Trong nhiều năm qua, huyện Đức Cơ (Gia Lai) triển khai xây dựng hàng loạt công trình dân sinh nhằm giúp cho người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Một trong những dự án được người dân ở đây mong chờ là mở rộng lưới điện các xã biên giới. Tuy nhiên, điều trớ trêu là dự án tiền tỷ này không thể đưa vào sử dụng bởi một lý do hết sức đơn giản, song lại khiến cho chính quyền và người dân huyện Đức Cơ “dở khóc, dở cười”.
Ách tắc bởi… 39 cây cao su già cỗi
Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng lưới điện các xã biên giới huyện Đức Cơ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1049 ngày 31-7-2009 và được điều chỉnh lại tại Quyết định số 30 ngày 10-1-2011. Theo quyết định điều chỉnh, tổng nguồn vốn của dự án lên đến trên 30 tỷ đồng, bao gồm gần 20 tỷ đồng là vốn của tổ chức JICA (Nhật Bản) và hơn 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, do UBND huyện Đức Cơ làm chủ đầu tư.
Ảnh minh họa |
Trước khi khởi công xây dựng công trình mở rộng lưới điện các xã biên giới, đơn vị chủ đầu tư là UBND huyện Đức Cơ cũng đã đưa ra các phương án đền bù thiệt hại và được người dân trong khu vực hưởng ứng và nhiệt tình giúp cho đơn vị thi công nhanh chóng giải phóng mặt bằng để dựng trụ, kéo dây, lắp đặt trạm biến áp. Trong lúc đó, chẳng hiểu sao việc xử lý 39 cây cao su tại thôn Ia Tum tưởng chừng khá đơn giản nhưng lại trở thành vấn đề “nhức đầu” đối với đơn vị chủ đầu tư khi Công ty 72 (Binh đoàn 15) không nhiệt tình trong việc phối hợp để giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Minh Tuệ-Phó Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện cho biết: “Hiện tại, các đường dây điện đã hoàn thành, huyện đang đăng ký đóng điện nhưng không được vì còn khoảng 400 mét đường dây tại thôn Ia Tum, xã Ia Nan không thể thực hiện vì bị vướng hàng cây cao su. Chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ ra Binh đoàn 15 xin thanh lý số cao su này đã 4-5 tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Riêng tại Công ty 72, chúng tôi đã gửi hồ sơ 6-7 tháng rồi nhưng không thấy đơn vị trả lời để chủ đầu tư nghiệm thu, đưa điện về cho người dân sử dụng”.
Người dân gánh chịu thiệt thòi
Hơn 2 năm nay, mỗi hộ dân trong thôn Ia Tum phải đóng góp 3-4 triệu đồng mua dây, dựng trụ gỗ tạm bợ để kéo điện về phục vụ cuộc sống hàng ngày từ hệ thống lưới điện cũ. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Hồng Phong-Trưởng thôn Ia Tum, lắc đầu than thở: “Chất lượng điện mà chúng tôi đang sử dụng rất yếu. Nhất là về mùa khô, ban ngày không bơm được nước, phải thức cả đêm may ra mới có nước dùng sinh hoạt cho ngày hôm sau. Nấu cơm thì lúc chín, lúc không. Các vật dụng khác như tivi, tủ lạnh của nhiều nhà thường xuyên bị cháy, hỏng hóc do nguồn điện chập chờn, không bảo đảm bởi đường dây quá xa và quá tải”.
Không chỉ bị mất của vì các vật dụng có giá trị trong nhà thường xuyên bị cháy, hiện nay các hộ dân ở thôn Ia Tum còn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ so với thu nhập ít ỏi của mình để trả tiền điện mỗi tháng. Bức xúc trước thực trạng này, ông Phong cho biết thêm: “Hiện tại, giá tiền điện đã cao, trong khi chúng tôi lại phải chịu cả chi phí khấu hao là 1.700 đồng/kW điện. Chúng tôi đề nghị các cấp lãnh đạo, các ngành có liên quan sớm giải phóng mặt bằng để kéo điện về giúp bà con thuận tiện hơn trong sản xuất và sinh hoạt”.
Trước nỗi khổ của 170 hộ dân ở thôn Ia Tum, ông Rah Lan Thuyên-cán bộ địa chính xã Ia Nan bức xúc: “Tôi thấy 39 cây cao su này đã hết thời hạn sử dụng rồi, đề nghị bên Công ty 72 và cơ quan có liên quan cần có phương án chặt hạ để giao mặt bằng, kịp thời đưa điện lưới mới về cho nhân dân”.
Với mục đích tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần xóa đói giảm nghèo, công trình mở rộng lưới điện các xã biên giới huyện Đức Cơ đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay của đồng bào các dân tộc ở địa phương. Thế nhưng, hơn 7 ngàn hộ dân tại các xã biên giới huyện Đức Cơ vẫn chưa biết khi nào được hưởng lợi từ dự án trị giá 30 tỷ đồng này, khi mà Công ty 72 cứ kéo dài thời gian thanh lý 39 cây cao su nằm trong phạm vi đường dây điện đi qua khiến cho việc hoàn chỉnh dự án không biết đến lúc nào mới xong.
Dư Quang