(GLO)- Ở những ngôi làng đó, hầu như thanh niên nào lớn lên cũng biết chơi ít nhất một nhạc cụ. Ngày lễ ăn lúa mới, những cô gái tuổi 16-17 kết tay thành vòng tròn trong điệu xoang như bất tận. Những thanh niên Bahnar vốn thường ngày trên nương rẫy bỗng hóa thành nghệ sĩ khi ôm đàn ca hát...
Đám cưới… âm nhạc
Tây Nguyên đang giữa mùa “ăn năm uống tháng”. Mùa này vào các ngôi làng hầu như đâu cũng thấy người làng ngồi tựa cửa nhìn ra, những dãy rượu ghè được dựng lên, đám thanh niên ngồi bên nhà rông say khật khưỡng. Chúng tôi chạy xe tìm vào làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) thì gặp được đám cưới đơn sơ của Y Nguyệt và A Mưng. Sau nhiều tháng tìm hiểu, A Mưng và Y Nguyệt đã chọn ngày đẹp để tổ chức mời làng uống rượu chia vui. Đám cưới của A Mưng đã bước sang ngày thứ hai nhưng tiệc vẫn chưa có dấu hiệu tàn. Trên “sân khấu”, những nhạc công vẫn miệt mài chơi nhạc phục vụ khán trường ở phía dưới. Anh Thưuh-thanh niên làng Kon Măl ghé vào tai chúng tôi nói lớn: “Nhóm nhạc đó làng mình không thuê đâu, toàn thanh niên trong làng cả đó, loa đài, trống, đàn cũng tự góp tiền mua cả”.
Một “ca sĩ” của làng Kon Măh. Ảnh: T.B.D |
Những “đoàn nghệ thuật” ở làng
Bí thư Xã đoàn Hà Tây-Thưuh dẫn chúng tôi đi vào các ngôi nhà rông của tổng cộng 9 làng ở xã Hà Tây để “khoe” về phong trào văn nghệ của xã mình. Trong khi nhà rông bằng bê tông cốt thép đang mọc lên khắp nơi thì ở một xã cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 30 km lại có những ngôi nhà rông đẹp nguyên bản, lợp bằng tranh cong vút như lưỡi rìu khổng lồ chém vào không gian vô tận. Trong những ngôi nhà rông ấy, dụng cụ nhiều nhất được tập kết không phải là ghè rượu, dụng cụ như thường thấy mà lại chính là đàn t’rưng, trống da trâu, trang phục truyền thống... Thưuh cho biết ở Hà Tây, ca hát được coi như niềm hãnh diện của từng làng. “Người dân ở đây sống đơn giản lắm, không quan trọng chuyện nhà cửa, giàu có gì mà chỉ sống miễn sao vui vẻ thôi. Mỗi năm một làng có một ngày lễ chung, ngày đó các làng tập trung lại cùng uống rượu, múa xoang rồi biểu diễn văn nghệ, hát ngày này qua đến ngày khác khi nào tàn rượu cần thì thôi”-Thưuh nói.
Ở các làng như Kon Măl, Kon Sơ Lăl, Kon Hghle… hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một nhạc cụ. Con trai không biết hát hay thì chơi đàn giỏi, con gái không biết dệt vải thì giỏi múa xoang. Người dân ở các làng này “nghệ sĩ” đến nỗi thiếu âm nhạc là người làng buồn không chịu được.
“Nghệ sĩ làng” Biên-Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Tây với các bức tranh tự tay anh vẽ. Ảnh: T.B.D |
Ở Hà Tây, ngoài phong trào chơi nhạc của thanh niên nhiều người lớn tuổi cũng biết chơi đàn goong, làm đàn t’rưng nước. Ông Pel-từng là nghệ nhân chơi đàn goong nổi tiếng và chế tác đàn t’rưng nước được đoàn làm phim “Đất nước đứng lên” về tận làng mời đi chế tác nhạc cụ phục vụ cho các cảnh quay. Những nhạc cụ của Pel được đưa vào các bảo tàng dân tộc để trưng bày, các khu du lịch để phục vụ khách tham quan tìm hiểu. Tiếng đàn goong của Pel im bặt khi năm 2013 nghệ nhân này qua đời, nhưng hàng chục già làng ở Hà Tây đã kế tục. Già làng Yiu-làng Kon Hnghle nói: “Làng mình hồi xưa ở tít trong rừng, con heo về ăn lúa, ăn bắp nhiều lắm nên người ta nghĩ ra cây đàn nước để đặt ở đầu suối. Người làng thấy âm thanh hay nên làm nhạc cụ, còn cái đàn t’rưng bằng ống lồ ô, đàn goong thì ai cũng biết đánh vì cái đó là cha ông để lại rồi”.
Gặp “họa sĩ” làng
Chủ nhật cuối tuần, Biên-làng Kon Sơ Lăl rủ chúng tôi vào làng uống rượu. Ông Biên đẽo vỏ cây làm thuốc nhử rồi cùng người làng ra suối, lát sau về rọ đã đầy cá. Nếu là người lần đầu gặp Biên, thật khó hình dung ông đang là Phó Chủ tịch HĐND xã và là một… “nghệ sĩ lớn” ở Hà Tây: đàn hay, thích vẽ tranh, đẽo tượng đẹp. Biên còn biết… sáng tác cả nhạc, nhiều bài hát đã được xã phổ biến thành “xã ca” của người Bahnar. Ông cán bộ xã người Bahnar này còn lén vợ bán cả vườn bời lời để ra thành phố mua sắm máy ảnh có chức năng quay phim về kéo thanh niên trong làng đóng khố truyền thống dựng clip giới thiệu làng mình lên mạng internet. Cứ lúc rảnh rỗi hay dịp cuối tuần, Biên lại mua rượu mời thanh niên trong làng vào Kon Sơ Lăl-ngôi làng cũ nổi tiếng đẹp như tranh vẽ-để quay phim, chụp ảnh, làm “phim trường”.
Một trong các nhóm “văn công” gồm các thanh niên Bahnar biểu diễn miễn phí ở đám cưới tại làng Kon Hghle (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: T.B.D |
Anh Biên cho biết, mình biết vẽ từ khi còn làm cán bộ Đoàn. Hồi đó vừa học hết lớp 12, khi sinh hoạt Đoàn, Biên thường đi đến các nhà rông để vẽ họa tiết trang trí trên cột, kèo bên trong nhà rông. Thấy Biên vẽ đẹp, lại rất “Bahnar” nên cán bộ ở huyện vào đặt vấn đề, vào làm chân cán bộ xã, phụ trách vẽ trích lục bản đồ, địa giới hành chính xã. Biên có đủ thứ tài lẻ, tính tình lại hiền lành, đàn hay... Chàng trai Bahnar lắm hoa tay nên thăng tiến dần dần.
Biên khoe với chúng tôi bộ sưu tập tranh mà tự tay anh vẽ treo kín trong nhà. Những bức tranh vẽ bằng sơn trên vải được Biên đóng khung cẩn thận. Tất cả tranh đều chỉ có duy nhất một chủ đề: “Linh hồn làng”. “Mỗi khi đặt bút xuống mình chỉ nghĩ đến những ngôi làng Bahnar nơi mình sinh ra lớn lên. Nơi đó bình yên, có mái nhà rông che chở, có cô gái Bahnar dệt vải bên hiên nhà, chàng trai Bahnar khỏe mạnh cầm vông lên rừng săn thú…”. Đầu năm 2014, Biên còn làm cả xã Hà Tây bất ngờ khi tự đứng ra mua rượu trả công cho đám thanh niên trong làng để các “diễn viên” này tập dượt đóng phim về ngôi làng mình…
Thái Bá Dũng