Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng-chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2024, công tác kiểm tra ATTP đang được các cấp, ngành tỉnh Gia Lai triển khai chặt chẽ; qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán 2024 của tỉnh-cho biết: Từ ngày 19-1 đến 26-1, đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở.

Đoàn liên ngành kiểm tra tại hộ kinh doanh tạp hóa, bánh kẹo, nước giải khát ở địa chỉ 68 Nguyễn Bá Ngọc, phường Chi Lăng, TP. Pleiku. Ảnh: N.N

Đoàn liên ngành kiểm tra tại hộ kinh doanh tạp hóa, bánh kẹo, nước giải khát ở địa chỉ 68 Nguyễn Bá Ngọc, phường Chi Lăng, TP. Pleiku. Ảnh: N.N

Trong 4 cơ sở vi phạm có 3 cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku gồm: hộ kinh doanh tạp hóa, bánh kẹo, nước giải khát (68 Nguyễn Bá Ngọc, phường Chi Lăng) với lỗi vi phạm “kho chứa thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”, bị xử phạt 6 triệu đồng.

Cơ sở chế biến thịt bò khô, bò một nắng, heo một nắng (382A Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư) vi phạm lỗi “sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định”, bị xử phạt 2 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất Cơm cháy mắm hành Hải Nam (17/225 đường Trường Sơn, phường Yên Thế) lỗi vi phạm “không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan”, bị xử phạt 6 triệu đồng.

Cơ sở còn lại là hộ kinh doanh Đông Dương-sản xuất bò khô sợi, bò một nắng (103 Lê Hồng Phong, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) bị xử phạt 6 triệu đồng vì “khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có đầy đủ giá, kệ, chế độ vệ sinh”.

Theo bà Huỳnh Thị Quyền-Chủ cơ sở sản xuất Cơm cháy mắm hành Hải Nam, cơ sở mới đi vào hoạt động vài tháng nay. Cơ sở cho ra lò từ 500 đến 600 bì cơm cháy mắm hành (giá 3.000 đồng/bì) sau 3 ngày sản xuất và chuyển cho các cơ sở bán lẻ.

“Qua kiểm tra, đoàn đã chỉ ra các lỗi vi phạm, cơ sở chúng tôi sẽ lập tức khắc phục, chấp hành nghiêm theo quy định”-bà Quyền nói.

Đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất cơm cháy mắm hành Hải Nam (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh Như Nguyện

Đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất cơm cháy mắm hành Hải Nam (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh Như Nguyện

Không để thực phẩm “bẩn” ra thị trường

Trong đợt kiểm tra này, đoàn liên ngành của tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Ribio Home (113 Nguyễn Thế Lịch, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) ngừng hoạt động và không được phép cung cấp sản phẩm bia gừng do Công ty sản xuất ra thị trường cho đến khi hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

Công ty TNHH Ribio Home trên giấy tờ đăng ký là công ty nhưng quy mô hoạt động, sản xuất chỉ là hộ gia đình, sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP. Chính vì vậy, sau khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP lên cơ quan quản lý theo phân cấp, cơ sở này chưa được cấp phép. Từ những lý do trên, chủ cơ sở đã xin rút hồ sơ cấp phép. Tuy vậy, Công ty TNHH Ribio Home vẫn tiến hành sản xuất sản phẩm bia gừng và cung cấp sản phẩm dùng thử cho người quen.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành của tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Ribio Home ngừng cung cấp sản phẩm ra thị trường. “Đoàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương giám sát thường xuyên cơ sở này; hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục đầy đủ theo quy định, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”-ông Thạnh cho biết.

Theo ông Thạnh, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao vào các dịp lễ, Tết nên các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng đẩy mạnh sản xuất, nhập hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh các cơ sở thực hiện nghiêm quy định pháp luật thì cũng có cơ sở chưa tuân thủ, chưa chấp hành tốt các quy định.

“Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng-chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều có yếu tố nguy cơ cao như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Bên cạnh công tác kiểm tra, đoàn phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân”-ông Thạnh thông tin.

Để đảm bảo ATTP, phòng-chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Người dân không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc hư hỏng.

Có thể bạn quan tâm

Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai: Tạm giữ khẩn cấp giám đốc, hoãn xuất cảnh 7 người

Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai: Tạm giữ khẩn cấp giám đốc, hoãn xuất cảnh 7 người

Đó là thông tin mới nhất liên quan vụ nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu làm 6 người chết, 5 người bị thương được thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó GĐ Công an tỉnh Đồng Nai thông tin tại hội nghị giao ban kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đồng Nai vào sáng 4-5.