Mưu sinh trên đầm An Khê: Chìm nổi phận thuyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những bậc cao niên ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) ven đầm An Khê không rõ nghề đan thuyền nan nơi đây có tự bao giờ. Cứ thuyền cũ, hư hỏng lại đan mới để bập bềnh trên đầm nước mưu sinh.
Thuyền nan một thuở
Để đan thuyền nan, những người dân quê chân chất lội bộ chừng 2 cây số lựa mua tre mỡ già bóng mượt rồi đốn hạ và vác về nhà. Những người thợ đan trong xóm tự nguyện mang rựa đến chẻ thành những chiếc nan mỏng. Gốc tre chẻ thành những chiếc nan nghiêng (lấy cả phần thân bên trong) trước khi vuốt láng. Thân tre chẻ lấy nan cật (phần cứng bên ngoài) bóng bẩy như xoa mỡ.
Những chiếc nan xinh xắn được phơi khô trước khi đan khít vào nhau trông thật đẹp mắt. Sau đó, họ nấu chín cám gạo rồi trét kín cả hai bên. Tiếp đến, dùng xơ dừa quệt dầu rái nấu sôi rồi phết nhiều lần lên tấm nan đan khá lớn. Rồi họ chẻ gốc cong thành những thanh tre cứng kẹp vào mép tấm nan và uốn thành hình thuyền, gọi là lận vành. Họ cẩn thận đục lỗ, đóng chốt và luồn dây mây hay cước cột chặt nan với vành khá chắc chắn trước khi đóng đà là những thanh gỗ mù u.

Người dân ven bờ gắn máy công suất nhỏ vào đuôi thuyền nhôm chở du khách tham quan trên đầm. Ảnh: Trang Thy
Người dân ven bờ gắn máy công suất nhỏ vào đuôi thuyền nhôm chở du khách tham quan trên đầm. Ảnh: Trang Thy
“Hồi xưa, ông nội tôi đan thuyền giỏi lắm. Ông thường làm thuyền cho bà con ở đây nhưng không lấy tiền công gì cả. Tôi cũng học và biết đan nhưng không bằng được...”, ông Tướng Văn Minh, Trưởng thôn Phú Long, nhớ lại.
Ngày thơ bé, ông Hồ Trọng thường sang chơi nhiều nhà trong xóm. Những bữa như thế, ông lân la lại gần người thợ đan các vật dụng trong cuộc sống thường ngày. Thấy ông ham hiểu biết, nhiều bậc cao niên tận tình chỉ bảo cách đan và dùng 2 thanh gỗ kê gõ lốc cốc đẩy những nan tre khít vào nhau. Ông hào hứng phụ giúp người lớn trét cám, phết dầu rái rồi uốn và cột vành. Dần dà, ông đan thành thục thúng, mủng, rổ, rá... và cả làm thuyền để chèo ra đầm An Khê đánh bắt cá.
“Ban đầu, tôi đan các đồ dùng trong nhà. Khi rành rẽ rồi, tôi đan thuyền cho mình và theo mấy chú, bác đan cho bà con trong làng. Nếu làm siêng phết dầu rái hằng năm thì thuyền nan chịu được 7 - 8 năm mới hư hỏng”, ông Trọng cho biết.
Sở hữu chiếc thuyền nan phảng phất hương thơm dầu rái là niềm ao ước của bao người dân ven đầm An Khê thuở ấy. Ngày ngày, họ chèo thuyền ra đầm buông - kéo lưới bắt cá mưu sinh.
Những năm chiến tranh ác liệt, họ luôn lo lắng không yên, giăng lưới với nỗi sợ sẽ bị những viên đạn từ họng súng của quân thù bắn vào mình. Giai đoạn 1968 - 1969, quân đội VN cộng hòa cấm tiệt, không cho dân chèo thuyền trên đầm đánh bắt cá tôm. Nhưng “đói quá hóa liều”, nhiều người lén lút ra đầm trong đêm đen đánh bắt cá tôm đem về đổi mớ khoai hay mủng lúa xay giã nấu thành cơm gạo lót dạ qua ngày. Lính Mỹ và VN cộng hòa ngồi trên máy bay trực thăng dùng đèn soi kiếm tìm rồi bắn xối xả. Nhiều người chết thương tâm khi đang chèo thuyền mưu sinh trên đầm nước.
“Hồi đó, nó cấm đầm triệt để. Hễ thấy ló chiếc thuyền là nó bu bắn chết thôi, bất kể ngày đêm. Vậy nhưng dân ở đây sống phụ thuộc vào đầm. Không ra đầm thì lấy gì sống?”, ông Trần Quang Long, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Long, hồi tưởng.
Phú Long khi ấy là “làng đỏ” của xã Phổ Khánh với tinh thần bất khuất tiếp nối tự bao đời. Cư dân trong làng chống đối, không chịu vào sống tại những khu tập trung do chính quyền VN cộng hòa quản lý. Họ nuôi giấu, chở che cán bộ và động viên con em hiên ngang cầm súng đánh trả quân thù giải phóng quê hương.
Địa thế của làng nằm trên doi đất giữa đầm và biển nên đối phương không đóng đồn bót vì sợ bị đánh úp. Binh lính VN cộng hòa thường kéo về lùng sục, đốt sạch mọi thứ, kể cả thuyền nan đậu bên mép đầm, vì họ cho rằng thuyền nan là phương tiện đánh bắt cá nuôi cộng sản và chở cộng sản qua đầm vào ban đêm.
Để tránh việc bị đốt thuyền nan, dân cư ven đầm An Khê đã nghĩ ra cách nhấn chìm thuyền dưới đáy đầm. Chiếc thuyền bị lắc mạnh cho nước tràn vào rồi dùng đá nặng đặt bên trong chìm nghỉm trong làn nước. “Vậy nhưng sơ sẩy là bị lính đốt. Bữa nọ, tôi vừa đánh cá về nhà định ăn cơm rồi xuống đi thả lưới thì gặp lính đi càn. Họ kéo thuyền tôi lên bờ với 2 chiếc khác rồi chất lửa đốt cháy tiêu tan”, ông Hồ Trọng nhớ lại.

Ông Trần Quang Long (trái) và ông Tướng Văn Minh. Ảnh: Trang Thy
Ông Trần Quang Long (trái) và ông Tướng Văn Minh. Ảnh: Trang Thy
Bóng dáng thuyền nan ẩn trong tim
Cuộc trò chuyện khiến ông Tướng Văn Minh trôi về miền ký ức ngày xa. Hình bóng cụ nội cặm cụi ngồi vót nan, đan thuyền hằn sâu trong tâm trí. Ông luôn khắc ghi trong lòng những cử chỉ yêu thương của nội khi dạy bảo cháu cách đan thuyền, nết ăn ở cho phải lẽ đời, hợp đạo lý làm người. Gần 40 năm từ ngày ông nội về với tổ tiên, ông Minh luôn tự nhủ lòng phải sống xứng đáng với tình yêu thương đó.
“Nội tôi không chỉ giỏi đan mà còn là người rất tốt bụng và giỏi chịu đựng những nỗi đau trong cuộc đời. Vợ mất sớm, nội ở vậy nuôi các con trưởng thành. Khi cha tôi và 3 cô, chú hy sinh, ông nén nỗi đau vào lòng để sống và làm gương cho con cháu. Nhớ ông nên tôi muốn ôn lại nghề đan. Bữa trước, tôi có rủ anh Trọng rằng hay là mình lại đan thành 1 chiếc thuyền như ông bà thuở trước?”, ông bộc bạch.
Thuyền nan luôn hiện hữu trong lòng của nhiều bậc cao niên Phổ Khánh. Với họ, đấy không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là “người bạn” dựa vào nhau qua những tháng ngày gian khó. Giờ đang chèo thuyền nhôm bền chắc mưu sinh sớm hôm trên đầm nước nhưng ông Hồ Trọng vẫn không thể nguôi ngoai luyến nhớ nghề đan thuyền nan thuở trước. Dẫu thôi nghề đã lâu nhưng ông vẫn nhớ như in cách chọn tre, chẻ nan, vuốt láng... rồi đan thành thuyền.
Với ông, tre phải già thì nan mới tốt, thuyền mới bền chắc. Trét cám phải thật kỹ để thuyền khỏi vô nước. Phết dầu rái thì phải dùng xơ dừa kín để trám những chỗ hở. Khi nghe Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh Hồ Ngọc Hàn hỏi: “Giờ chú có còn đan thuyền và thúng chai được nữa không?”, ông hào hứng: “Được chứ! Không có người bảo đan, chứ có là tui đan liền!”.
Thế là ông Hồ Ngọc Hàn huy động được 20 triệu đồng “đặt hàng” ông Trọng đan thuyền và thúng chai để phục vụ cho du khách thưởng ngoạn trên đầm An Khê. “Tôi đặt chú Trọng làm 1 chiếc thuyền nan và 1 thúng chai để đưa rước du khách khi họ có yêu cầu. Sau này, tôi cũng có hướng huy động xã hội hóa để đan thêm thuyền nan tham dự hội đua thuyền trên đầm An Khê”, ông Hàn cho biết.

Mưu sinh trên đầm An Khê. Ảnh: Trang Thy
Mưu sinh trên đầm An Khê. Ảnh: Trang Thy
Thuyền nhôm dãi dầu bao mưa nắng
Gần vào tuổi bát tuần, cụ Nguyễn Xu ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh vẫn tỉ mẩn gò thuyền nhôm trước sân nhà. Thuở trước, cụ được cha chỉ dạy đan thuyền nan để hành nghề đăng nò nơi đầm nước An Khê. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, người con rể bán hủ tiếu ở TP.HCM về thăm quê. Anh cho biết “có loại nhôm đóng xe hủ tiếu có thể gò thuyền”. Thế là cụ bảo con rể vào trong đó gửi nhôm về rồi mày mò gò thuyền trước ánh mắt nghi ngại của nhiều người.
Ban đầu, công việc vô cùng khó khăn. Do chưa quen tay nên những miếng nhôm chẳng chịu dính khít vào nhau. Đôi bận, cụ phải tháo ra làm lại từ đầu hết sức gian nan. Cụ liền đến nhà có thuyền nhôm tận tay sờ những mối ráp nối, cách gắn vít... rồi trở về tự làm lấy. Những chiếc thuyền tiếp nối dần hoàn thiện trước sự thán phục của bao người. Người dân trong làng và ở nơi xa tin tưởng tìm đến đặt cụ làm thuyền để mưu sinh trên sông hồ hay đầm nước. Mỗi năm, cụ nhận gò chừng mươi chiếc thuyền cho khách gần xa.
“Thuyền nhôm lâu hư hỏng lắm. Có chiếc làm hơn 20 năm rồi nhưng vẫn còn bền chắc”, cụ tâm sự. “Anh Xu gò thuyền chắc chắn nên nhiều người nhờ ảnh làm. Chèo thuyền của ảnh làm an tâm chứ không lo sợ bị hư giữa chừng...”, ông Trần Quang Long cho biết thêm. (còn tiếp)
Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.