(GLO)- Ngày trước, khi nói về Bộ đội Biên phòng, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh chú chiến mã phi nước đại trên đỉnh núi cao xa. Tuy nhiên, lính Biên phòng không chỉ có ngựa mà còn sở hữu một lực lượng rất đặc biệt, đó là những chú chó nghiệp vụ cực kỳ nhanh nhạy, thông minh. Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, chúng tôi có dịp lên xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) thăm Cụm Cơ động Chó nghiệp vụ 3-Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên toàn tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên.
Chuyện lạ về những "chiến binh"... 4 chân
Cụm Cơ động Chó nghiệp vụ 3 (gọi tắt là Cụm 3) trực thuộc Trường Trung cấp 24 Bộ đội Biên phòng được thành lập năm 2011 với “bộ khung” ban đầu là một đại đội cơ động, đứng chân trên địa bàn TP. Pleiku. Cuối năm 2013, Cụm 3 di chuyển lên biên giới đóng quân tại xã Ia Mơr để thuận lợi cho việc cơ động thực hiện nhiệm vụ trên toàn tuyến biên giới Tây Nguyên. Cụm 3 hiện huấn luyện, sử dụng trên dưới 30 chú chó nghiệp vụ với 2 chuyên ngành chính là chó chiến đấu và chó giám biệt nguồn hơi. Nói thì đơn giản nhưng nhiệm vụ của những “chiến binh”... 4 chân này cũng khá là đa dạng, từ lùng sục, truy vết, đánh bắt các đối tượng tội phạm, nhất là ma túy, thuốc nổ, phòng-chống vượt biên, tuần tra chốt chặn, bảo vệ rừng đến việc hỗ trợ công tác hình sự và tìm kiếm cứu nạn.
Đội hình trước khi vào bài huấn luyện ở Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 3. Ảnh: T.K.N |
Thiếu tá Nguyễn Văn Đĩnh-Chính trị viên Cụm 3, cho chúng tôi biết một chi tiết khá thú vị về cái tên của Trường Trung cấp 24 Bộ đội Biên phòng. Đây là ngôi trường đào tạo nghiệp vụ cho cả con người và những chú cảnh khuyển (2 chân và 4 chân ghép lại thành 24). Trường có 5 cụm cơ động chó nghiệp vụ rải đều trên toàn quốc. Mỗi cụm huấn luyện, sử dụng trên dưới 30 chú chó nghiệp vụ. Cũng như con người, những “chiến binh” 4 chân ở cụm cơ động chó nghiệp vụ được nuôi nấng, huấn luyện, chăm sóc sức khỏe theo chế độ quy định. Căn cứ vào cường độ hoạt động vào từng thời điểm để tăng thêm dinh dưỡng, nhưng cơ bản vẫn duy trì ở 3 mức ăn: 83 ngàn đồng, 73 ngàn đồng và 63 ngàn đồng/con/ngày. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, càng trưởng thành (sau khi đã tốt nghiệp được công nhận bằng cấp hẳn hoi), tiêu chuẩn chế độ của những chú cảnh khuyển càng thấp dần vì lúc này, ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ đột xuất thì hầu như chúng ít vận động. Nếu ăn nhiều, thừa chất sẽ tạo ra sức ì, làm giảm hiệu quả công việc.
Tiêu chuẩn, chế độ như con người, chính vì vậy, hàng ngày, Cụm 3 vẫn phải duy trì 2 bếp “nuôi quân”. Việc chăm sóc sức khỏe cũng thế, đơn vị vừa phải có cán bộ quân y, vừa phải có cán bộ thú y thường trực để xử lý những ca bệnh đột xuất. Thêm một chi tiết rất khác lạ nữa là hầu hết những chú chó sau khi đã tốt nghiệp đều thuộc “phái mạnh”, tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ nên cơ hội để chúng được gặp “bạn gái” là hoàn toàn không có.
Dũng mãnh trên miền biên giới khắc nghiệt
Với tổ chức biên chế trên dưới 30 chú chó nghiệp vụ, cơ động làm nhiệm vụ dọc tuyến biên giới 4 tỉnh Tây Nguyên, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Cụm 3 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó đáng chú ý là công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, biểu diễn tính năng, tác dụng của chó nghiệp vụ, tuần tra, chốt chặn trên những khu vực trọng điểm trong thời gian diễn ra những sự kiện quan trọng...
Bài vượt vật cản của các “chiến binh 4 chân”. Ảnh: T.K.N |
Ngày qua ngày, trên đất rừng biên giới Ia Mơr đầy nắng và gió khắc nghiệt, những “chiến binh” 4 chân vẫn miệt mài tập luyện để sẵn sàng cơ động bất kể thời điểm nào khi có sự vụ đột xuất xảy ra. Các bài tập vượt chướng ngại vật, truy vết, tấn công đối tượng, khả năng cắn, đánh bắt, uy hiếp cao, bền bỉ trong truy quét... được các huấn luyện viên là cán bộ, chiến sĩ ở Cụm 3 “nhồi nhét” mỗi ngày đúng chất “thao trường đổ mồ hôi...” giúp những chú chó nghiệp vụ thực hiện đúng hiệu lệnh, cơ động thanh thoát, tấn công chớp nhoáng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng màn trình diễn của 2 chú chó Pocky do Trung úy La Văn Sơn huấn luyện và chó Esip của Thượng úy Nghiêm Đình Phi. Bên cạnh ngoại hình to cao, nhanh nhẹn, sức uy hiếp dũng mãnh, 2 “chiến binh” này còn có khả năng làm việc độc lập. Khi thoát ly khỏi người huấn luyện viên, cả Pocky và Esip có thể truy vết đối tượng trên một quãng đường dài trong điều kiện địa hình phức tạp, tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Ở đây thể hiện sức mạnh và tính kỷ luật của chó nghiệp vụ khi qua khóa đào tạo, huấn luyện bài bản, khoa học. Tính đến thời điểm này, chó Pocky đã “nhận bằng” tốt nghiệp 5 năm, còn Esip trẻ hơn chút ít với 3 năm “thâm niên” trong nghề.
Cũng như người lính Biên phòng lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới rất ít người nhìn thấy, những chú cảnh khuyển ở Cụm 3 cùng với huấn luyện viên của mình thường xuyên có mặt tại các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn để bảo vệ an ninh trật tự. Đây là lực lượng đặc biệt, khi cần có thể truy kích chớp nhoáng, song cũng có lúc kiên trì bền bỉ, thận trọng đến từng chi tiết nhỏ, nhất là trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Dũng mãnh trên miền biên giới và là nỗi khiếp sợ đối với các đối tượng vi phạm pháp luật, song cũng phải nhìn nhận rằng, đứng chân trên địa bàn khắc nghiệt như xã Ia Mơr chính là thử thách không hề nhỏ đối với cán bộ, chiến sĩ và cả những “chiến binh” 4 chân ở Cụm 3. Điều kiện thời tiết, khí hậu và cơ sở vật chất thường xuyên “gây khó” cho người lính nơi đây. Hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt cho con người và vật nuôi vẫn còn thiếu, dẫn đến tình trạng các loại bệnh về đường tiêu hóa, viêm nhiễm, sốt rét thường xuyên xảy ra. Thương nhất là trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, hơn 70% quân số của đơn vị phải ở lại biên giới để thực hiện nhiệm vụ. Đơn giản là bởi không thể mang theo “người bạn” thân thiết của mình cùng về quê được. Thiếu tá Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ: “Đêm cuối năm, bất chợt nghe những chú cảnh khuyển nghịch ngợm sủa vang lại thấy nhớ quê hương. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng thao thức nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm đối với vật nuôi thân thương nên đã động viên nhau để nỗi nhớ nhanh chóng đi qua. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến công tác tăng gia sản xuất để bảo đảm đời sống, vì bộ đội ở đâu thì rau xanh, gà, cá ở đó, nhất là trong dịp Tết cổ truyền”.
Thái Kim Nga