Vùng đất ấy có nếp rèn cặp người, những “đối tượng” cỡ như Thị Kính…
Miền đất cổ ấy nay đang được đeo một cái tên… mới toanh!
Tôi đang nói về vùng đất Bồng gồm làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ, nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bờ Bắc sông Mã.
Tên gọi “Trung”, “Thượng”, “Hạ” để phân biệt vị trí của làng theo cách định vị bởi ba làng Bồng cùng định cư ở bờ Bắc sông Mã.
Bồng Trung - Thượng - Hạ nói riêng cũng như huyện Vĩnh Lộc, vùng đất ấy đã có con người cư trú từ rất sớm, cách ngày nay khoảng 6.000-7.000 năm mà hạt nhân là địa danh văn hóa Khu di chỉ Đa Bút.
Các làng Bồng được tạo dựng vào khoảng thế kỉ XIV và được tái lập vào đầu triều Lê. Ba làng Bồng xưa có tên là làng Đông Biện (Bồng Trung- Vĩnh Tân), làng Biện Hạ, thuộc Vĩnh Minh. Và làng Biện Thượng (thuộc Vĩnh Hùng bây giờ).
Những địa giới hành chính, tên gọi của huyện, xã có thể thay đổi nhưng tên gọi của ba làng Bồng không thay đổi.
Bồng Trung nổi tiếng là đất học của xứ Thanh, vùng đất này xưa kia được tiền nhân xếp ngang với các vùng đất học nổi tiếng của Kinh Bắc, của nam sông Hồng, sông Cả. Chả thế mà có câu:
“Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện
Nghệ Đông Thành, Thanh Đông Biện”
Sử ghi rõ Đông Biện triều Lê có cụ Đỗ Thiện Chính đậu Hoàng giáp và 8 Hương cống (cử nhân). Triều Nguyễn có cụ Tống Duy Tân đậu tiến sĩ, cụ Đỗ Thiện Kế đậu phó bảng và 31 cử nhân.
Bồng Hạ trước đây gồm hai thôn: Thị thôn và Lại thôn. Năm Khải Định thứ 10 (1925), hai thôn nhập lại thành Bồng Hạ. Năm 1946 chính quyền mới đổi thành Vĩnh Minh.
Vùng đất Bồng nằm ở vùng trung lưu châu thổ sông Mã. Có vị trí địa lí “đắc địa”, cảnh quan thiên nhiên đẹp, điều kiện tự nhiên môi trường tương đối thuận lợi cho việc định cư lâu dài và hoạt động sản xuất công - nông - nghiệp. Làng cổ Bồng Trung nằm ở vị trí thuận lợi trên đường giao thông thủy bộ nối liền với các trung tâm kinh tế, chính trị của huyện và tỉnh nên đây sớm trở thành một cơ sở giao lưu buôn bán. Bồng Trung thời đó còn được gọi là “phố Bồng” nổi tiếng với chợ Bồng. Tại chợ Bồng có buôn bán nhiều gạo, bông và các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay vẫn còn truyền câu ca dao:
“Mưa từ trong Nghệ mưa ra
Mưa khắp thiên hạ mưa qua Báo Bồng
Gạo chợ Bồng ai đong cho xiết
Con gái Đông Biện ai biết cho thông”
Người làng Bồng siêng năng, tháo vát. Làm ruộng. Lại thạo việc buôn bán. Thạo cả nghề dệt, nghề làm hương, làm bánh, làm hàng xáo, ép dầu…
Chùa Báo Ân (làng Báo) và Đình làng Bồng Trung là nơi thường trú và thường xuyên lui tới của các lãnh tụ và nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của ông nghè Tống Duy Tân. Tên gọi đình Bồng Trung gắn với tên của làng. Đình Bồng Trung ngoảnh hướng Nam, phía trước là con đê sông Mã, phía sau và hai bên tả hữu là làng xóm. Đình nằm ở trung tâm xã Vĩnh Tân và là trung tâm của “Phố Bồng” xưa.
Kiến trúc đình làng Bồng Trung tiêu biểu cho kiểu đình làng thời Nguyễn. Đình gồm 5 gian, 16 cột cái, 10 cột quân (bằng gỗ lim). Vì kèo được trang trí hổ phù và lá cúc cách điệu.
Đình Bồng Trung là nơi tế cờ khởi nghĩa Hùng Lĩnh, nơi diễn ra hội nghị văn thân toàn tỉnh, đồng thời gắn liền cuộc đời và sự nghiệp của các nhà yêu nước Tống Duy Tân, Đề đốc Lê Điếm…
Hiện hậu thế đang có tấm ảnh thờ chí sĩ yêu nước Tiến sĩ Tống Duy Tân. Có được tấm hình quý giá ấy là cả một cơ duyên may, lạ! Chuyện biên ra thì dài. Nhưng đại để một đêm nọ, vị thủ từ đình được báo mộng rằng ngày mai nhớ phải coi sóc vị trí chân bài vị cụ Tống Duy Tân kẻo mối mọt. Vị thủ từ đâm băn khoăn. Thì lâu nay việc coi sóc quét tước luôn được tuân thủ nghiêm cẩn nơi thờ tự các đấng thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đâu có xảy ra sao nhãng sơ suất gì? Nhưng theo lời báo mộng, cụ vẫn soát xét lại kỹ càng lần nữa. Và rồi, một sự lạ đã xảy ra, giữa tấm lót bài vị có một vật được phong kín bằng tấm vải đen rất mỏng. Cẩn trọng lần gỡ thì đó là một tấm ảnh đen trắng đã mốc. Ảnh chứ không phải bức họa hay tranh. Tấm hình chân dung thủ lĩnh Cần vương Tống Duy Tân (coi ảnh đăng kèm bài) nay đã được công phu phục chế lại!
Cũng có nghe rằng tấm ảnh ấy, một hậu duệ của thủ lĩnh Cần Vương Đinh Công Tráng đã bí mật ký thác ở đình làng Bồng?
Năm 1988, tôi được theo nhà văn Nguyễn Khải về Thanh Hóa. Chứng kiến nhà văn vui mừng gặp lại ông Lê Huy Ngọ khi ấy mới về nhậm chức Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Thì ra họ có quen biết từ trước. Anh cán bộ trung cấp nông nghiệp Lê Huy Ngọ là nguyên mẫu nhân vật trong một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải năm xa.
Rồi nhà văn Nguyễn Khải nèo đưa ông về làng Bồng Trung. Và ông đã tới dâng hương ở Đình này. Hóa ra cụ thân sinh nhà văn Nguyễn Khải là Tri phủ Mỹ Lộc thuộc đời thứ 34 họ Nguyễn làng Bồng Trung này!
Làng Bồng Thượng (Làng Báo) mé trên Bồng Trung một tẹo. Bồng Thượng là quê ngoại của nhà văn Thanh Châu.
Môn đăng hộ đối. Chủ nhân một cơ ngơi của làng Bồng Thượng đã thành thông gia với một cụ lớn họ Ngô đất Nghệ An của triều Nguyễn thời Thành Thái.
Cậu bé Ngô Hoan sau này lấy tên là Thanh Châu khi bắt đầu viết cho tờ Tiểu thuyết thứ bảy năm 1934. Thanh Châu, cái tên có cái hơi hướng xứ Hoan Ái.
Thời gian học ở Hà thành và viết cho các báo, Thanh Châu vẫn thường xuyên đi về quê ngoại Bồng Thượng. Sau này được ông Đặng Văn Hỷ (sau là Chánh án Tòa tối cao) rủ rê. Mới đầu là tâm giao thơ phú sau là giác ngộ cách mạng. Nhân vật cộm cán của Chiến khu cách mạng Ngọc Trạo Đặng Văn Hỷ khoái những của Thanh Châu lắm. Bảo nó có hơi hướng cần lao. Vì thế sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn Thanh Châu được ông giới thiệu đảm chức Chủ tịch UBHC kháng chiến làng Bồng Thượng. Khi ấy làng mang tên mới Hùng Lĩnh.
Nhiều người ví hội nghị năm 1886 tại đình Bồng Trung (ảnh) như hội nghị “Diên Hồng” tỏ rõ quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Ảnh: Khánh Lộc |
Rồi Thanh Châu được rút lên huyện Vĩnh Lộc làm công tác thanh niên. Sải chân của người cán bộ Đoàn ấy dài rộng hơn với kháng chiến.
Thanh Châu vào Vệ quốc Đoàn làm ở tờ Vệ Quốc quân. Sau 1954 về làm tờ báo Văn rồi Văn Nghệ.
Cũng nói thêm, từ năm 1946 đến năm 1954, các xã trong huyện có sự sáp nhập chia tách và đặt tên bắt đầu từ chữ “Vĩnh” với 14 xã có tên gọi như hiện nay.
Làng Bồng Trung có tên là Vĩnh Tân. Bồng Thượng (làng Báo) tên gọi là Vĩnh Hùng. Bồng Hạ tên Vĩnh Minh.
Năm 1977, Hội đồng Chính phủ đã tiến hành hợp nhất hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành thành huyện Vĩnh Thạch.
Rồi nữa, năm 1982 lại có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng tách huyện hợp nhất Vĩnh Thạch thành 2 huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành như tên gọi ngày nay.
Tên huyện thay đổi. Nhưng may mắn tên gọi Bồng Báo (Thượng Trung Hạ) những Vĩnh Minh, Vĩnh Tân, Vĩnh Hùng không bị hề hấn đụng chạm gì!
Nhưng bây giờ mọi sự đã khác!
Bồng Trung Bồng Hạ, gồm 2 xã Vĩnh Tân, Vĩnh Minh đã mang một cái tên khác do hai xã ấy nhập làm một. Đặt tên mới là xã Minh Tân.
Tiến sĩ Tống Duy Tân |
Dịp hai xã nhập làm một mang tên mới Minh Tân, ngồi với mấy nhà chức việc, tôi được họ truyền cho một thông điệp hỉ hả lẫn hào sảng rằng “Tân” là mới. “Minh” là sáng! Vừa sáng lại vừa mới! Nghe oách không nhà báo?
Nghe vậy thì biết vậy.
Chả hiểu sao cứ có cảm giác chờn chợn, chuê chuế thế nào?
Vĩnh Minh có một thứ vưu vật là sừng sững một rặng đá vôi hùng vĩ có tên là Bông Hang soi mình xuống dòng sông Mã trong xanh. Và những bờ bãi rờn xanh mầu mỡ châu tuần ven sơn thạnh.
Sơn thạch Bông Hang ấy bao đời là tiền án của Phủ Trịnh ở Bồng Thượng, nơi các vị Chúa Trịnh đặt hành cung điều hành coi sóc đất nước dằng dặc suốt 249 năm của chế độ Lưỡng đầu chế độc đáo của Đại Việt.
Lứa tuổi thơ tôi từng chứng kiến bầy khỉ nhảy nhót nô đùa trên rặng đá xanh chắc khừ cùng bầy vẹt xanh lẫn chim cu ghì.
Hậu chẩm - chiếc gối của Phủ Chúa tạo nên thế phong thủy đắc địa an lành chính là dãy Hùng Lĩnh, nơi nghĩa binh Cần vương của Tống Duy Tân cầm cự với giặc Pháp.
Đình làng Bồng Trung, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), Thanh Hoá Ảnh: Khánh Lộc |
Xót xa thay, vị trí tiền án - hệ thống sơn thạch nhiều năm nay tan hoang lở loét vì việc khai thác đá. Khỉ, vẹt, chim cu rừng đã biến mất từ lâu.
Tân nghĩa là mới. Vẫn mới toang mới tinh việc khai thác đá bừa bãi để cung đốn cho hàng trăm cơ sở chế biến đá giăng khắp xã Vĩnh Minh nay có tên mới là Minh Tân này! Âm thanh mìn nổ cùng hàng ngàn động cơ xẻ, cắt, chuốt đá gào rú suốt ngày đêm. Hàng trăm hình nhân - lao động làm đá mờ ảo trong làn bụi đá, thứ mịn, thứ thô chui sâu đến các ngóc ngách phế nang phổi!
Mới đây nhất, hàng chục nhà dân ở khu vực núi Bền (xã Minh Tân) đã phải đồng thanh gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng vì những vụ nổ mìn khiến đá văng tứ tung làm vỡ ngói, hỏng mái tôn. Đến mức sáng 29/3, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở ngành liên quan đã phải đến tận nơi kiểm tra hiện trường vụ nổ mìn phá đá. Thủ phạm là một Công ty cổ phần từng được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác đá từ ngày 30/9/2015. Mỏ này tại khu vực núi Bền (xã Minh Tân) với diện tích mỏ là 35.000 m2, trữ lượng hơn 1 triệu m3, công suất là 34.000 m3/năm, thời gian khai thác là 30 năm.
Nạn khai thác đá ở Núi Bền (Xã Minh Tân) cận kề với Khu thắng cảnh Kim Sơn |
30 năm! Đó mới là một công ty thôi. Còn nhiều công ty khai thác đá tầm cỡ khác đương đứng chân trên địa bàn xã Minh Tân.
Hoang mang! Nhưng vẫn có quyền phập phồng rằng, với cái tên mới, một quá vãng ấm áp, sự yên hàn sẽ trở lại với vùng đất cổ Bồng Trung, Bồng Hạ?