Những giao dịch vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua vàng phải xuất trình chứng minh thư nhân dân với đơn vị bán vàng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc-Cục trưởng Cục Phòng-chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian tới, những giao dịch vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua vàng phải xuất trình chứng minh thư nhân dân với đơn vị bán vàng. Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác phòng-chống rửa tiền.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, theo dự thảo NHNN đang tiến hành, đơn vị giao dịch vàng sẽ phải ghi chép rất chi tiết thông tin của người đi mua vàng. Trước đó, NHNN cũng đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
NHNN đặc biệt lưu ý về việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ ở các giao dịch mua, bán vàng miếng có giá trị lớn. Cũng theo văn bản trên, từ ngày 1-8-2013, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng hàng ngày.
Trả lời báo chí về con số gần 51.000 tỷ đồng giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 (bao gồm cả các đồng tiền khác đã được quy đổi) do NHNN công bố tại cuộc họp đánh giá công tác phòng-chống rửa tiền và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động này của Ban Chỉ đạo phòng-chống rửa tiền tổ chức ngày 23-8, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Tại Việt Nam hiện nay chưa thể đánh giá rửa tiền ở lĩnh vực nào nhiều”.
Bởi theo ông Ngọc, việc thu thập chứng cứ để kết tội giao dịch liên quan tới rửa tiền rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành. Hiện tại, công tác triển khai các báo cáo về giao dịch giá trị lớn chủ yếu do các ngân hàng báo cáo lên NHNN. Trong đó có cả ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài chi nhánh tại Việt Nam và ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra còn từ báo cáo của bảo hiểm và chứng khoán.
Với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, cơ quan chức năng cũng đã đào tạo cho nhân viên về phát hiện hành vi rửa tiền. “Riêng ở lĩnh vực các ngân hàng thì chúng tôi làm tương đối tốt. Ngay cả ở các tỉnh, chúng tôi cũng tổ chức các lớp tập huấn và nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ hàng năm”-đại diện NHNN nói.
Chia sẻ thêm về công tác phòng-chống rửa tiền tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ngọc cho hay: Hiện nay, dựa vào nhóm khuyến nghị 49 theo chuẩn mực quốc tế, Chính phủ phải thành lập một ban để đánh giá về rửa tiền.
Về xử lý tội phạm rửa tiền, ở quốc tế có khái niệm gọi là tội phạm kép. Ví dụ, một người là lãnh đạo cấp cao tham ô, tham nhũng rồi rửa tiền qua ngân hàng, nếu phát hiện ra thì kết tội đầu tiên là tham nhũng và tội thứ hai rửa tiền.
Nhưng ở Việt Nam, do tập quán pháp lý xử lý tội phạm nguồn nên chỉ kết tội tham nhũng và thu hồi, phạt thêm tiền. Ngoài ra sẽ tịch thu số tiền liên quan đến tội phạm đó, rồi phạt tù, phạt tiền. Và chỉ trong trường hợp người phạm tội tham ô tham nhũng đó chuyển tiền cho anh chị, em, bạn bè để thực hiện những hành vi che giấu thì anh chị em, bạn bè đó mới bị xét vào tội rửi tiền.
Cũng theo chia sẻ từ ông Ngọc, vào cuối tháng 10 tới, Bộ Công an sẽ ban hành khung pháp lý đầy đủ để phong tỏa các quỹ được sử dụng có nghi vấn liên quan tới rửa tiền.
Hà Thanh (Theo VOV)