Nạn mất rừng ở Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ mất triệt để hơn, mà còn kèm theo nạn phá rừng chiếm đất rộng khắp cùng nhiều hệ lụy.
Các dự án giao rừng, cho thuê rừng mà các tỉnh ký cho các doanh nghiệp được coi là giải pháp, nhưng đang cho thấy hiệu quả ngược, tỷ lệ mất rừng gần như tuyệt đối.
Việc việc nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền trong công tác bảo vệ và phát triển rừng chỉ được thể hiện trên hệ thống văn bản.
Trong thực tế, việc buông bỏ trách nhiệm đã khiến chính quyền từ xã đến tỉnh không thể hiện được vai trò ở những dự án đã giao, doanh nghiệp vẫn để mặc rừng bị mất.
Một dự án ở Ya Tờ Mốt- rừng đã biến thành đất hoang và mía; không người phụ trách, doanh nghiệp bỏ bảng hiệu trơ khung. |
Dự án về, rừng ra đi
Những trận mưa cuối mùa kết thúc, “nghề” phá rừng chiếm đất ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, bước vào thời điểm phát đạt. “Nghề phá rừng” ở đây chỉ thuộc về những đối tượng có phương tiện cơ giới như cưa xăng, máy cày, có nhân công và được thực hiện một cách chuyên nghiệp.
Rừng ở nơi nào sắp được giao cho dự án, dự án nào sắp-hoặc mới bị thu hồi, các đối tượng này đều nắm rõ và xí phần những vị trí an toàn, có ít cây rừng, để vừa dễ khai hoang, vừa không lo bị xử lý nặng khi bị phát hiện.
Các đối tượng không hoạt động riêng lẻ mà phối hợp thành từng nhóm, phá-chiếm hàng chục ha đất và bán với giá 40 triệu đồng/1ha; hoặc chiếm đất-trồng điều, sau đó bán 50 đến 70 triệu đồng/1 ha.
Theo ông Trần Văn Hoàng, Ban công tác mặt trận thôn 12, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, ở địa phương có nhiều dự án thuê rừng giao cho các doanh nghiệp. Lực lượng bảo vệ ở các dự án này rất mỏng, nên là nơi màu mỡ của những đối tượng phá rừng-chiếm đất và làm giàu từ đó.
Thế nhưng người dân địa phương vẫn nhiều năm cam chịu cảnh thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo hơn 70%. “Trong thôn cũng có người đi phá rừng, nhưng chỉ là đi phá thuê cho người ta thôi. Một số người trong thôn đã bị đi tù, nên bà con sợ…”- Ông Hoàng nói.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp xác nhận, ở huyện có nhiều băng nhóm được chính quyền địa phương gọi là “địa tặc”, chuyên phá rừng chiếm đất.
Không chỉ gây tổn hại đến hệ sinh thái và tài nguyên quốc gia, các băng nhóm này còn tranh chấp với nhau, gây nhiều phức tạp về an ninh trật tự. Quy hoạch kinh tế xã hội của huyện cũng bị phá vỡ bởi mỗi khi có thông tin về một dự án nông-lâm nghiệp nào đó sắp được cấp phép, nạn phá rừng, chiếm đất lại gia tăng, gây khó cho các nhà đầu tư.
Địa tặc-như cách gọi của lãnh đạo huyện, không chỉ phá-chiếm đất rừng sản xuất mà còn phá-chiếm cả rừng phòng hộ. Dẫn chứng cụ thể rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Ea Súp thượng-hồ thủy lợi quan trọng sống còn với địa phương, đã bị phá gần hết, ông Toản cho biết: “Huyện đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của công ty Lâm nghiệp Cư M’Lan, và đang triển khai những biện pháp quyết liệt, tìm mọi cách để bảo vệ rừng ở những bán đảo trên hồ”.
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Ea Súp thượng. |
Dự án đến, rừng ra đi, cũng là thông tin từ chính lãnh đạo các doanh nghiệp nhận dự án thuê rừng.
Theo ông Phạm Văn Tư, Phó Giám đốc Công ty 27 tháng 7, có dự án khoanh nuôi-bảo vệ gần 800 ha rừng tại xã Ea Bung, nếu chỉ làm chủ rừng, chỉ khoanh nuôi-bảo vệ như mục tiêu ban đầu, công ty sẽ khánh kiệt.
Chính vì vậy, công ty đang thuyết phục tỉnh cho phép doanh nghiệp “cải tạo rừng”. Mà “cải tạo”, theo cách của công ty, chính cày đất, xẻ rãnh, đào mương, để trồng xen các loại cây kinh tế, như keo, tếch và hoa màu.
“Từ ngày nhận dự án chúng tôi chưa thu được gì. Các thành viên phải góp tiền để duy trì hoạt động. Bởi vậy nên Nhà nước phải cho chúng tôi cải tạo rừng này. Nếu chỉ khoanh nuôi thì không biết bao nhiêu năm nó mới gia tăng được 1 mét khối gỗ/1ha”-Ông Tư phân trần.
Rừng ở xã Ea Bung bước vào mùa làm ăn của địa tặc. |
Trong cuộc gặp của 84 chủ dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Lắk với UBND tỉnh, cách đây chưa lâu, đại diện các doanh nghiệp cho biết, việc thuê rừng để quản lý-bảo vệ không đem lại lợi lộc gì, chỉ mang tới cho doanh nghiệp những gánh nặng tài chính. Các doanh nghiệp đã kiệt sức để giữ rừng.
Nếu nhà nước không có giải pháp phù hợp, rừng sẽ mất rất nhanh chóng. Một trong số lãnh đạo các doanh nghiệp ông Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Hải Hà, cảnh báo: “Cứ thế này thì chỉ một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng nữa là rừng có thể không còn”
Mất rừng-đừng hỏi trách nhiệm!
Nhìn rộng trong cả khu vực Tây Nguyên, Đắk Lăk, Đắk Nông và Lâm Đồng là 3 tỉnh có số dự án cho thuê rừng nhiều nhất, khoảng 500 dự án, tổng diện tích khoảng 160 nghìn ha. Khi lập đề án cho thuê rừng, tỉnh nào cũng khẳng định: “Cho thuê rừng, sẽ gắn được bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo”, “góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh và của Đảng và Nhà nước”.
Thế nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại. Tại Lâm Đồng, dự án của công ty Gia Linh, tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, chỉ trong vài tháng giao cho doanh nghiệp, đã gây nhiều cuộc đụng độ đổ máu.
Ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, việc giao đất cho các dự án đã kéo theo làn sóng phá rừng, chiếm đất, tranh chấp đất trên diện rộng. Có vụ đã khiến 7 người thương vong.
Nghiêm trọng nhất là tại Đắk Nông, dự án của Công ty Long Sơn, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, đã làm mất hàng trăm héc ta rừng, hầu hết đất rừng đều bị sử dụng sai mục đích. Công ty còn sử dụng các biện pháp mang tính xã hội đen trong tranh chấp đất đai dẫn đến xung đột nghiêm trọng, khiến 13 người chết và bị thương.
Rẫy điều trồng hơn 10 năm ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đăk Nông, cũng bị Công ty Long Sơn ủi phá-dẫn đến xung đột chết người. |
Theo ông Trương Thanh Tùng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận dự án, được thuê đất thuê rừng, các doanh nghiệp dần công khai bỏ mục tiêu bảo vệ rừng.
Lý do là địa phương giao rừng kèm theo cho thuê đất, nên các doanh nghiệp buộc phải nhận. Trách nhiệm này không cần phải duy trì lâu dài khi quyền thuê đất đã có trong tay. Không có chuyên môn, không đủ nguồn lực là cách viện cớ phổ biến nhất để các doanh nghiệp giải thích cho việc để mất rừng và xin trả rừng cho địa phương.
Ông Trương Thanh Tùng cho biết, các đoàn thanh tra của Trung ương về luôn yêu cầu tỉnh phải buộc các doanh nghiệp ký hợp đồng thuê rừng. Thế nhưng hợp đồng thuê đất thì doanh nghiệp sẵn sàng ký, còn hợp đồng thuê rừng thì luôn bị né tránh. “Như công ty Phú Riềng, họ quản 2.000 ha rừng tự nhiên, lúc nào họ cũng bảo trả lại, nhưng tỉnh tìm không ra đơn vị nào để nhận lại diện tích này”- ông Tùng dẫn chứng.
Điều khó hiểu là trong khi hầu hết các dự án thuê rừng đều đang đạt hiệu quả âm, vẫn còn nhiều dự án cho thuê rừng với cả chục nghìn héc ta, tiếp tục được các tỉnh đưa vào giai đoạn “hoàn thiện thủ tục” để cho thuê.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc thuê rừng là theo chủ trương chung. Với tình trạng các dự án luôn thất bại, thì đừng vội truy trách nhiệm của doanh nghiệp, mà trước hết hãy truy những thiếu sót về chính sách. “Chưa có một quy định nào của nhà nước là doanh nghiệp bảo vệ rừng kém hiểu quả, để mất rừng thì phải bồi thường. Chúng tôi đã kiến nghị với trung ương là phải sửa đổi bổ sung chính sách, chứ không phải cứ giao cho họ thế rồi sống chết mặc bay. Khó khăn vướng mắc đầy rẫy như thế chẳng xử lý gì cả. Thế nhưng khi rừng mất thì lại bảo họ phải đền”-Ông Dương nói.
Không tìm thấy quy định nào buộc doanh nghiệp thuê rừng phải bồi thường khi rừng trong dự án bị mất, nên nhiều doanh nghiệp hồn nhiên phủi tay dời khỏi những dự án thuê rừng đã bị phá tan hoang, còn các doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục xin, nhận dự án để rồi kêu khó khăn, xin chuyển mục đích, xin trả lại rừng. Lạ hơn nữa là phía chính quyền địa phương, vẫn tiếp tục tạo điều kiện, giao rừng cho doanh nghiệp, dù biết rõ đang có những lỗ hổng chính sách, chắc chắn sẽ khiến rừng bị mất, bị phá.
PV/VOV-Tây Nguyên