(GLO)- Rong ruổi khắp các con đường trong TP. Pleiku từ sáng sớm tới khi tối mịt, số tiền kiếm được mỗi ngày từ việc đánh giày cũng chỉ giúp họ trang trải 3 bữa ăn trong ngày cho bản thân và gia đình, số dư còn lại để phòng thuốc thang cho những cơn sổ mũi, nhức đầu bất chợt…
Nghĩa đang đánh giày cho khách. Ảnh: Phương Vy |
Những người làm nghề đánh giày là những em bé hơn 10, nam thanh niên độ tuổi 20 hoặc chị em phụ nữ. Đặc điểm chung của họ là chiếc hộp bằng gỗ hoặc nhựa dùng để đựng đồ nghề, tuy nhiên, mỗi người trong số họ lại là những mảnh đời buồn khác nhau.
Sau khi cưới, vợ chồng chị Hòa (30 tuổi) từ Quảng Xương (Thanh Hóa) khăn gói vào Pleiku lập nghiệp. Chân ướt chân ráo trên vùng đất khách, vợ chồng chị chọn thuê một phòng trọ nhỏ, sau đó đi bán dạo băng đĩa, móc chìa khóa, kính… kiếm sống qua ngày. Số tiền kiếm được mỗi ngày quá ít ỏi trong khi vật giá nơi thành phố không hề rẻ. Cuộc sống càng thêm khó khăn khi hai đứa con của chị Hòa lần lượt ra đời. Đáng thương hơn, con gái đầu của chị bị khuyết tật ngay từ lúc mới lọt lòng, còn cháu nhỏ chỉ vừa tròn 3 tuổi. Sau những tháng ngày lay lắt, chồng chị lên làm ở Kon Tum, còn chị đổi sang nghề đánh giày mong cải thiện cuộc sống.
“Nghề này được cái nhàn, không phải học chi cả, nhìn và làm theo vài lần là thạo. Ngày nào hên thì cũng kiếm được 400.000 đồng. Tiền ấy đủ để trả tiền nhà trọ, mua bỉm, mua sữa cho con và lo chuyện ăn uống cho cả nhà”-chị Hòa, thợ đánh giày. |
Muốn tìm chị Hòa không khó. Suốt hơn một năm làm nghề, chị cứ đi vòng quanh các tuyến phố Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Lê Lợi như đã ngầm phân chia với nhau trong giới đánh giày. “Buổi sáng thì mình ngồi ở cạnh các quán bún, phở mời khách đánh giày đến khoảng 9 giờ, sau đó thì lang thang các quán ăn, quán cà phê khác. Nhìn thì thấy ngắn, nhưng cũng không biết một ngày mình đi bộ bao nhiêu cây số mà kể”-chị Hòa vừa đánh xi lên đôi giày vừa tâm sự.
Nếu chịu khó chào mời và gặp may, mỗi ngày chị Hòa cũng đánh được 10-20 đôi giày với giá 15.000 đồng/đôi. Đến bữa ăn, khi thì chị cùng đứa con gái ăn chung hộp cơm 25.000 đồng, lúc lại bánh mì cho tiết kiệm và nhanh chóng xong bữa còn tranh thủ đi làm. Hiện tại, vợ chồng người em trai của chị Hòa cũng đang làm nghề đánh giày tại Pleiku. Chị Hòa bày tỏ: “Mình là phụ nữ, đi đánh giày nhiều lúc cũng không hay lắm nhưng vì miếng cơm phải làm thôi”. Một cái Tết nữa đang đến gần, chị Hòa sáng lại dậy sớm hơn, tối về muộn hơn để tranh thủ kiếm thêm tiền, trang trải tiền xe về quê cho cả nhà bởi “những người đi làm xa như mình, đến Tết cũng muốn được về quê với anh em, họ hàng”.
Tình cờ gặp Nghĩa (20 tuổi) khi em đang lững thững trên đường Lê Hồng Phong, trên tay xách chiếc hộp gỗ đựng đồ nghề đánh giày. Từ sáng đến giờ em mới chỉ đánh được 2 đôi nên khi vừa thấy tôi ngỏ ý, em liền nhanh chóng tìm chỗ mát và liến thoắng: “Em mà đánh giày thì chỉ có mới hơn cả chữ “mới” nữa. Hồi nãy em vừa đánh giày cho cô kia xong, cô khen rồi nói em ngày mai xuống nhà đánh nốt mấy đôi cho cô ấy”.
Mới vào nghề được hơn một tuần nay nên Nghĩa vẫn còn chưa quen hết đường. Số tiền dành dụm từ việc lượm ve chai bao ngày đủ để em nhờ người ta đóng cho chiếc hộp gỗ và trang bị lọ xi, bàn chải đánh giày và đôi dép Lào. Đó là tài sản giá trị nhất nếu không kể bộ đồ mà em đang mặc trên người. “Mỗi ngày em đánh được khoảng 5 đôi giày với giá 20.000 đồng/đôi, em chỉ dám ăn 30.000 đồng, còn lại để dành mua thuốc uống. Tối em về ngủ bên hiên nhà người ta ở gần chợ đêm”-Nghĩa nói với giọng nghèn nghẹt của người đang bị cảm lạnh nặng. Em kể mấy ngày đầu tập đánh giày, em lóng ngóng mãi rồi quệt hẳn một mảng xi to vào giày khách, đánh một lúc lâu sau thì giày sáng bóng, nhưng hộp xi mới cóng vơi đi gần một nửa. Nói về ước mơ của mình, Nghĩa suy nghĩ rồi nhỏ nhẹ: “Em muốn có thêm một bộ quần áo nữa để thay đổi chứ chỉ có một bộ mặc mãi. Em cũng muốn có chiếc mũ đội đầu để khỏi bị cảm nặng hơn”.
Phương Vy