Mưu sinh trên đầm An Khê: Vũ điệu cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với diện tích 347 ha. Đầm nước này đã hào phóng ban tặng sản vật nuôi sống bao đời cư dân ven bờ.
Âm điệu mưu sinh
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội “An Khê sóng hát” bên đầm An Khê. Du khách tham dự hào hứng khi xem cảnh ngư dân trong vùng chèo thuyền buông - kéo lưới bắt cá, tái hiện khung cảnh mưu sinh thường ngày. Mỗi thuyền 2 người để chèo và thả lưới.

Những con cá chép vừa bắt lên khỏi mặt nước
Những con cá chép vừa bắt lên khỏi mặt nước
Sau tiếng loa phát hiệu lệnh xuất bến, những mái chèo khỏa nước, hàng chục chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt đầm tiến ra xa bờ. Nhiều du khách háo hức bước lên thuyền nhờ người chủ chèo ra tận nơi xem cảnh bắt cá trên đầm. Mặt nước xao động, lũ cá vội tìm cách ẩn thân. Làn nước trong xanh tựa tấm gương soi khổng lồ lấp lóa ánh nắng giữa chiều thu. Những đôi tay khéo léo thoăn thoắt buông lưới vào làn nước xanh thẳm.
Khi lưới chìm sâu vào nước, những thanh gỗ gõ dồn dập vào mạn thuyền khiến đàn cò trắng kiếm ăn ven bờ vỗ cánh bay cao. Những đôi tay rắn chắc vung cao mái chèo rồi đập mạnh xuống mặt nước xua cá vào lưới. Những người dân quê lam lũ bỗng chốc trở thành nghệ sĩ trình diễn vũ điệu cuộc sống. Tiếng gõ rộn ràng hòa cùng thanh âm mái chèo đập nước là những âm điệu mưu sinh lay động lòng người. “Nhiều con cá tinh khôn biết cách né tránh khi gặp phải lưới. Nhưng nếu dùng thanh gỗ gõ vào mạn thuyền và lấy mái chèo đập xuống nước khiến chúng hoảng hồn bơi loạn xạ và mắc lưới ngay”, một ngư dân cho biết.
Mái chèo khua nước thuyền lướt nhẹ. Ngư dân ngồi trên thuyền chậm rãi kéo lưới trong nắng chiều nghiêng. Đó đây có tiếng reo hò cổ vũ của du khách cùng nụ cười tươi hết cỡ trên gương mặt cư dân vạn chài. Những con cá chép, ngạnh, diếc, rô phi, thác lác... dính lưới bị kéo lên khỏi mặt nước vùng vẫy tìm cách thoát thân. Đôi tay ngư dân khéo léo gỡ cá cho vào rộng trong nước xăm xắp lòng thuyền. Thỉnh thoảng có tiếng “úi cha” và một thoáng ngẩn ngơ tiếc rẻ khi con cá lớn tuột khỏi lưới.

Kéo lưới bắt cá
Kéo lưới bắt cá
Du khách thi nhau bấm máy ghi lại những hình ảnh sống động trên mặt đầm nước mênh mông. Những giọt mồ hôi chảy trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, ướt đẫm lưng áo bạc màu ngời lên vẻ đẹp mưu sinh.
Thuyền về bờ khi nắng chiều phai. Du khách cùng người dân tụ họp bên những gian hàng ẩm thực và các trò chơi dân gian ùa ra đón, trên bến dưới thuyền rộn rã tiếng cười vui. “Lúc trước tôi có qua lại nơi đây nhưng chỉ đứng trên bờ ngắm cảnh thôi. Bữa nay được đi thuyền và chụp rất nhiều cảnh đẹp, thích lắm! Tôi và bạn bè rất thích thú khi được xem cảnh thả lưới bắt cá của người dân nơi đây...”, chị Nguyễn Thị Bích Phượng, du khách đến từ TP.Quảng Ngãi, tâm sự.
Mưu sinh trong đêm lạnh
Màn đêm bao phủ khắp đất trời. Tuyến QL1A nằm bên bờ đầm nhộn nhịp xe cộ hối hả xuôi nam ngược bắc. Trên mặt đầm, bóng dáng ngư dân ẩn hiện trong bóng đêm huyền ảo. Họ lặng lẽ chèo thuyền thả lưới giữa tiếng cá quẫy làm xao động mặt nước. Khi tấm lưới cuối cùng chìm trong làn nước lạnh, họ quay thuyền về bến rồi rảo bước về nhà nghỉ ngơi. Vài giờ sau, họ xuống bến và chèo thuyền ra đầm thu lưới, sương đêm giăng khắp bốn bề. Đèn pin đội trên đầu bật sáng lấp lóa trên mặt đầm trong đêm lạnh. Đôi tay cẩn thận gỡ cá ra khỏi lưới cho vào lòng thuyền. Hồi lâu, thuyền quay vào bờ để mớ cá tươi rói kịp đến phiên chợ sớm. “Vợ chồng tôi cùng bà con ở đây thả lưới cả ngày lẫn đêm. Mỗi bữa kiếm được dăm ba trăm nghìn đồng, có khi trúng nhiều cá lên đến cả triệu”, ngư dân Trần Xiêm (ở xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) chia sẻ.

Gõ vào mạn thuyền và đập mái chèo xuống nước sau khi giăng lưới. Ảnh: Trang Thy
Gõ vào mạn thuyền và đập mái chèo xuống nước sau khi giăng lưới. Ảnh: Trang Thy
Ở tuổi 64, ông Hồ Trọng (cũng ở xã Phổ Khánh) có hơn nửa thế kỷ mưu sinh trên đầm nước. Ông thuộc nằm lòng những vũng, lạch nước trong đầm. Cả ngày lẫn đêm, vợ chồng ông cặm cụi chèo ghe giăng lưới bắt cá. Những buổi vợ ốm mệt, ông dùng chân quạt nước cho thuyền trôi chầm chậm, đôi tay lần gỡ cá ra khỏi lưới. Ngày nắng, vợ chồng ông và người làng hành nghề lưới gõ (thả lưới rồi gõ vào mạn thuyền để xua cá) vang vọng mặt đầm. Mỗi thuyền buông hàng chục tấm lưới với chiều dài mỗi tấm 30 m, cao 0,8 - 1 m giăng khắp mặt đầm. Tiếng gõ mạn thuyền và mái chèo đập xuống nước khiến cá hoảng loạn bơi tứ tung và mắc vào lưới.
Ông Trọng cho biết: “Mùa mưa, mỗi bữa làm nghề lưới gõ bắt chừng 10 ký cá diếc, bán được 500.000 đồng. Mùa nắng thì ít cá nhưng giá cao hơn. Mỗi ngày ra đầm kiếm được vài trăm nghìn đồng chứ không lo đói”.
Vợ chồng ông Trọng còn hành nghề lưới cản, gồm 2 giàn dùng để bắt cá chép cùng những loại cá lớn. Khi bầy vịt trời tung tăng bơi lặn kiếm ăn, vợ chồng ông chèo thuyền buông lưới vào làn nước trong xanh. Tầm 3 giờ chiều, vợ chồng ông chèo thuyền lần theo gỡ cá và để nguyên lưới trong nước. Hơn 1 giờ sáng hôm sau, ông bà lọ mọ ra đầm chèo thuyền kéo lưới, gỡ cá mang về bán cho tư thương chuyển lên tận các huyện miền tây Quảng Ngãi.
Quả ngọt
Ông Trọng trầm ngâm khi nhớ lại tuổi thơ khốn khó. Người cha hy sinh, bỏ lại vợ cùng hai con thơ côi cút trong căn nhà đơn sơ bên đầm An Khê. 10 tuổi, ông theo mẹ chèo ghe thả lưới trên đầm sau những giờ đến lớp. Năm năm sau, ông cùng chị gái thay mẹ mưu sinh trên đầm giữa những ngày quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông miệt mài chèo thuyền buông - kéo lưới bất kể đêm ngày kiếm tiền nuôi mẹ già và 7 người con.
An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất là 4 m, dài khoảng 3,5 km, chiều rộng tầm 1 km nối với biển bằng sông Cửa Lỗ. Mùa mưa lũ, nước đầm tràn lên cả đồng ruộng Diên Trường và những vùng lân cận rộng mênh mông. Thuở xưa, đầm có tên gọi là Cẩm Khê, rồi Phú Khê, gắn liền với câu ngạn ngữ: “Cây Động Lá, cá Phú Khê” phản ánh đầm có nhiều cá.
Khoản tiền kiếm được từ sự nhọc nhằn giúp vợ chồng ông nuôi các con trưởng thành và xây dựng cửa nhà khang trang. Hiện con trai út của ông bà đang là sinh viên năm thứ 2 tại TP.HCM. “Năm 1977, tôi xây căn nhà mái ngói, được hơn 10 năm thì bị mối ăn hư hại. Đến năm 1990, tôi tháo dỡ và xây căn nhà xông (nhà xây kiểu cách khá đẹp ở quê thời bấy giờ). Nhưng rồi cũng bị mối ăn nên đến năm 2015 xây căn nhà bây giờ. Ruộng đất ở đây quá ít, nếu làm nông thì đủ ăn là may rồi chứ tiền đâu lo cho con, chưa nói là đến 3 lần xây nhà. Nghề làm đầm ở đây giúp cho người dân chúng tôi nhiều lắm đấy. Nếu không làm đầm thì chắc nhiều người phải đi nơi khác tìm cách kiếm sống”, ông cho biết.
Với ông Trần Nọ (ở xã Phổ Khánh), sau 47 năm cơ cực mưu sinh trên đầm nước, ông đã hái “quả ngọt” khi 4 người con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Thuở trước, hoàn cảnh gia đình ông hết sức khó khăn khi cha già yếu, mẹ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường và các con đang tuổi đến trường. Cuộc sống càng túng bấn khi các con lần lượt vào đại học. Rồi dịp may mỉm cười với những mảnh đời khốn khó. “Hồi đó cá rô phi nhiều lắm, chúng giành nguồn thức ăn và lấn át các loại cá trong đầm. Tôi kéo lưới gần bờ bắt được chủ yếu là rô phi, các loại cá khác rất ít. Nhờ đó, vợ chồng tôi có điều kiện lo cho các con ăn học nên người”, ông Nọ chia sẻ. (còn tiếp)
Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.