(GLO)- Ngay trước thềm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, họ bươn mình để kiếm lấy áo cơm, bất kể ngày đêm. Những đồng tiền ấy chứa biết bao nhọc nhằn và ướt thẫm mồ hôi…
Thời khắc giao thừa sẽ diễn ra sau vài tiếng đồng hồ nữa nhưng hàng trăm con người vẫn mải mê bươn chải mưu sinh. Ảnh: Lê Hòa |
Trưa 29 Tết, trời Pleiku nắng như thiêu cháy. Dưới mấy gốc bàng già nua bên đường Cách mạng tháng Tám-TP. Pleiku, gần chục người phụ nữ người dân tộc thiểu số tụm túm nhau ngồi bán mấy quả dứa, sung trang trí mâm ngũ quả ngày Tết. Nắng nóng, bóng mát của cây không đủ để che chắn, họ ngồi nép mình vào bóng của chiếc ô nhỏ bé, cũ kỹ.
Những sản phẩm đích thị “cây nhà lá vườn” và quá đỗi ít ỏi ấy cũng đủ sức khiến họ bươn bả vượt đường xa gần chục cây số để đem bán kiếm ít tiền lo chuyện áo cơm. Chị Yến (làng Sơr-xã Biển Hồ-TP. Pleiku) e thẹn: “Dứa mình hái trong vườn, bán rẻ thôi. Nhỏ thì 15 ngàn, lớn thì 20 ngàn một trái”. Giá của mỗi chùm sung được khoảng chừng vài chục quả được bán với giá 5-10 ngàn đồng.
Chiều muộn ngày 29 Tết, sát Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, nhiều từng tốp chị em người dân tộc thiểu số đang đứng sắp hàng bày bán những mớ rau, cọng hành-vội vã như sợ không thể bán hết trong năm cũ thì chẳng xong. Siu H’Bét- làng Dút 2-xã Ia Dêr-Ia Grai, tươi cười: “Bán hết chút rau này, mình mới về nhà lo cho các con đón Tết”.
Với chị Hà, mùa cận Tết và những ngày Tết là một mùa làm ăn rất khá. Ảnh: Lê Hòa |
Như một tất yếu trong thời buổi hội nhập và giao thoa văn hóa, việc Tết cổ truyền đã dần trở thành phổ biến ngay cả với những dân tộc như Bahnar, Jrai ở Gia Lai. Dẫu rằng, cái cách họ đón Tết vẫn mới chỉ có những nét nào đó, phần nào đó theo như hơi hướng cái Tết của người Kinh thì mùa Tết, với họ cũng có một sức hút ghê gớm, để họ bươn mình như bao người, kiếm đồng tiền để lo cho cuộc sống.
Trong guồng quay kiếm cơm những ngày cận Tết, hơn ai hết chính là những người bán buôn chạy chợ là miệt mài nhất, cật lực nhất. Bất kể ngày hay đêm, khi chợ Tết khởi động là kể từ ấy, gần như họ 24/24 giờ có mặt tại sạp hàng. Những giấc ngủ vùi mệt nhọc giữa bộn bề hàng hóa, giữa èo xèo những tiếng ngã giá, kỳ kèo, giữa đủ thứ mùi vị hôi thơm của chốn chợ ồn ào… Giấc ngủ ấy trở nên chập chờn, phần tỉnh nhiều hơn phần say dù cái mệt thấm đến tận từng thớ thịt bởi cái ám ảnh của chuyện bán buôn, của đồng tiền lời lãi. Cũng đơn giản, mùa Tết-với dân kinh doanh buôn bán có ý nghĩa như “giờ vàng”, là khoảng thời gian làm ăn rộn ràng nhất trong năm.
Chiều 29 Tết, rất nhiều người vẫn chạy đua với thời gian để kịp bán hết số hoa Tết. Ảnh: Lê Hòa |
“Gần một tuần rồi vợ chồng tôi “đóng đô” ở đây. Cơm, nước, ngủ nghỉ tất cả ở đây”- chị Nguyệt, một chủ sạp trái cây ngay trên đoạn đường Nguyễn Thiện Thuật giao với Hoàng Văn Thụ không ngại ngần “kể khổ”. Chồng chị điềm đạm hơn, cười xuề như ngại ngùng trước vẻ có phần “say” kiếm tiền quá của vợ chồng mình, lý giải: “Năm nay buôn bán chán quá, đành dồn lực trông chờ mấy ngày Tết thôi em”. Giữa chốn chợ Tết này, có hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người cũng lao mình bươn bả như vợ chồng chị Nguyệt nào có thua gì…
Nào chỉ riêng dân buôn bán, ngày Tết cũng là dịp để kiếm cơm của đủ thứ nghề dịch vụ khác: Rửa xe, chở thuê, ăn uống… “Phố rửa xe” trên đường Nguyễn Thái Học, Tăng Bạt Hổ… các quán lúc nào cũng chật cứng. Thậm chí, xe muốn rửa còn phải xếp hàng qua cả vỉa hè bên này đường. Những ngày này, thợ rửa xe làm việc không ngơi tay.
Các tiệm rửa xe luôn bận rộn, làm không kịp với nhu cầu của khách trong dịp Tết. Ảnh: Lê Hòa |
Ngày Tết, người buôn bán to kiếm tiền to, buôn bán nhỏ kiếm tiền nhỏ. Có biết bao thứ mà ngày thường chả bao giờ đụng đến giờ cũng lôi ra bán, cũng có thể kiếm được tiền. Nào trái sung, trái dứa xanh, nhành cây cảnh ngồ ngộ… Mấy chị bán bong bóng đồ chơi trẻ em cũng bước thấp bước cao rảo qua các con phố, chỉ mong gặp những “thượng đế” nào đó, nhất là những cô cậu bé, mê mẩn đồ chơi và đòi bố mẹ mua cho bằng được… Chị Dương Thị Hà-một người bán dạo bong bóng trẻ em, vui vẻ cho biết: “Đã 5-6 năm rời quê hương vào Gia Lai làm ăn, Tết nào tôi cũng tranh thủ mấy ngày Tết để đi bán hàng. Ngày Tết cũng chỉ chơi có chừng, rồi tranh thủ đi bán. Thường thì những ngày này hàng bán chạy hơn, có lãi hơn”.
Phố xá rộn ràng trong những ngày Tết, lòng người háo hức trông xuân. Dù rằng, lao động trong thời gian ấy đem lại cho người ta không ít “hời”, nhưng vất vả trong cuộc mưu sinh vào thời khắc người người, nhà nhà sắm mua, chăm lo cho những ngày Tết dễ khiến người ta thấy vất vả, chạnh lòng…
Lê Hòa