(GLO)- Từ việc thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh đến việc tiếp tục “Đường cách mạng” do Người vạch ra, để xứng đáng với vai trò của Đảng cầm quyền, Đảng ta cần hành động, thực hiện có hiệu quả việc nâng tầm trí tuệ, đạo đức, năng lực lãnh đạo; đồng thời thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên tắc để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Khẳng định tầm vóc “đạo đức, văn minh” của Đảng
Sự hấp dẫn của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với Hồ Chí Minh-kiến trúc sư và linh hồn của cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay chính là ở lý tưởng nhân văn, tiến bộ, lý tưởng giải phóng triệt để cho con người, trước hết là giai cấp những người lao động và các dân tộc bị áp bức, trong đó có Tổ quốc đau thương của Người. Là người yêu nước, thương dân, Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra sự trớ trêu, giả dối giữa lời nói và hành động của những kẻ nhân danh văn minh để “khai hóa” cho dân tộc mình. Người hướng tới việc tìm cho ra nguồn gốc mọi nỗi khổ đau của dân tộc từ bản chất của kẻ thù-chủ nghĩa thực dân xâm lược.
Lăn lộn trong thực tế quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân, từ khảo nghiệm, đúc rút kinh nghiệm trong nước và thế giới, Người đã thâu thái lý luận thời đại để hình thành nên một chiến lược, một đường hướng cách mạng có khả năng giải quyết những đòi hỏi khách quan đang đặt ra lúc bấy giờ của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Theo đó, Người khẳng định rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, chỉ có Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Tư tưởng chủ đạo ấy đã được thể hiện rõ khi Người phác thảo nội dung, tính chất, bước đi của cách mạng Việt Nam: “…làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”. Và, chính Người đã lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam thực hiện “Đường cách mạng” đó.
Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ảnh: internet |
Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, tháng 8-1945, dân tộc Việt Nam đã lập nên một kỳ tích mới trong lịch sử giữ nước và dựng nước: đánh thắng các thế lực ngoại xâm, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kiên trì với những tư tưởng bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào tuyên bố với toàn thế giới, cả dân tộc Việt Nam đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy. Những thắng lợi giành được trong các cuộc kháng chiến-đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là những minh chứng hùng hồn về sức mạnh của một dân tộc khi họ đoàn kết lại chiến đấu cho khát vọng chính đáng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và lịch sử đã xác nhận, chính lập trường nhân văn, tiến bộ ấy là nguồn sức mạnh đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn (tháng 4-1975). Đó cũng là cơ sở để khẳng định tầm vóc “đạo đức, văn minh” của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tạo dựng, rèn luyện.
Để Xứng đáng vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền
Từ việc thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh đến việc tiếp tục “Đường cách mạng” do Người đã vạch ra, ngày nay, để xứng đáng vai trò lãnh đạo, vai trò của Đảng cầm quyền-lực lượng đại diện “trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại”, từ mỗi đảng viên, cán bộ đến mọi tổ chức Đảng cần hành động, thực hiện có hiệu quả các nội dung cơ bản sau đây.
Thứ nhất, cần nâng tầm trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, thể hiện qua việc xác lập và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Từ xưa đến nay, tiêu chí đức hay tài của người cầm quyền, xét đến cùng đều được phản ánh thông qua mức độ hay năng lực “lo cho cái chung”-tức cộng đồng, xã hội. Vì thế, tiêu chí đánh giá, lựa chọn và khẳng định vai trò của nhân tố lãnh đạo ở nước ta hiện nay phải được kiểm chứng tập trung thông qua tầm vóc trí tuệ và năng lực của các cấp độ chủ thể trong hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nếu trước đây, nỗi nhục mất nước là mẫu số chung cố kết, thôi thúc cả dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì ngày nay, điều có ý nghĩa quyết định là làm cho mọi người dân, mọi cộng đồng người Việt Nam ý thức về nỗi nhục đói nghèo, tụt hậu để từ đó thổi bùng lên ý chí tự tôn dân tộc, ý thức quyết làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương và đất nước.
Nhận thức và giải quyết tốt, hài hòa nhu cầu, lợi ích cá nhân và nhu cầu, lợi ích xã hội không chỉ là điều kiện cơ bản cho sự phát triển xã hội, ổn định xã hội mà còn là nhân tố thiết yếu cho sự hoàn thiện bản thân con người. Vì vậy, trong bối cảnh của thời đại mới, để đạt được tầm vóc đó đòi hỏi các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý phải hình thành tư duy hệ thống, có tầm nhìn tổng thể trong việc thiết kế mô hình phát triển, đồng thời có khả năng huy động được các nguồn lực để từng bước hiện thực hóa mô hình đó. Nhiệm vụ hay trọng trách của đại hội Đảng các cấp hiện nay chính là huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân bàn thảo để hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần phát triển kinh tế bền vững, hài hòa về xã hội và môi trường; là tìm kiếm và xây dựng được thể chế, cơ chế để có thể dung nạp, khuyến khích sự tham gia vào việc làm giàu của mọi người dân, mọi cấp độ chủ thể kinh tế; là thể chế được đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, thượng tôn pháp luật và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công... Nói cách khác, Đảng cần thông qua các công cụ, các phương tiện có được của một đảng cầm quyền để tạo lập thể chế, cơ chế giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển xã hội với việc mang lại sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Đương nhiên, xã hội phát triển hiểu theo nghĩa đó không phải là kết quả của ý muốn nhân từ của “thánh nhân” nào, lại càng không phải là kết quả của những sắc lệnh từ đâu đó ban ra, chủ nghĩa xã hội sinh động là kết quả của những phong trào hiện thực, kết quả của những hoạt động thực tiễn của các cộng đồng người-giai cấp, dân tộc, quốc gia với những thể chế, thiết chế và những con người cụ thể đang dần dần nhận thức nhiều hơn cái tất yếu và cùng hoạt động theo cái tất yếu đã được nhận thức.
Thứ hai, cần nâng tầm đạo đức thông qua việc thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu nội tại của Đảng trong tiến trình phát triển cùng với dân tộc và thời đại. Đó là khả năng tự thích ứng và từng bước xác lập, khẳng định vai trò của mọi cấp độ chủ thể hành động trong một thế giới liên tục đổi thay. Trên thực tế, trong công cuộc đổi mới vừa qua, nhờ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng ta mới đủ khả năng tận dụng được thời cơ; vượt qua được những thử thách, đặc biệt chiến thắng những “kẻ thù” mới như: “sự kiêu ngạo”, “sự dốt nát”, “nạn hối lộ”... Tự đổi mới, tự chỉnh đốn, dũng cảm nhận ra sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm, Đảng mới đủ sức chiến thắng được “giặc nội xâm”, mới loại bỏ được các nguy cơ hủy hoại sự nghiệp của Đảng, mới giữ trọn được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Theo tinh thần đó, hiện nay, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần tự giác tham gia và tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số không ít cán bộ, đảng viên và trong xã hội ta thời gian qua rõ ràng phải xem xét và giải quyết từ phương diện đạo đức. Một khi chủ nghĩa cá nhân chậm được khắc phục thì không thể trở lại vấn đề tuyên truyền, giáo dục đạo đức. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một tòa án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người. Trong điều kiện thể chế đang trong quá trình hoàn thiện, nếu vấn đề này được người lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là những người đứng đầu đặt ra, rồi tự nghiền ngẫm về tư tưởng và tấm gương của Bác thì thiết nghĩ điều đó sẽ mang đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng người. Và, chỉ cần có sự chuyển biến, làm theo Bác từng ngày, từng ngày... từ đó lan tỏa và ảnh hưởng đến những người xung quanh, thế là dân được nhờ, Đảng được nâng cao uy tín.
Thứ ba, Đảng, Nhà nước cần thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên tắc để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà không làm phương hại lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Ý thức dân tộc, tư duy về bảo vệ chủ quyền dân tộc trong thời đại ngày nay đã được bổ sung và phát triển xuất phát từ những biến đổi hết sức phức tạp trong mối tương quan giữa các lực lượng, mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc (trong từng khu vực và trên toàn thế giới). Những toan tính chiến lược của các thế lực bá quyền, những thỏa hiệp nhằm bảo vệ lợi ích giữa các nước lớn đang đặt các nước nghèo, các nước kém phát triển vào tình trạng bất lợi, thiệt thòi... Tuy nhiên, xu thế liên kết, hợp tác cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong các vấn đề toàn cầu buộc các quốc gia dân tộc, các lực lượng cầm quyền ở mỗi nước phải tìm kiếm và thực thi đường lối đối ngoại, vừa mềm dẻo, linh hoạt hơn nhưng vẫn có tính nguyên tắc trong bảo vệ lợi ích dân tộc. Chính vì vậy, để giữ vững độc lập dân tộc, để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước, lúc này không chỉ tìm giải pháp khơi dậy các nguồn lực bên trong mà đòi hỏi Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta phải nhận thức và tạo lập các điều kiện để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác, đưa các quan hệ quốc tế đã thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
PGS-TS. Hồ Tấn Sáng