(GLO)- Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa lực lượng Công an tỉnh với ngành Giáo dục-Đào tạo trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thường xuyên được quan tâm, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên trong năm 2012 và 9 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý hơn 1.200 trường hợp là giáo viên, học sinh, sinh viên trong tỉnh vi phạm TTATGT.
Các hình ảnh tai nạn giao thông được trưng bày tại sân trường. Ảnh: T.H |
Mặc dù các đơn vị giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về đảm bảo TTATGT, nhưng có thực tế một bộ phận học sinh, sinh viên do thiếu ý thức, ăn chơi, đua đòi theo bạn bè buộc gia đình phải mua xe gắn máy để đi học.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh không dành thời gian để quan tâm, dạy dỗ con em ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Nhiều người còn mua xe máy phân khối lớn cho con khi các em chưa đủ 18 tuổi. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các em tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện vẫn còn đi hàng 3, hàng 4; nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe trên 50 phân khối đến trường. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ khi đi qua các nút giao thông có đèn tín hiệu…
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2012 và 9 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 393 vụ tai nạn giao thông, làm chết 437 người, bị thương 283 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông đã được kéo giảm đáng kể. Nhằm tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trong “Năm An toàn giao thông 2013”, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn lực lượng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT.
- Đại tá Nguyễn Duy Lanh- Phó Giám đốc Công an tỉnh: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền, vận động, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. - Bà Nhan Thị Hằng Nga- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo: Chúng tôi xác định việc giáo giục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng. Đầu năm học, chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tuần lễ sinh hoạt đầu năm, trong đó có các nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh, sinh viên… Về các biện pháp cụ thể, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng “cổng trường an toàn”, ngoài ra còn xây dựng “cổng trường 5 không, 3 có” và đưa việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ làm một tiêu chí để đánh giá đạo đức của học sinh, cũng như một tiêu chí để đánh giá thi đua của nhà trường. |
Trong đó, chú ý việc xử lý tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận học sinh, sinh viên. Đồng thời, Công an tỉnh cũng thành lập tổ tuyên truyền giao thông đường bộ, phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: trưng bày panô, áp phích, hình ảnh tai nạn giao thông, chiếu phim tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa để các em nâng cao nhận thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, ngành chức năng, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quản lý, giáo dục. Hiện nay, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã có biện pháp tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và có những chế tài thích hợp trong việc đánh giá, nhận xét cuối năm về hạnh kiểm, đạo đức.
Tuy nhiên sau khi cho học sinh, sinh viên ký cam kết thì gần như bỏ ngỏ, thiếu sự kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời dẫn đến việc học sinh ký thì cứ ký mà vi phạm vẫn vi phạm. Về phía nhà trường và các ngành chức năng vẫn chưa tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các cách làm hay, các biện pháp tốt để khen thưởng kịp thời, nhân rộng điển hình và chưa có chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm hoặc làm chưa tốt. Bên cạnh đó, bản thân các bậc phụ huynh vẫn thường xuyên vi phạm pháp luật về giao thông.
Trong thời gian tới, để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, ngoài việc nhà trường và lực lượng Công an thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông Đường bộ thì Ban Giám hiệu các trường học cũng cần có những hình thức tuyên truyền phù hợp như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi học chính khóa, ngoại khóa, tổ chức các chương trình văn nghệ, thi sáng tác, biểu diễn các tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè gắn với các hoạt động của phong trào Đoàn, Hội, Đội để phổ biến Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh, sinh viên. Ngoài việc hạ hạnh kiểm học sinh, sinh viên vi phạm thì các giáo viên chủ nhiệm cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý học sinh, sinh viên…
Thiết nghĩ, các biện pháp nêu trên nếu được thực hiện đồng bộ thì sẽ tạo được một phong trào thi đua mạnh mẽ trong ngành Giáo dục và sẽ đạt được những kết quả tốt trong việc đảm bảo TTATGT trong học sinh, sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Thanh Hải