Ngôi làng tỉ phú trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 2 giờ băng rừng, lội suối, chúng tôi đã đặt chân đến vùng thủ phủ trồng Sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), ở độ cao hơn 1.200m. Ở đây, có những tỉ phú chân đất giữ rừng để bảo tồn Sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn Sâm Ngọc Linh. Trong ảnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan vườn sâm giống của người dân Nam Trà My. Ảnh: Hoàng Bin

Quảng Nam khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn Sâm Ngọc Linh. Trong ảnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan vườn sâm giống của người dân Nam Trà My. Ảnh: Hoàng Bin

Cây xóa nghèo ở vùng cao

Ông Hồ Văn Du (60 tuổi) ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là 1 trong những hộ dân tiên phong thực hiện mang giống Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên về trồng tại vườn nhà.

Đến nay, ông đã có hơn 15 nghìn gốc sâm từ vài năm đến 10 tuổi. Thu nhập từ cây Sâm Ngọc Linh giúp gia đình ông Du thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, có của ăn của để và trở thành tỉ phú.

“Trước đây, bà con tìm được sâm trong rừng thì bán đi hết, sâm tự nhiên ngày một khan hiếm. Bây giờ, bà con biết trồng lại. Hộ nào giàu thì giúp đỡ cây giống cho hộ nghèo. Tiền mình xây nhà mới hơn 1 tỉ đồng cũng là nhờ cây sâm đấy. Bà con gọi Sâm Ngọc Linh là cây xóa đói giảm nghèo” - ông Du hồ hởi kể.

Những năm qua, mô hình hỗ trợ sâm giống giúp nhau xóa đói giảm nghèo lan tỏa ở xã vùng cao Trà Linh. Thôn nào có nhiều diện tích đất trồng sâm thì hỗ trợ đất, cây giống cho những thôn xa khó khăn, chưa có đất trồng sâm. Đến nay, toàn xã 100% hộ dân đều trồng sâm và cây dược liệu dưới tán rừng.

Nhiều năm trước, hộ anh Hồ Văn Dân (35 tuổi) thuộc diện nghèo khó nhất ở xã Trà Linh. Nhờ sự giúp đỡ về cây con, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm giống từ các hộ dân khá giả và chi bộ thôn. Đến nay, gia đình anh Dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

“Năm ngoái, tôi thu hoạch được 15kg lá sâm, 10 lon hạt sâm, bán ra được 1 tỉ đồng. Tôi rất phấn khởi” - anh Hồ Văn Dân chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, toàn huyện có 7 xã trồng Sâm Ngọc Linh với diện tích tăng từ 65ha (110 hộ dân trồng) vào năm 2014, đến nay đã hình thành 93 chốt trồng sâm, hơn 1.650ha đăng ký trồng (hơn 1.500 hộ trồng).

Số hộ nghèo cuối năm 2022 là 3.609 hộ, đã giảm 721 hộ so với năm 2021 (tương ứng với giảm 10,55%). Nhiều đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng đã vươn lên trở thành tỉ phú nhờ trồng Sâm Ngọc Linh.

Nâng tầm thương hiệu Sâm Ngọc Linh

Tháng 6.2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My với tổng diện tích hơn 15.500ha. Đồng thời, ban hành các cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn, phát triển các loại dược liệu và Sâm Ngọc Linh quý hiếm.

Theo UBND huyện Nam Trà My, mỗi hécta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 - 50 tỉ đồng. Cây Sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trồng sâm mang lại “lợi ích kép”, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ môi trường bền vững. Muốn phát triển cây dược liệu thì đòi hỏi phải bảo tồn rừng, vì đặc thù của cây dược liệu là nằm dưới tán rừng. Do đó, vừa phát triển được cây dược liệu, vừa bảo vệ được tài nguyên rừng.

Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 do huyện Nam Trà My, Quảng Nam tổ chức đầu tháng 8.2023, đã thu hút hơn 5.500 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu khoảng 10 tỉ đồng. Trước đó, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 2 diễn ra tại quảng trường trung tâm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã thu được 13,6 tỉ đồng chỉ sau 4 ngày họp chợ, từ ngày 6.2 đến ngày 9.2. Giá bán củ Sâm Ngọc Linh loại lớn 160 triệu đồng/kg, loại thấp nhất cũng đã 60 triệu đồng/kg.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...