Mộ Đức đã tập trung kinh phí xây dựng trường lớp khang trang để con em đến trường có nơi học tập vui chơi. Còn đối với đội ngũ giáo viên, thì luôn trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Mỗi người, mỗi thành viên trong ngành giáo dục đã phát huy sức sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm của mình để làm tốt công tác giáo dục cho các em.
Ông Phạm Hồng Thái cháu của bác Đồng chỉ giếng nước, nơi Bác từng dặn dò "giữ nếp nhà như nguồn nước trong ở giếng này". Ảnh: Trường An |
Với đội ngũ giáo viên cấp 1 thì uốn nắn cho các em từng con chữ, từng cách trình bày bài viết, giáo dục cho các em học tập, vui chơi nhằm giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ ngay từ năm học đầu đời. Đó là bài học đầu tiên góp phần hình thành nhân cách con người. Và đó cũng là nền tảng để các em dễ dàng tiếp nhận một lượng kiến thức lớn ở bậc học cấp 2, cấp 3. Hơn ai hết, những người con trên quê hương bác Phạm Văn Đồng thấm thía lời bác dăn. Cô giáo Võ Thị Tùng là người cháu dâu của bác cô đã có thâm niên hơn 30 năm dạy cấp 1. Trong đó, có hơn 20 năm trực tiếp dạy lớp 1. Một lớp học đặc biệt đòi hỏi người giáo viên phải đóng vai trò như một người mẹ, người chị, người bạn và cả người thầy.
Cô giáo Tùng bộc bạch: Đảm nhiệm lớp học này khá vất vả. Các em giống như một tờ giấy trắng tinh khôi. Có em thì đến lớp học mang dép trái, cầm bút tay trái, đang học bỗng dưng reo lên, hay nô đùa nghịch ngợm trong lớp. Hiểu được tính cách của các em, ngay từ đầu năm học mình phải xây dựng một nền nếp của lớp học. Rồi bắt đầu chỉ cho các em cách cầm bút, ghi chép, tập đọc, làm bài tập... Ngoài đảm nhiệm dạy văn hóa 8 môn thì còn dạy cho các em sự phép tắt làm người. Đi, về nhà gặp người lớn, cha mẹ phải biết thưa trình...
Trong lớp học đâu phải em nào cũng có điều kiện để học hành như nhau. Có những em vì hoàn cảnh còn nghèo khó, cha mẹ cứ phó thác cho nhà trường, thầy cô. Có nhiều em ngày tựu trường không có dép, quần áo mới, sách vở để học. Như trường hợp của cháu Trần Thị Thanh Truyền thôn 1 xã Đức Tân. Hai chị em sinh đôi, học cùng một lớp, hoàn cảnh gia đình lại nghèo, không có cha, mẹ lấy chồng khác. Hai em phải ở với bà ngoại... Cô giáo Tùng phải đi vận động đồng nghiệp quyên góp mua quần áo mới cho các em. Cô còn báo với nhà trường hỗ trợ cho các em sách vở học tập...
Cứ hết lớp đến lớp, cô giáo Tùng chẳng khác gì một người đưa đò, cứ lặng lẽ "rẽ sóng" chăm chút từng bước đi, con chữ cho các em chập chững bước vào đời. Giờ đây, cô sắp nghỉ hưu, nhưng trong năm học mới 2012 - 2013, nhà trường lại tiếp tục phân cho cô chủ nhiệm lớp 1. Cô không ngần ngại đảm nhận, bởi tiếng bi bô, tập đọc, tập viết cho các em đã đi vào tiềm thức của một người già dặn kinh nghiệm. Cô đã để lại trong lòng của đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và các em một hình ảnh của người cô, người mẹ hết lòng vì bọn trẻ. Còn cô đã thực hiện được lời bác Đồng của mình dạy trong sự nghiệp trồng người...
Cứ qua mỗi năm học đã có nhiều giáo viên dạy giỏi, tương ứng với học sinh giỏi các cấp. Năm học 2011-2012, xã Đức Tân có hơn 1.000 học sinh thì có 22 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 73 em đạt học sinh giỏi cấp huyện; 188 em đạt học sinh giỏi cấp trường và 52 cháu đạt bé ngoan xuất sắc.
Bây giờ về thăm quê bác Đồng đi trên con đường thảm nhựa, trên những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt ôm lấy những con đường làng đã bê tông chúng tôi hiểu hơn người dân Đức Tân đã làm theo lời bác Đồng dạy, cố gắng xây dựng quê hương mình ngày càng tốt đẹp hơn...
Trường An