(GLO)- Căn nhà của bác Nguyễn Văn Trường (biệt danh là Bônh) ở số 15 đường Trần Bình Trọng, phường Diên Hồng, TP. Pleiku khá cũ kỹ và đơn sơ. Bác đang ở cùng với đứa cháu nội sau khi bác gái qua đời. Cảnh người già đơn độc kể cũng buồn, tuy rằng bác cũng có con cháu đề huề ở gần nhưng không thích chung chạ cùng anh-chị nào; ở vậy cho nó được “độc lập-tự do”, bác muốn thế.
Bác kể, hồi tổ chức phân công bác vào Nam lúc còn là chàng trai 17 “bẻ gãy sừng trâu”. Số người Nam tiến từ sau độc lập đến giờ như bác Trường ở Tây Nguyên không còn mấy ai. Đúng là “Người ra đi đầu không ngoảnh lại...”-như câu thơ Nguyễn Đình Thi đã viết, suốt hai cuộc trường chinh đằng đẵng bác chưa được một ngày ngơi nghỉ để trở về thăm quê nhà-vùng đất cổ kính Hà Đông-Hà Tây xưa (nay là Hà Nội). Mãi sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975) bác cùng vợ con đoàn tụ mới có dịp trở lại quê cha đất tổ. “Ngày trở về, biết bao buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình còn sống trở về với gia đình; buồn vì bố đã mất, mẹ đã già, em trai đã hy sinh...”-bác tâm sự.
Ảnh: Đức Thụy |
Tháng 8-1948, trong đội quân tình báo về Tây Nguyên sau khi quân đội viễn chinh Pháp trở lại xâm lược miền Nam lần thứ hai có bác Trường. Địa bàn hoạt động của cánh tình báo bấy giờ là Khu V khá rộng nhưng chủ yếu là tỉnh Gia-Kon (Gia Lai và Kon Tum ngày nay). Tuy tổ chức đảng đã hình thành ở địa phương từ cuối năm 1945 nhưng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tình hình ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia-Kon nói riêng còn rất phức tạp; địch mở đồn bốt dày đặc khắp nơi, án ngữ những cửa ngõ quan trọng; lực lượng ta bấy giờ còn rất mỏng, một bộ phận lại phải di tản về đồng bằng để bảo toàn lực lượng; khí tài, vật lực thiếu thốn trăm bề. Bên cạnh nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình của địch trong nội địa phục vụ cho công tác đấu tranh trên các mặt trận nhằm làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, các chiến sĩ tình báo lúc bấy giờ còn tham gia cùng với các tổ chức kháng chiến ở địa phương xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, vận động công nhân các đồn điền, nhân dân trong vùng tạm chiếm tham gia kháng chiến, giúp đỡ Việt Minh...
Năm 1949, tình hình có những chuyển biến tích cực, trên các mặt trận, địch đã thất bại trong chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh, chúng giở thủ đoạn chính trị như trao trả độc lập giả hiệu cho Nam Kỳ, đưa Bảo Đại trở về Sài Gòn để lập chính phủ bù nhìn thân Pháp... Chúng ta chủ trương bước vào giai đoạn cầm cự chiến lược và bắt đầu phản công đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Ở Gia-Kon, phong trào quần chúng cơ sở có những chuyển biến thuận lợi, một số khu căn cứ cách mạng được hình thành, các lực lượng du kích, bộ đội địa phương đã có bước phát triển khá. Khoảng tháng 7-1949, tình báo ta, trong đó có bác Trường kết hợp các cơ sở cách mạng ở Kon Tum tổ chức giải thoát đưa đồng chí Dương Bạch Mai, nhà cách mạng bị Pháp giam lỏng ở Kon Tum về Liên khu V an toàn. Sau đó, bác Trường và một số đồng đội được phân công về xây dựng cơ sở ở đồn điền Đak Đoa vùng Plei Kon-một huyện mới thành lập (vùng Đak Đoa, Mang Yang bây giờ).
Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Gia Lai , bấy giờ huyện Plei Kon lấy La Bà làm căn cứ kháng chiến, sau đó xây dựng làng Kon Krinh Sơmat-Đê Kơtôn lớn (xã Hà Đông) nối liền với các làng: Đê Kôn-Bokrei-Đê Gia (xã Bắc Đak Đoa) làm vùng đứng chân khá vững chắc của các lực lượng huyện. Đến cuối năm 1950 đầu năm 1951, phong trào phát triển khá mạnh, từ Kon Krinh Sơmat tới La Bà trở thành khu căn cứ đấu tranh vũ trang nối liền với vùng căn cứ huyện Kon Plông, vùng Nam-Bắc Đak Đoa, Hà Đông là vùng bàn đạp, nơi đứng chân của các đội vũ trang tuyên truyền, các lực lượng hoạt động phía trước.
Về với vùng đồng bào Bahnar, nơi có truyền thống cách mạng, bác Trường tuy có yên tâm hơn nhưng cũng luôn cảnh giác với bọn tề điệp rình rập, bắt bớ cán bộ cơ sở của ta. Trong số dân làng có cảm tình với cách mạng lúc đó, bác Trường hay thường xuyên liên lạc với Bok Wừu, người làng Đê Đoa, xã Đak Đoa. Đó là con người hiền lành, chân thực và nhiệt tình, hoạt động hết sức năng nổ, đã có vợ con ở cùng làng. Trong một lần gặp nhau ở rừng Đê Tul, vì có cảm tình đặc biệt với Bok Wừu, tổ công tác đề nghị để Bônh tức Trường) kết nghĩa với Bok Wừu và Bok vui vẻ đồng ý. Một đêm sau đó, cũng tại cánh rừng Đê Tul này, Bok Wừu đã bí mật mang ra l ché rượu cần, l con gà trống để làm lễ nhận con nuôi theo phong tục người Bahnar. Lúc này, Bok Wừu đã gần 45 mùa rẫy còn Bônh mới ngoài 20 tuổi, còn như con chim phí rong ruổi khắp đại ngàn, chưa có đôi có bạn. Máu gà đã thoa, rượu thề đã uống và Yàng đã chứng kiến, công nhận sự gắn kết cha con giữa Bok Wừu và Bônh trong sự vui mừng của đồng đội và dân làng Đê Đoa. Từ giây phút ấy, cán bộ Bônh cảm thấy mình như được chắp thêm cánh, gắn bó hơn với núi rừng và buôn làng Tây Nguyên.
Còn Bok Wừu từ ngày có thêm đứa con nuôi là cán bộ Việt Minh thì bụng càng phấn khởi, hoạt động cách mạng càng hăng hái hơn. Tình cảm cha con từ đó gắn bó và thường xuyên gặp gỡ, tâm sự và trao đổi công việc của tổ chức giao. Những năm ấy, tình hình sản xuất gặp không ít khó khăn do địch bố ráp gắt gao, tuy vậy, đồng bào ở các buôn làng sẵn sàng ăn khoai mì nhường cho cán bộ cách mạng những gói cơm, hạt gạo ít ỏi. Mặc dù gia đình còn thiếu thốn nhưng Bok Wừu luôn dành tình cảm cho Bônh-vì nó hoạt động cách mạng vất vả, nên khi thì ít gạo, muối, khi thì miếng thịt trâu của làng... đem ra rừng cho con nuôi ăn. Nhiều lần, thịt để lâu ngày đã ôi (đồng bào rất quý) Bok Wừu lặn lội đem đến cho Bônh. Tuy không ăn được nhưng hiểu được nỗi lòng của người cha nuôi nên Bônh không nỡ từ chối...
Gắn bó với người cha nuôi được hơn 2 năm, đến hè năm 1951, bác Trường lại nhận nhiệm vụ mới-về Trung đoàn 120, đang đóng quân tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Cha con ngậm ngùi chia tay nhau và hẹn ngày tái ngộ khi đất nước sạch bóng quân thù. Bônh cảm thấy tự hào và yên tâm hơn khi thấy cha nuôi mình có nhiều tiến bộ trong hoạt động cách mạng, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng du kích. Tuy địa bàn hoạt động có ngăn sông cách núi nhưng cha con cũng thường thông tin liên lạc với nhau.
Khi nghe tin Bok Wừu mấy lần bị địch bắt, Bônh hết sức lo lắng, đứng ngồi không yên, nhưng sau đó rất vui khi biết Bok đã may mắn trốn thoát được. Cũng trong năm 1951, ta bắt sống được tên Wit-Đồn trưởng Đồn Đak Đoa khét tiếng gian ác và giải về Trung đoàn 120 để giam giữ, thẩm vấn. Chính Bônh cùng anh Tô Xuân Chương (Phó tiểu ban Bảo vệ E120) là người được Trung đoàn giao nhiệm vụ khai thác tên Wit. Vì sơ suất trong việc canh phòng, giam giữ (vì bấy giờ, bộ đội còn ở trong nhà dân nên không có nơi giam giữ tù binh), tên Wit đã thừa cơ trốn thoát về lại Đak Đoa. Để trả thù những người kháng chiến, Wit kết hợp với tên Thông, cán bộ Công an của ta đầu hàng địch đã lùng sục, truy bắt cán bộ cơ sở đang hoạt động bí mật. Chúng đã bắt và giết nhiều cán bộ của ta gây thiệt hại lớn cho cơ sở ở Đak Đoa bấy giờ. Bok Wừu cũng bị địch bắt lần thứ ba. Chúng cắt tai, mũi, chặt 10 đầu ngón tay. Biết không thể thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, Bok đã lập mưu dẫn dụ địch lọt vào tuyến phòng thủ của ta, hàng chục tên lính Pháp bị sập hầm chông gây nhiều thương vong. Biết bị mắc lừa, địch điên cuồng sát hại Bok Wừu.
Bok đã anh dũng hy sinh bên con suối Đak Pkei trên chính mảnh đất quê hương mình. Nghe tin cha nuôi mình bị địch sát hại, Bônh cảm thấy như có tiếng sét bên tai. Vì tình hình không thuận lợi và đường xa cách trở, Bônh không thể về viếng người cha nuôi kính yêu. Mãi sau này có điều kiện Bônh mới trở lại làng Đê Đoa thăm viếng người cha quá cố và gia đình. Bok Wừu mất để lại 4 anh chị là con ruột và người vợ thứ hai (người vợ đầu đã mất khi Bok chưa hy sinh). Năm 1959, có Nghị quyết 15 Bộ Chính trị ra đời, Bônh đã vận động, thuyết phục đưa các anh chị em-con Bok Wừu đi thoát ly, ra miền Bắc học tập để sau này trở về phụng sự quê hương, nhưng thất bại. Các anh chị lấy lý do là ở nhà lao động để nuôi mẹ già; vả lại đi xa nhớ làng, nhớ rừng cái bụng không yên...
Sau khi Mỹ lại thay chân Pháp xâm lược nước ta, tổ chức lại phân công bác Trường cùng 134 đồng đội ở lại bám trụ chiến trường Gia Lai cùng đồng bào địa phương trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quyết định hy sinh để sống mái với kẻ thù mới, bác Trường cùng đồng đội ở lại, nằm gai nếm mật trên chiến trường Gia Lai, trong khi đó vợ con bác lại tham gia hoạt động ở vùng Bình Thuận-Lâm Đồng. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, các thế hệ đều ra trận với quyết tâm “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn...” cũng phải đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và người con trai đầu của bác Trường cũng đã tiếp bước cha anh đánh Mỹ. Thế là cha ở đầu non con cuối bể, cùng là đồng chí chung câu quân hành...
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bác Trường đã cùng đồng đội cũ ra sức vận động chính quyền địa phương chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là những người có công với nước. Riêng với Anh hùng Wừu, đến nay, tỉnh Gia Lai và huyện Đak Đoa đã tổ chức hội thảo về công trạng của người anh hùng này trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời lập dự án và tiến hành xây dựng tượng đài, cùng khu lưu niệm Anh hùng Wừu trên chính quê hương Bok đã chiến đấu và hy sinh. Đây là niềm vui lớn, niềm tự hào không riêng gì của bác Trường-người con nuôi, người đồng chí của Bok Wừu mà của cả đồng bào của buôn làng Tây Nguyên.
Bùi Quang Vinh