(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2017 là một năm hoạt động khá sôi nổi của ngành Ngân hàng tỉnh. Để hiểu thêm về kết quả hoạt động của ngành, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN CƯ-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.
- P.V: Xin ông cho biết những điểm nhấn trong hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh trong năm 2017?
Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Có thể nói, 2017 là năm ngành Ngân hàng tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác tiền tệ-ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng tiếp tục có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Các tổ chức tín dụng đã nỗ lực trong công tác huy động vốn, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng khách hàng, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hộ cá thể theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với mức tăng trưởng tín dụng đạt khá (tăng 16% so với cuối năm 2016), các tổ chức tín dụng đã tập trung đầu tư vào các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp-nông thôn, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Nguồn vốn dồi dào, công khai thủ tục vay vốn, các ngân hàng đã tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay thuận lợi, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, đặc biệt không để các chương trình, dự án hiệu quả thiếu vốn. Một điểm đáng chú ý nữa là mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng có sự cạnh tranh lành mạnh, chấp hành nghiêm túc mức lãi suất huy động-cho vay tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất huy động, cho vay tương đối ổn định và có giảm so với cùng kỳ năm trước.
- P.V: Vấn đề tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước quan tâm điều hành như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Dự kiến đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 33.685 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2016. Tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 77.390 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2016. So với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tăng trưởng tín dụng của Gia Lai ở mức khá, còn tổng dư nợ nằm trong top đầu. Một điểm đáng ghi nhận là tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn trên địa bàn, đặc biệt tín dụng được đầu tư đúng hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay bất động sản. Mặc dù tốc độ tăng khá nhưng chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm khoảng 0,5%/tổng dư nợ.
Quan điểm của ngành Ngân hàng là lấy sự phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng làm mục tiêu của ngành, đồng thời luôn xem khách hàng là bạn đồng hành. Do đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành, ngành Ngân hàng tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ đó, tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhằm góp phần tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Thông qua phân tích cụ thể cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm nay chủ yếu đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Như dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn hiện đạt 31.235 tỷ đồng/96.010 khách hàng; dư nợ cho vay mua máy móc, thiết bị và dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị đạt 44,4 tỷ đồng/99 khách hàng; dư nợ cho vay 5 nhóm, lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên đạt 7.842 tỷ đồng/18.001 khách hàng; dư nợ cho vay kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt 12.270 tỷ đồng/513 doanh nghiệp... Thông qua đó, vốn đầu tư được rót vào các dự án điện mặt trời, công trình thủy điện, vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại-dịch vụ, du lịch...
- P.V: Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông, vấn đề vướng mắc nào mà ngành Ngân hàng tỉnh cần tháo gỡ, xử lý trong thời gian tới?
Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù đạt được một số kết quả nổi bật nhưng vẫn còn những yếu tố khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành. Có thể kể đến như diễn biến thời tiết mưa bão, ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu, tình trạng giá cả một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê đang giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân. Điều này phần nào tác động đến hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, thể hiện rõ ở việc tỷ lệ tăng trưởng dư nợ thời điểm cuối năm đang có dấu hiệu chững lại. Theo quy luật chung, cuối năm là giai đoạn “mở” của tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 18% nhưng hiện chỉ ở mức 16%.
Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp vẫn còn triển khai khá chậm, kết quả hạn chế so với kỳ vọng. Tỷ trọng nguồn vốn huy động tại chỗ trên dư nợ cho vay vẫn còn thấp, chỉ mới đáp ứng khoảng 44%; việc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ tồn đọng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc trong khâu xét xử, thi hành án.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)