(GLO)- Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, trong đó có việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Mặc dù diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã thành công rực rỡ. Ngày 6-1-1946 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một dấu son chói lọi trong hành trình xây dựng nền dân chủ nhân dân.
75 năm qua, dù ở hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cùng với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, HĐND các cấp cũng được chính Nhân dân trực tiếp bầu ra. Do Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn ra đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, là người luôn đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người dân, được Nhân dân tin tưởng và gửi gắm niềm tin. Chính vì lẽ đó nên việc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được tổ chức theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo tinh thần tự do, dân chủ cao nhất, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn dân.
Các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII trao đổi với cử tri phường Hội Thương (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày 23-5-2021. Cùng với cả nước, vào chủ nhật tới, hơn 994.300 cử tri tỉnh Gia Lai sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Thông tin từ Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết: Đến chiều 22-5, mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử đã cơ bản hoàn tất. Ngoài các mặt công tác trong quy trình bầu cử, các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 và đảm bảo an ninh trật tự cho ngày bầu cử cũng được tiến hành thận trọng, chu đáo.
Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về bầu cử được nâng lên, hầu hết cử tri đều trong tâm thế phấn khởi chờ ngày được cầm lá phiếu trực tiếp bầu chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Theo kết quả điều tra xã hội học về cuộc bầu cử qua mạng Zalo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây, 100% người dân quan tâm đến sự kiện chính trị này, trong đó có 78,12% rất quan tâm đến bầu cử. Đặc biệt, khi được hỏi về quy trình giới thiệu người ứng cử và tổ chức các bước hiệp thương ở địa phương, đơn vị mình đang sống thì có đến 97,21% đánh giá thật sự dân chủ.
Trước thềm bầu cử, khắp từ thành thị đến nông thôn, từ gia đình đến công sở, xí nghiệp, ruộng đồng đều tươi mới sắc màu cờ hoa và rộn ràng không khí của ngày hội lớn. Các giai tầng xã hội, từ công nhân, nông dân, trí thức đến đồng bào theo các tôn giáo đều hướng về ngày bầu cử với tâm thế phấn khởi và tràn đầy niềm tin. Sau sự kiện này, Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ ra đời để gánh vác trách nhiệm trọng đại với đất nước và các địa phương. Do đó, tinh thần trách nhiệm và lá phiếu của cử tri quyết định đến thành công của ngày bầu cử.
Vì vậy, trong phần trả lời phỏng vấn Báo Gia Lai điện tử trước ngày bầu cử, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh-nhắn nhủ: “Trong ngày 23-5 tới, cử tri Gia Lai sẽ hòa cùng cử tri cả nước phát huy trách nhiệm của mình trước lá phiếu để sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ tài, đủ đức vào các cơ quan dân cử, góp sức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân cũng như cho sự phát triển của tỉnh nhà”.
DUY LÊ