Tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế ở Đắk Lắk đang tái diễn, người dân "đỏ mắt" đi mua thuốc bên ngoài vì nhiều cơ sở y tế khan hiếm nguồn cung, không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Đi 6 cây số tìm mua thuốc
Bà N.T.V. (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Người thân của tôi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhưng bác sĩ thông báo không còn thuốc, kê đơn, yêu cầu tôi ra ngoài mua cho bệnh nhân. Tôi đã hỏi rất nhiều quầy thuốc xung quanh và trong bệnh viện nhưng hết sạch hàng. Vậy là tôi phải chạy hơn 6km đi tìm, rất khó nhọc. Biết là tình trạng thiếu thuốc đã xảy ra cả năm nay nhưng không ngờ đến cuối năm rồi vẫn còn tiếp diễn".
Cùng chung tâm trạng, ông N.V.H.(huyện Cư Mgar) chán nản nói: "Tôi 3 ngày nay lặn lội từ huyện đến tỉnh vẫn chưa mua được thuốc điều trị bệnh tiểu đường cho người thân. Đi tới 3 quầy thuốc cả trong lẫn ngoài bệnh viện đều không còn hàng. Một căn bệnh phổ biến như tiểu đường mà còn khan hiếm hàng điều trị thì không biết những bệnh nan y khác thì sẽ như thế nào nữa".
|
Tình trạng thiếu thuốc đang xảy ra cục bộ tại Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung |
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thừa nhận đơn vị thiếu một số loại thuốc điều trị nên bệnh nhân hoặc người thăm nuôi phải ra ngoài mua. Tình trạng này xảy ra với bệnh nhân điều trị ngoại trú. Quầy thuốc của bệnh viện không được phép mua thuốc tự do giống quầy thuốc tư nhân, mà phải mua đúng theo giá thầu nên thiếu một số mặt hàng thuốc.
Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk nhận định: “Bà con phản ánh thiếu thuốc là đúng. Hiện ngành y tế tỉnh vẫn kiểm soát được tình hình nhưng có một số thiệt thòi đối với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Đơn vị đã báo cáo tình và và có những kiến nghị gửi đến Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc”.
Sẽ còn kéo dài
Tháng 12.2022, Sở Y tế Đắk Lắk gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh và chỉ ra, gói đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương năm 2022-2023 đã thực hiện được 70 đến 80% công việc đấu thầu.
Tuy nhiên, sở dự đoán có thể số lượng các mặt hàng chỉ trúng được khoảng 30 đến 40% vì giá quá thấp. Nhiều công ty không tham gia, hoặc có tham gia nhưng không trúng thầu.
Gói đấu thầu thuốc cấp địa phương được giao cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện. Có quá nhiều mặt hàng rớt thầu hoặc không có nhà thầu tham gia.
Các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc cấp cứu không có hoặc có rất ít nhà thầu tham gia vì số lượng ít, giá kế hoạch thấp, chi phí vận chuyển cao. Do đó, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
|
Đấu thầu thuốc đang là vấn đề nan giải của cả ngành y tế tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung |
Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng: Mỗi một mặt hàng thuốc là một gói thầu, khi xét thầu có tới 15 tiêu chí kỹ thuật phải rà soát. 100% các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh phải thực hiện công tác đấu thầu thuốc, gây ra rất nhiều lãng phí và bất cập.
Như Lao Động đã thông tin, sau vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014-2015 và đã có hai cán bộ chính thức xin nghỉ việc. Vì vậy, Sở Y tế không có nhân lực là công chức có chuyên môn về Dược, tham gia công tác đấu thầu. Toàn bộ 3 nhân sự nắm mảng này là viên chức được điều động biệt phái từ các cơ sở y tế trực thuộc Sở. Các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm lâu năm về đấu thầu đều đã nghỉ việc. Nhân lực được điều động tạm thời về Sở Y tế đều là người mới. Họ chưa có kinh nghiệm tham gia đấu thầu, số lượng điều động cũng hạn chế vì phải tập trung cho công tác đấu thầu đối với danh mục cấp cơ sở do chính cơ sở y tế đó đấu thầu. Ngoài ra, liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014-2015, sau khi khởi tố hình sự, nhiều cán bộ tham gia trực tiếp vào công tác đấu thầu những năm vừa qua bị bắt tạm giam. Các cá nhân đang thực hiện công tác đấu thầu năm 2022 có liên quan đến vụ án trên cũng bị triệu tập điều tra, không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện công tác đấu thầu. |
Theo Bảo Trung (LĐO)