Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang dần thoát qua giai đoạn khó khăn của thời khủng hoảng kinh tế. Năm 2010, hy vọng các doanh nghiệp bứt phá, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thể hiện bản lĩnh
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 13.600 tỉ đồng. Tuy nhiều về số lượng nhưng nhìn chung doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ thuộc loại vừa và nhỏ, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 5 tỉ đồng/doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ nguồn vốn vay ưu đãi, sự năng động của doanh nghiệp cộng với sự điều tiết của Chính phủ đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp tỉnh ta trụ vững trong cơn khủng hoảng, ổn định và phát triển sản xuất.
Ảnh: Hạnh Nguyên |
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng để việc thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp có mức nộp ngân sách khá cao như: Công ty Thủy điện Ia Ly 164 tỉ đồng; Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai 59,2 tỉ đồng; Chi nhánh Viettel Gia Lai 23,7 tỉ đồng; Công ty Cao su Chư Prông 13,9 tỉ đồng… Ngoài ra, trong số trên 7.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển trong năm qua, đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ hơn 50%.
Các doanh nghiệp cũng tham gia tích cực vào việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội của tỉnh. Rõ nhất là vấn đề giải quyết việc làm, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Hiện tổng số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có gần 60 ngàn người. Nhiều dự án đang được triển khai cũng hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm nữa cho người dân, đặc biệt là lao động tại chỗ. Cùng với nhiều chương trình của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã chung tay cùng với chính quyền các cấp trong việc xóa đói giảm nghèo.
Một số doanh nghiệp đang có những chiến lược dài hơi, thể hiện qua việc triển khai thêm các dự án có vốn đầu tư lớn, mở rộng hoạt động ra nước ngoài… Những bước đi mạnh dạn này phần nào đã thể hiện bản lĩnh của nhiều doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng, mạnh dạn tìm hướng đi cho mình.
Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
Để giúp các doanh nghiệp triển khai các dự án được thuận lợi, UBND tỉnh đã mở ra những kênh đối thoại với doanh nghiệp qua các cuộc gặp gỡ, đường dây nóng, triển khai cơ chế “một cửa liên thông” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư… Từ đây, những khó khăn của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục phần nào cũng được giải quyết nhanh gọn. Cuộc gặp mới đây giữa lãnh đạo tỉnh và hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn đã phần nào giải tỏa những thắc mắc của doanh nghiệp.
Trong năm qua, 15/16 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ gần 6.000 tỉ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất trên 134 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạo đà phát triển cho năm nay. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Trần Thế Vinh cho biết: Năm 2010, Sở sẽ thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp và thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng. Sở cũng triển khai thực hiện chương trình giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn...
Với những nỗ lực từ hai phía, hy vọng năm 2010 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều “đất” hơn để hoạt động. Hiện tại, tỉnh đang có kế hoạch đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghiệp Tây Pleiku, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các cụm công nghiệp… tại các thành phố, thị xã và các huyện. Từ đây, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trong các khu công nghiệp cũng được triển khai.
Hạnh Nguyên