(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Làng cổ Oshino Hakkai dưới chân núi Phú Sĩ luôn thu hút du khách. Ảnh: H.K |
1. Chuyến bay số hiệu VN 310 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita, Chiba, phía Đông vùng Đại Tokyo lúc 7 giờ ngày 21-11-2018 đưa tôi lần đầu đặt chân đến đất nước mặt trời mọc. Narita là sân bay quốc tế lớn thứ 2 Nhật Bản, là sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. Sân bay chỉ hoạt động từ 7 giờ 30 phút đến 23 giờ mỗi ngày, sau đó tôn trọng quyền nghỉ ngơi, tránh tiếng ồn cho hộ dân duy nhất từ năm 1966 đến nay không chịu nhận đền bù, giải tỏa đất đai vẫn đang sống... giữa sân bay. Việc xây dựng sân bay Narita do có hộ dân không chịu di dời nhà cửa nên phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần, kéo dài mấy chục năm.
Chúng tôi là hành khách đầu tiên đặt chân xuống sân bay trong ngày. Nhân viên còn đang tỉ mẩn mở vỏ bọc máy soi kiểm tra an ninh được gói ghém cẩn thận từ tối qua để làm thủ tục nhập cảnh cho du khách. Tôi ngạc nhiên, bởi: tận khuya mới nghỉ, sáng sớm đã làm việc, máy móc để trong nhà, không khí thì sạch sẽ, có bụi bẩn gì đâu; mà máy móc của Nhật, cho người Nhật dùng, toàn đồ xịn, cớ gì công phu, kỹ lưỡng ngày nào cũng bọc lại, cũng mở ra thế này. Những ngày sau, tham quan thêm vài điểm nữa, quan sát và chiêm nghiệm cách sinh hoạt, mới rõ tính cách người Nhật. Họ làm việc gì cũng cẩn thận, tỉ mẩn, chú trọng từng chi tiết nhỏ nhặt, không làm qua loa đại khái như nhiều người mình. Có lẽ, sự chi li, tỉ mẩn thế mới khiến họ có nhiều phát minh, sáng kiến, phục vụ tối đa nhu cầu con người, mới làm cho hàng hóa Nhật uy tín hàng đầu thế giới, mọi việc đâu vô đó, dùng là thích. Ngày sau đi từ thủ đô Tokyo đến Yamanashi đoạn đường chỉ hơn 120 km, lẽ ra đi gần 2 giờ, song cái sự nguyên tắc của người Nhật khiến xe chạy hơn 7 giờ mới đến nơi. Đường mỗi bên 4 làn xe, đúng dịp cuối tuần, lại là black friday-ngày giảm giá lớn nhất trong năm nên người từ thành phố đổ xô về siêu thị ở vùng ven mua hàng. Đường 4 làn xe mà chỉ được phép di chuyển ở 3 làn, làn đường còn lại dành cho xe cứu thương, xe cảnh sát. Mặc dù kẹt cứng, xe nhích từ phút một song không ai lấn vạch, chạy vào làn ưu tiên. Xe sau nối đuôi xe trước bò trên 3 làn đường, còn làn đường thứ 4 bỏ trống cũng mặc! Tôi nghĩ mãi về cái sự nguyên tắc này. Có cần cứng nhắc thế không hay năng động xử lý. Đưa cảnh sát công lộ ra điều tiết phân luồng cho xe chạy trên làn ưu tiên để giải phóng bớt ùn ứ. Có lẽ sự chấp hành nghiêm pháp luật khiến cho các nước văn minh nền nếp đâu vào đó. Ở ta quen “năng động”, “có lý có tình” đôi khi bị biến tướng, dần dà có chỗ vô sư vô pháp.
2. Từ sân bay Narita về trung tâm Tokyo chừng 80 km, xe cộ lưu thông khá ít, đường sá hiếm thấy xe máy. Dường như Nhật sản xuất xe máy chỉ để bán cho Việt Nam. Thành phố mười mấy triệu dân mà người đâu cả thế này? Hỏi ra mới hay, người Tokyo di chuyển chủ yếu ngầm dưới lòng đất. Họ học dế trũi mà mở đường. Làm đường từ dưới đất lên. Mặt đất chỉ dành cho những phương tiện di chuyển gần và người đi bộ. Xe đường dài đi trong lòng đất hoặc đi trên không. Xe nào xe nấy sạch như lau, chẳng chút bụi bẩn.
Tôi đến Nhật vào dịp cuối thu, trời se lạnh, những hàng cây lá đỏ đã vơi dần. Đường phố của Tokyo rất ít cây xanh. Ngoài khí hậu ôn đới khắc nghiệt, đất đai ở đây cằn cỗi quá, chả mấy cây mọc nổi. Khu hoàng cung Nhật có chút ít cây xanh, lưa thưa, không xanh tốt như bên ta. Thì ra, không phải chỗ nào trên trái đất thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, động thực vật phong phú thì cư dân ở đó văn minh, phát triển, đời sống sung túc và ngược lại. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những rủi ro của tự nhiên đã hun đúc nên người Nhật tinh thần bền bỉ, ý chí sắt đá, biến khó khăn thành động lực phát triển, đi tắt đón đầu để nhanh chóng vươn lên những kỳ tích mà nhân loại rất nể. Tokyo nghèo tài nguyên lấy đâu của cải mà xây dựng thủ đô hiện đại như thế, phải chăng nguồn lực của thành phố này ngoài sức lao động là trí tuệ thu hút tài nguyên nhân loại mang về.
Đường phố ở Tokyo. Ảnh: H.K |
Đường phố sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường rất cao, chấp hành nghiêm pháp luật, quan tâm sâu sắc đến nhu cầu tối thiểu của con người... phản ánh một Tokyo rất văn minh. Từ lâu, người Nhật gọi chất thải là “tài nguyên rác”, xây dựng thành phố lên bãi rác thải cũ. Rác được phân loại ngay từ đầu, chất thải ngành này thành nguyên liệu cho ngành sản xuất khác. Nhà vệ sinh của người Nhật sạch sẽ, tiện lợi khỏi phải bàn, là nơi được chú trọng, ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đi trên phố hiếm thấy người hút thuốc lá, không quảng cáo trên cột điện, tường nhà hoặc để rác thải trước nhà như ta.
3. Lúc xuống máy bay, nhìn các nhân viên phục vụ sân bay, kiểm soát an ninh, cho đến khi dạo phố, vào cửa hàng, cửa hiệu, đâu đâu cũng gặp nhân viên có độ tuổi tầm 65-75! Cô Trần Thị Mỹ Trang-hướng dẫn viên của đoàn bảo rằng cứ 10 người Nhật thì 6 người già (trên 60 tuổi), 2 trẻ em, chỉ có 2 lao động. Hiện có đến 60% dân số của Nhật không chịu lấy vợ lấy chồng hoặc đã ly hôn. Họ thích sống độc thân, độc lập. Người Nhật làm việc, kiếm tiền rồi lại tất bật đi làm. Dường như họ ít quan tâm tới cuộc sống gia đình. Ngay như bác lái xe đưa đoàn đi tham quan, dù đã 65 tuổi, con cái đều trưởng thành nhưng vừa ly hôn vợ mới vài năm. Con người khao khát tự do, muốn mình độc lập, tự làm tự ăn, tự nghỉ ngơi, không phải lệ thuộc ai, kể cả chồng, vợ. Đau ốm có bệnh viện lo, già cả vào trại dưỡng lão, chứ nằm nhà con cái cũng không thời gian chăm sóc, vô trại có bạn già còn vui. Đất nước Nhật già hóa dân số, thiếu lao động trầm trọng nên kinh tế tăng trưởng khó khăn. Quốc gia 125 triệu dân song năm 2017 chỉ có 941.000 trẻ em ra đời, thấp nhất trong vòng gần 120 năm qua trong khi số người chết trong năm lên đến 1,34 triệu. Sinh ít hơn chết gần 400.000 dân mỗi năm, cứ đà này thì 1.000 năm nữa nước Nhật sẽ trống không. Chính phủ Nhật có quy định thưởng cho người sinh con đầu lòng 10 triệu yên (tương đương hơn 2 tỷ đồng) nhưng con gái Nhật không thèm lấy chồng, không thèm tiền, không thèm đẻ. Con người ngày càng hiện đại, càng cô đơn và có vẻ như theo đuổi những giá trị khác truyền thống. Đây là vấn đề khiến những người quản trị đất nước đau đầu tìm giải pháp điều chỉnh hợp lý.
Tác giả bên bức tượng tướng samurai Kusunoki Masashige-điểm du lịch nổi tiếng nằm trong Hoàng cung Tokyo. Ảnh: H.K |
Nhìn những người vội vã đi trên đường, vội vã đến chỗ làm, đến chỗ ăn, vội vã về chỗ nghỉ, tôi tự hỏi sự giàu có, hiện đại kia rốt cuộc để phục vụ cái gì? Thời gian lao động của đời người kéo dài ra, làm việc cật lực cho đến lúc chết, để lại một khối tài sản khổng lồ, rồi thế hệ sau cứ thế tiếp nối. Nhật là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, song là quốc gia hạnh phúc nằm ở bét bảng. Nhật cũng là đất nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người tự tử hàng năm. Áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người chọn khu rừng dưới đỉnh Phú Sỹ làm nơi một đi không trở lại.
Nước Nhật văn minh, hiện đại, người Nhật kiên cường, giàu nghị lực thì đã rõ. Song, dường như xã hội Nhật một thời quá chú trọng vào sự phát triển kinh tế mà thiếu cân bằng chỉ số hạnh phúc con người. Những lao động Việt Nam tôi gặp ở Nhật, kể cả người được cấp thẻ định cư, hỏi họ muốn ở đây hay về, hầu hết đều nói rằng họ làm kiếm tiền một thời gian rồi về lại nước nhà sinh sống...
NHẬT CƯỜNG